Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ
     Các chuyên mục 

Tin tức - Sự kiện
» Tin quốc tế
» Tin Việt Nam
» Cộng đồng VN hải ngoại
» Cộng đồng VN tại Canada
» Khu phố VN Montréal
» Kinh tế Tài chánh
» Y Khoa, Sinh lý, Dinh Dưỡng
» Canh nông
» Thể thao - Võ thuật
» Rao vặt - Việc làm

Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca
» Cần mời nhiều thương gia VN từ khắp hoàn cầu để phát triễn khu phố VN Montréal

Bản sắc Việt
» Lịch sử - Văn hóa
» Kết bạn, tìm người
» Phụ Nữ, Thẩm Mỹ, Gia Chánh
» Cải thiện dân tộc
» Phong trào Thịnh Vượng, Kinh Doanh
» Du Lịch, Thắng Cảnh
» Du học, Di trú Canada,USA...
» Cứu trợ nhân đạo
» Gỡ rối tơ lòng
» Chat

Văn hóa - Giải trí
» Thơ & Ngâm Thơ
» Nhạc
» Truyện ngắn
» Học Anh Văn phương pháp mới Tân Văn
» TV VN và thế giới
» Tự học khiêu vũ bằng video
» Giáo dục

Khoa học kỹ thuật
» Website VN trên thế giói

Góc thư giãn
» Chuyện vui
» Chuyện lạ bốn phương
» Tử vi - Huyền Bí

Web links

Vietnam News in English
» Tự điển Dictionary
» OREC- Tố Chức Các Quốc Gia Xuất Cảng Gạo

Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng

Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP



     Xem bài theo ngày 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
   

     Thống kê website 
 Trực tuyến: 12
 Lượt truy cập: 24902274

 
Văn hóa - Giải trí 02.05.2024 08:39
TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN TRÊN VÙNG BIỂN ĐÔNG NAM Á
12.07.2016 09:00

Đôi lời: Một bài viết rất dài và rất công phu, khoảng 98.000 từ, của tác giả Lý Đăng Thạnh, chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xin được giới thiệu với độc giả vào thời điểm Tòa Trọng tài Quốc tế sắp công bố phán quyết của vụ Philippines kiện Trung Quốc ở biển Đông. Do bài viết rất dài, xin được chia ra làm 3 phần để đăng trong nay mai. Sau đây là phần 1 của bài viết.(anhbasam)

Lý Đăng Thạnh  11-7-2016

Nội dung bài viết này gồm năm phần:

I – Biển Đông Nam Á

II- Sự tạo lập và duy trì chủ quyền cương vực trên Biển Đông Nam Á trước năm 1909

III- Sự tạo lập, duy trì và tranh chấp chủ quyền cương vực trên Biển Đông Nam Á thời 1909-45

III- Sự tạo lập, duy trì và tranh chấp chủ quyền cương vực trên Biển Đông Nam Á thời 1945-75

IV- Sự tạo lập, duy trì và tranh chấp chủ quyền cương vực trên Biển Đông Nam Á từ năm 1975

Trên bản đồ thế giới, tại khu vực Đông Nam Á có một vùng biển rộng khoảng 3.447.000 km2, nằm giữa các nước Trung Cộng, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Bruney, Singapore, Indonesia, Cambodia, Thái Lan và Việt Nam. Đây là biển lớn thứ tư thế giới sau biển Philippines, biển San Hô và biển Ả Rập.

I – BIỂN ĐÔNG NAM Á

1- Cách gọi tên Biển Đông Nam Á trong lịch sử

Do là vùng biển quốc tế giáp với nhiều quốc gia có ngôn ngữ và truyền thống khác nhau, nên Biển Đông Nam Á từng mang nhiều tên gọi khác nhau, theo cách gọi của Trung Hoa, Việt Nam, các nước Đông Nam Á khác, và của các học giả Phương Tây.

Tuy nhiên có điểm chung nhất quán, là cho đến trước khi xuất hiện khái niệm ‘Chủ quyền đường Cửu Khúc/9 đoạn/Lưỡi Bò/Hình chữ U’ của Trung Hoa Dân Quốc và Trung Cộng, thì chưa từng có tài liệu nào dám hỗn hào ngu ngốc, công nhiên đòi hỏi chủ quyền quốc gia đối với toàn bộ diện tích Biển Đông Nam Á.

a- Theo cách gọi tên của Trung Hoa

Sách Dật Châu Thư (逸周書), ghi chép biên niên sử triều Tây Châu (1046-771 BC) của Trung Hoa, đã gọi vùng biển Đông Nam Á là Nam Phương Hải (南方海), chép rằng vua của các nước ‘man di’ quanh Nam Phương Hải đã triều cống nhiều hải sản như đồi mồi, hải sâm… cho vua Triều đình Châu, đặt kinh đô tại Cảo Kinh (~ Tây An, tỉnh Thiểm Tây).

Các sách Thi Kinh (詩經), Tả Truyện (左傳), Quốc Ngữ (國語) thời Xuân Thu (771-476 BC) gọi vùng biển Đông Nam Á là Nam Hải (南海), với ý nghĩa là ‘một trong bốn vùng biển bao quanh Trung Quốc’.

Dưới thời Đông Hán (23-220), thư tịch Trung Hoa gọi vùng biển này là Trướng Hải (漲海), có nghĩa là ‘vùng biển rộng mênh mông’; rồi sang thời Nam Bắc Triều (420-589) gọi là Phí Hải (沸海), có nghĩa là ‘vùng biển luôn sục sôi nhiều sóng gió’.

Từ thời Đại Đường dần dần đổi sang gọi là Nam Hải (南海), cho đến triều Đại Thanh thì tên gọi Nam Hải được người Trung Hoa sử dụng chánh thức và phổ biến cho đến ngày nay. Trong thời cận đại, do tên gọi của biển Nam Hải trong nhiều tài liệu ngoại ngữ khác mang ý nghĩa là ‘biển nằm ở phía nam Trung Hoa’ nên khi dịch sang Hán văn đã làm phát sinh thêm tên gọi ‘Nam Trung Quốc Hải’ (南中国海, 南中國海) và ‘Trung Quốc Nam Hải’ (中國南海, 中国南海).

Sách Võ Bị Chí (武備志) của Mao Nguyên Nghi (茅元儀, 1594-1640), trong phần ghi chép các chuyến hải hành của thái giám Trịnh Hòa (鄭和) từ Hoa Nam đến Ấn Độ Dương và Đông Phi (1405-1433), đã gọi vùng biển Đông Nam Á là Giao Chỉ Dương (交趾洋).

H1Giao Chỉ Dương (交趾洋)

H2Bản đồ của Lê Quý Đôn (1776) ghi tên biển Đông Dương Đại Hải (東洋大海).

b- Theo cách gọi tên của Việt Nam

Tại Việt Nam, tên gọi Nam Hải cũng được sử dụng trên một số tài liệu, nhưng với hàm ý và ngữ cảnh là dịch từ chữ ‘南海’ của Trung Hoa hay ‘South China Sea’ hay ‘Mer de Chine méridionale’ của các tài liệu Phương Tây; hoặc với ý nghĩa là ‘Vùng biển giáp nước Nam’.

Thời Triều Nguyễn tự chủ, có một vài tài liệu chữ Nôm cũng gọi biển Đông Nam Á là ‘Bể Nam’, với ý nghĩa là ‘biển giáp nước Nam’, khác biệt với cách gọi theo người Trung Hoa là ‘Nam Hải’ bằng chữ Hán theo cách viết văn tự Hán. Trong cuốn Đại Nam Quốc sử diễn ca (1870), viết bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát, kể đoạn An Dương Vương mất nước Âu Lạc vào tay Triệu Đà có viết như sau: …Kim Qui đâu lại hiển linh, Mới hay giặc ở bên mình không xa. Bây giờ Thục Chúa tỉnh ra, Dứt tình phó lưỡi Thái A cho nàng. Bể Nam (𣷭南) đến bước cùng đàng, Văn tê theo ngọn suối vàng cho xuôi… Ở đây Bể Nam và Nam Hải tương đương về vần luật và dấu thanh, nhưng ‘Bể Nam’ (𣷭南) được dùng mà không phải là ‘Nam Hải’ (南海).

Trong khi đó tên gọi Đông Hải (東海), Bể Đông (𣷭東), hay Biển Đông đã được sử dụng phổ biến và lâu đời trong tài liệu Việt, với ý nghĩa chỉ ‘vùng biển nằm ở phía đông lãnh thổ Việt Nam’.

Trong Bình Ngô Đại Cáo (1428) của Nguyễn Trãi viết: 決東海之水不足以濯其污,罄南山之竹不足以書其惡。(Quyết Đông Hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô, Khánh Nam Sơn chi trúc bất túc dĩ thư kỳ ác)Ngô Tất Tố dịch là: Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội; Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.

Trong sách Phủ Biên Tạp Lục (1776) của Lê Quý Đôn, có in một bản đồ vẽ địa dư Việt Nam, đã ghi tên biển Đông Nam Á là Đông Dương Đại Hải (東洋大海).

Sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1809-19) của Phan Huy Chú, tại mục Dư Địa Chí chép: Xét trong sách vở đã ghi chép, đất nước ta phía đông đến biển, phía tây giáp Vân Nam

Sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833) của Phan Huy Chú viết: 其地西接哀牢,東臨大海,南夾廣南,北連乂安。(Kỳ địa tây tiếp Ai Lao, đông lâm đại hải, nam giáp Quảng Nam, bắc liên Nghệ An). Dịch nghĩa: Đất Đàng Trong phía tây giáp Ai Lao, phía đông là biển lớn, đoạn phía nam là Quảng Nam, phía bắc nối liền với Nghệ An.

Học giả Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược (1919), đã chép lại lời Bà Triệu Ầu (sinh thời 225-248) rằng: Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng-kình ở bể đông, quét sạch bờ-cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối, chứ không thèm bắt-chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tỳ-thiếp người ta.

c- Theo cách gọi tên của Phương Tây

Theo các học giả Inrasara (Phú Trạm) và Sri Thraoh (Kiều Dung), thì vào thế kỷ 15-16, các nhà thám hiểm hàng hải và địa lý Bồ Đào Nha thường gọi gọi vùng biển Đông Nam Á là Biển Champa (Mar da Campa, Mar da Champa, Mar da Chiampa, Mar da Ciampa…). Rồi cũng trong thế kỷ 16, các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha trên các bản đồ hàng hải có lẽ là những người đầu tiên dùng tên gọi Mar da China (Mare Sinlcvm, Tần Hải), với ý nghĩa là ‘vùng biển giáp với nước Tần là đế quốc hùng vĩ nhất trong khu vực trước đây’.

H3

(http://www.slideshare.net/7philippines/the-south-china-sea-west-philippine-sea-dispute)

H4

Một số tài liệu và bản đồ Phương Tây đã từng gọi biển Đông Nam Á cùng với biển Andaman và eo Malacca là biển Đông Ấn (Il Mare dell’ Indie Orientali, bản đồ năm 1750).

https://vi.wikipedia.org/wiki/Bi%E1%BB%83n_%C4%90%C3%B4ng#/media/File:Map_shows_Indochina_and_Southeast_Asia_1750.jpg).

Tên gọi phổ biến nhất và được xem là ‘mang tính quốc tế hiện nay’ của biển Đông Nam Á trong hầu hết các ngôn ngữ Phương Tây, thường mang ý nghĩa là ‘vùng biển nằm ở phía nam của lục địa Tần/Trung Hoa’, có thể được dịch là: biển Nam Tần, biển Nam Trung Hoa, biển Hoa Nam. Sở dĩ có cách gọi này là vì thời bấy giờ Trung Hoa là nước rộng lớn nhất, phát triển nhất, nổi tiếng nhất trong khu vực và đã có giao thương với phương Tây qua con đường tơ lụa. Tên gọi nhiều biển, đại dương vốn căn cứ vào vị trí của nó so với các vùng đất gần đó cho dễ tra cứu, không có ý gì nói về chủ quyền. Thí dụ như gọi là Ấn Độ Dương, tức là đại dương ở phía nam Ấn Độ, giáp nhiều nước ở châu Á và châu Phi, chứ không phải là của riêng nước Ấn Độ; hay biển Nhật Bản, được bao quanh bởi Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hầu hết các tài liệu và bản đồ thường ghi là:

– South China Sea (bằng Anh ngữ).

– Mer de Chine méridionale (bằng Pháp ngữ).

– Südchinesisches Meer (bản đồ châu Á 1890 bằng Đức ngữ), v.v…

(https://vi.wikipedia.org/wiki/Bi%E1%BB%83n_%C4%90%C3%B4ng#/media/File:Asien_Bd1.jpg)

d- Theo cách gọi tên của các nước Đông Nam Á khác

Người Philippines trước đây gọi vùng biển Đông Nam Á là Biển Nam Trung Hoa (Dagat Timog Tsina), hay Biển Luzon (Dagat Luzon, Luzon Sea); tuy nhiên từ sau khi việc tranh chấp đảo ngày càng tăng mức độ gay gắt thì từ năm 2011, Chánh phủ Philippines chánh thức gọi vùng biên này là Biển Tây (West Philippine Sea, Dagat Kanlurang Pilipinas). Tháng 9-2012, tổng thống Philippines Benigno Aquino III ký sắc lệnh bắt buộc sử dụng tên gọi West Philippine Sea trong tất cả tư liệu có liên quan tại Philippines.

Bên cạnh đó, phần lớn các nước Đông Nam Á không có ‘tranh chấp gay gắt’ với Trung Cộng về chủ quyền biển đảo thì vẫn dùng cách gọi là ‘Biển Nam Trung Hoa’, như: Laut Cina Selatan (Malay, Indonesia), Laut Tiongkok Selatan (Indonesia)…

e- Cách gọi Biển Đông Nam Á

Trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng về phân chia chủ quyền vùng biển, đã có quan điểm của một số học giả và sử gia quốc tế, đề xuất đổi tên biển thành Biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea) hay Biển Đông Nam châu Á (South East Asia Sea), với ý nghĩa là một tên gọi quốc tế phổ thông và trung lập. Tên gọi này bắt nguồn từ việc khu vực kinh tế Đông Nam Á đang là thị trường năng động đang đà phát triển; các nước khu vực Đông Nam Á bao bọc hầu như toàn bộ chu vi của Biển Đông Nam Á với tổng chiều dài bờ biển vào khoảng 130.000 km trong khi đường bờ biển của các tỉnh duyên hải phía nam Trung Cộng chỉ vào khoảng 2.800 km.

Gọi tên Biển Đông Nam Á là để bác bỏ một lập luận ‘phi pháp’ của Trung Cộng cho rằng ‘tên gọi biển Nam Trung Hoa đã chứng tỏ sự công nhận quốc tế về chủ quyền của Trung Hoa đối với toàn bộ vùng biển theo hình chữ U’, tức là khẳng định vùng biển Đông Nam Á là một vùng biển quốc tế, không thuộc chủ quyền nước nào. Tuy nhiên, trong vùng biển có hàng ngàn hòn đảo, thì mỗi hòn đảo lại có chủ quyền riêng theo công pháp quốc tế.

2- Quần đảo Paracel (Hoàng Sa) và Quần đảo Spratly (Trường Sa)

Giữa biển Đông Nam Á có hai quần đảo là Hoàng Sa (Paracel Islands) và Trường Sa (Spratly Islands), từ lâu đã thuộc chủ quyền Việt Nam dựa theo các tài liệu lịch sử. Sau này Trung Cộng lập luận rằng ‘theo lịch sử thì các quần đảo này thuộc chủ quyền Trung Hoa từ lâu đời’, tuy nhiên mọi lập luận có tính chất ngụy biện và không có bằng chứng này đều không được công pháp quốc tế chấp nhận. Cho đến cuối thế kỷ 19 thì ‘tất cả các đảo thuộc hai quần đảo Paracel và Spratly đều không có người ở và không có chính quyền nào cho người trấn đóng thường trực’. Khi Pháp đô hộ Việt Nam thì chánh quyền Đông Dương và An Nam là thể chế đầu tiên đã chánh thức và công khai thực hiện quyền cai quản hai quần đảo này như những vùng lãnh thổ trực thuộc.

Năm 1947, nước Trung Hoa Dân Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch đã xâm chiếm một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, sau đó Trung Cộng chiếm một số đảo ở phía bắc vĩ tuyến 17 vào năm 1956 và đến năm 1974 thì dùng võ lực xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Từ sau 1975, các nước Trung Cộng, Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia đẩy mạnh việc tranh chấp với Việt Nam chủ quyền quần đảo Trường Sa.

a- Quần đảo Hoàng Sa

Tài liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 cho biết: Quần đảo Hoàng Sa là một nhóm những cù lao nhỏ ngoài khơi bờ biển Trung Phần, cách Đà Nẵng khoảng 300 cây số về hướng Đông, nằm giữa các kinh tuyến 111 độ – 113 độ Đông Greenwich và các vĩ tuyến 15 độ 15 – 17 độ 5 Bắc.

Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô, đá ngầm và bãi cạn; điểm gần nhất cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130 hải lý. Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo, là nhóm đảo Nguyệt Thiềm (hay Trăng Khuyết, Crescent group) và nhóm đảo An Vĩnh – Tuyên Đức (hay nhóm Bắc Đảo, Amphitrite group).

– Nhóm An Vĩnh – Tuyên Đức gồm các đảo, bãi đá và cồn cát, như: Bãi Bình Sơn, Bãi Châu Nhai, Bãi Gò Nổi, Bãi Ốc Tai Voi, Bãi Quảng Nghĩa, Bãi Thủy Tề, Cồn cát Bắc, Đá Bông Bay, Đá Nam (Cồn cát Nam), Đá Thấp, Đảo An Vĩnh, Đảo Bắc, Đảo Cây, Đảo Linh Côn, Đảo Nam, Đảo Phú Lâm, Đảo Tây (Cồn cát Tây), Đảo Trung (Cồn cát Trung), Đảo Tuyên Đức, Hòn Tháp, và một số bãi đá, cồn cát nhỏ khác.

– Nhóm Nguyệt Thiềm, còn gọi là Nhóm Trăng Khuyết, hay Nhóm Lưỡi Liềm, gồm các đảo và bãi đá, như: Bãi Xà Cừ, Đá Bắc, Đá Chim Én, Đá Hải Sâm, Đá Lồi, Đảo Ba Ba, Đảo Bạch Quy, Đảo Cam Tuyền, Đảo Duy Mộng, Đảo Hoàng Sa, Đảo Hữu Nhật, Đảo Ốc Hoa, Đảo Quang Ảnh, Đảo Quang Hạ, Đảo Quang Hòa, Đảo Tri Tôn, Đảo Vĩnh Lạc, và một số đảo san hô nhỏ.

H5

H6

b- Quần đảo Trường Sa

Quần đảo Trường Sa nằm ở tọa độ 8 độ 38 Bắc và 111 độ 55 Đông, với hơn 100 hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi cát, nằm rãi rác trên vùng biển rộng 410.000 cây số vuông giữa biển Đông, trong đó phần lớn là các bãi san hô phủ phân chim và đảo đá ngầm (reef), chỉ nỗi lên khi nước biển rút theo thủy triều.

Điểm gần nhất của quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh khoảng 248 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Cộng) khoảng 595 hải lý. Do phân bổ rải rác trên một diện tích vùng biển rộng lớn, nên có thể nói quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Trường Sa sẽ khống chế được cả Biển Đông.

Quần đảo Trường Sa có thể được chia thành các cụm đảo (theo tên gọi Việt Nam, thứ tự các cụm đảo tính từ bắc xuống nam, tên các đảo theo mẫu tự abc):

– Cụm Song Tử: Bãi Đinh Ba, Bãi Núi Cầu, Đá Bắc, Đá Nam, Đảo Song Tử Đông, Đảo Song Tử Tây.

– Cụm Thị Tứ: Đá Cái Vung, Đá Hoài Ân, Đá Trâm Đức, Đá Tri Lễ, Đá Vĩnh Hảo, Đá Xu Bi, Đảo Thị Tứ.

– Cụm Loại Ta: Bãi Đường, Bãi Loại Ta Nam, Đá An Lão, Đá An Nhơn, Đá An Nhơn Bắc, Đá An Nhơn Nam, Đá Cá Nhám, Đá Sa Huỳnh, Đá Tân Châu, Đảo Bến Lạc, Đảo Loại Ta, Đảo Loại Ta Tây.

– Cụm Nam Yết: Bãi/Đá Bàn Than, Đá Chữ Thập, Đá Đền Cây Cỏ, Đá Én Đất, Đá Ga Ven, Đá Nhỏ, Đảo Nam Yết, Đảo Sơn Ca, Đá Lớn, Đá Núi Thị, Đảo Ba Bình.

– Cụm Sinh Tồn: Đá An Bình, Đá Ba Đầu, Đá Bãi Khung, Đá Bia, Đá Bình Khê, Đá Bình Sơn, Đá Đức Hòa, Đá Gạc Ma, Đá Ken Nan, Đá Nghĩa Hành, Đá Nhạn Gia, Đá Ninh Hòa, Đá Phúc Sĩ, Đá Sơn Hà, Đá Tam Trung, Đá Trà Khúc, Đá Tư Nghĩa, Đá Văn Nguyên, Đá Vị Khê, Đảo Sinh Tồn, Đảo Sinh Tồn Đông, Đá Cô Lin, Đá Len Đao.

– Cụm Trường Sa: Bãi ngầm Chim Biển, Bãi ngầm Mỹ Hải, Bãi ngầm Nguyệt Xương, Đá Châu Viên, Đá Đông, Đá Lát, Đá Núi Cô, Đá Núi Le, Đá Núi Mon, Đá Núi Trời, Đá Tây, Đá Tiên Nữ, Đá Tốc Tan, Đảo Trường Sa, Đảo Trường Sa Đông, Hòn Sập (Đảo Phan Vinh).

– Cụm Thám Hiểm: Bãi ngầm Khánh Hội, Bãi ngầm Ngũ Phụng, Bãi ngầm Tam Thanh, Bãi Phù Mỹ, Bãi Thám Hiểm (Đá Gia Hội, Đá Gia Phú, Đá Sâu), Bãi Trăng Khuyết, Đá/Bãi Thuyền Chài, Đá Công Đo, Đá Én Ca, Đá Hoa Lau, Đá Kiệu Ngựa, Đá Kỳ Vân, Đá Long Hải, Đá Lục Giang, Đá Sác Lốt, Đá Suối Cát, Đá Thanh Kỳ, Đá Vĩnh Tường, Đảo An Bang.

– Cụm Bình Nguyên: Bãi Cái Mép, Bãi Cỏ Mây, Bãi Cỏ Rong, Bãi Đồ Bàn, Bãi Đồi Mồi, Bãi Đồng Cam, Bãi Đồng Giữa, Bãi Hải Yến, Bãi Hữu Độ, Bãi Na Khoai, Bãi Ôn Thủy, Bãi Rạch Lấp, Bãi Rạch Vang, Bãi Sa Bin, Bãi Suối Ngà, Bãi Thạch Sa, Bãi Tổ Muỗi, Bãi Vĩnh Tuy, Cụm/Bãi cạn Nam (Đá Chà Và, Đá Tây Nam), Cụm/Bãi Đá Bắc (Đá Cỏ My, Đá Gò Già), Cụm/Bãi Hải Sâm (Đá Định Tường, Đá Hoa, Đá Hội Đức, Đá Ninh Cơ, Đá Triêm Đức), Cụm Hồ Tràm (Đá Ba Cờ, Đá Hợp Kim, Đá Khúc Giác, Đá Mỏ Vịt, Đá Trung Lễ), Đá Bồ Đề, Đá Đồng Thạnh, Đá Long Điền, Đá Phật Tự, Đá Suối Ngọc, Đá Vành Khăn, Đá Vĩnh Hợp, Đảo Bình Nguyên, Đảo Vĩnh Viễn.

H7

II- SỰ TẠO LẬP VÀ DUY TRÌ CHỦ QUYỀN CƯƠNG VỰC TRÊN BIỂN ĐÔNG NAM Á TRƯỚC NĂM 1909

Tài liệu Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa công bố ngày 14-2-1974 đã khẳng định: có đầy đủ sử liệu và chứng cớ khẳng định Việt Nam là quốc gia đầu tiên khám phá và đặt chủ quyền trên quần đảo Hoàng SaCác vua chúa Triều Nguyễn đã cho thiết lập những quan hệ chặt chẽ và thường xuyên có tánh cách hành chánh, quân sự, tài chánh và văn hóa với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc xác định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa dựa trên các luận cứ có thật và có bằng chứng về hành động chiếm hữu thực tế, quản lý liên tục và hòa bình của các vua chúa Triều Nguyễn đối với địa danh Hoàng Sa, Trường Sa, và sau này là sự nối tiếp của chánh quyền Liên bang Đông Dương, Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các sử liệu cổ của Việt Nam đều ghi chép rằng các địa danh như Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn Lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam, ít nhất là từ thế kỷ 17. Ngoài ra, còn có các sử liệu về sự công nhận của các giáo sĩ, nhà hàng hải, các học giả từ các nước trên thế giới về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo này.

1- Các sử liệu cổ Trung Hoa từ Tam Quốc (220-265) đến triều Đại Thanh (1644 -1911)

Năm 1988, một nhóm nhà nghiên cứu Trung Cộng do Hàn Chấn Hoa chủ trì, đã xuất bản cuốn sách ‘Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên‘. Nội dung tập sách chú ý đưa ra những sử liệu cổ từ đời Tam Quốc (220-265) đến triều Đại Thanh (1644 -1911), và lập luận rằng ‘các quần đảo Tây Sa, Nam Sa (mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa, Trường Sa), từ lâu đã là lãnh thổ Trung Hoa‘. Đây cũng là một trong những luận cứ cốt lõi mà lâu nay Trung Cộng từng sử dụng để yêu sách chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông Nam Á theo đường ranh giới ‘hình lưỡi bò’.

Năm 1995, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân (Hà Nội) đã xuất bản tập nghiên cứu của Lưu Văn Lợi, là một cựu cán bộ cao cấp ngành ngoại giao Việt Cộng, có tựa đề ‘Cuộc tranh chấp Việt-Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’, trong đó Ông Lợi đã nghiên cứu và đưa ra những phân tích, dẫn chứng cho thấy những tài liệu mà các học giả Trung Cộng đưa ra là không thể chấp nhận, không trung thực và không hợp lý. (bauvinal.info.free.fr/tulieu/CuoctranhchapHSTS.pdf). Ngoài ra trên các trang mạng đã có hàng vạn tài liệu của các học giả trong và ngoài nước phân tích về ‘tính ngụy biện’ trong các luận cứ ‘chủ quyền lịch sử’ tương tự như vậy của Trung Cộng.

Cũng do tán đồng với quan niệm cho rằng ‘các sử liệu của Trung Cộng đưa ra là không chấp nhận được’, nên bài viết này không cần nêu chi tiết các vấn đề đó.

2- Bản đồ cổ thời Đại Tống (1136)

H8Bản đồ cổ thời Đại Tống (1136) minh thị đảo Hải Nam là cực nam của lãnh thổ Trung Hoa

3- Các chuyến hải hành của Trịnh Hòa (1405 đến 1433)

Từ năm 1405 đến 1433, thái giám Trịnh Hòa (鄭和, 1371-1433) được các triều vua Minh Thành Tổ và Minh Tuyên Tông ở Trung Hoa, phong làm đô đốc cử ‘hạ Tây dương’ 7 lần, xuống Biển Đông Đông Nam Á, rồi đi thăm các nước ở Ấn Độ Dương, nhưng không chiếm hữu bất cứ đảo hay bãi nào thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

4- Một số bản đồ của phương Tây vào thế kỷ 16-17

Một số bản đồ của phương Tây vào thế kỷ 16-17 đã vẽ vị trí các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài khơi Việt Nam. Các quần đảo này không hầu như có người cư ngụ và ‘vô chủ’ vào thế kỷ 16-17, nhưng vị trí gần bờ biển Việt Nam nhất so với các nước khác trong khu vực có thể cho thấy ‘sự gắn bó mật thiết hơn ai hết’ của cư dân và nhà cầm quyền Champa và Đàng Trong với các hải đảo ngoài khơi so với các nước khác.

Điều minh chứng là vào năm 1634, một chiếc tàu quốc tịch Hòa Lan bị chìm tại Hoàng Sa. Thủy thủ đoàn được doanh quan Quảng Nam dưới thời Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên giúp đỡ trong thời gian chờ tàu quá hải về nước.

H9

16th-century Portuguese nautical map depicting the Paracel and the Spratly Islands as a single archipelago located to the east of Viet Nam’s mainland

(https://southeastasiansea.wordpress.com/2013/02/05/the-indisputable-sovereignty-of-viet-nam-over-the-paracel-islands)

H10Bản đồ 1540-1617 vẽ vị trí quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

(https://tiengnoitudovn.files.wordpress.com/2008/02/fr_bando_vn_hs1540-1617.jpg)

H11 (http://www.slideshare.net/7philippines/the-south-china-sea-west-philippine-sea-dispute)

H12

H13

Bản đồ của Matteo Ricci, vẽ trong Khôn Dư Vạn Quốc Toàn Đồ in tại Trung Hoa năm 1602, về sau được người Nhật Bản ghi thêm dòng chú thích bằng chữ Hán 万里長沙 (Vạn Lý Trường Sa).

H14

H15

Bản đồ Đông Nam Á do người phương Tây vẽ năm 1606, Hoàng Sa (Pracel) được ghi thuộc Champa tại vị trí trong đất liền giữa Cinoa (Thuận Hóa) và Champa là Cofta de Pracel (bằng chữ Latin).

H16

This map by Jodocus Hondius in 1613 shows the Paracel Islands, and includes all of the islands of Vietnam from the southern Gulf of Tonkin to the southern coast of Vietnam, except Pulo Condor (Con Dao) and Pulo Cici (Phu Quoc), which are drawn separately.

H17

In the map drawn by W. Blaeu in 1645, the Pracel Islands are connected with the islands of Pulo Secca de Mare (Cu Lao Thu or Phu Quy island today), Pulo Cambir (Cu Lao Xanh) and Pullo Canton (Cu Lao Re or Ly Son Island today) to form an uninterrupted chain of islands belonging to the territory of Cochinchina (Vietnam today).

H18Bản đồ của Visscher (1680)

H19

Quần đảo Hoàng Sa (Paracel), với tên gọi Baixos de Chapar ou de Pulls Scir, tức là Bãi cát Champa (bãi đá ngầm), nằm trong Vịnh Cochinchine (Golfe de la Cochin Chine), phần phía đông bắc của bản đồ khu vực Đông Nam Á do Jean-Baptiste Nolin (1657-1708) vẽ xong năm 1687

5- Các đội Hoàng Sa và Bắc Hải thời các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong

Theo sách Dư địa chí tỉnh Bình Định, từ các đời chúa Nguyễn cai trị Đàng Trong cho trên các triều vua Nguyễn cai trị Đại Nam, vẫn luôn chú trọng chánh sách tiến ra biển Đông, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên khu vực các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các Chúa Nguyễn tổ chức các đội Hoàng Sa và Bắc Hải với chức năng chủ yếu là bảo vệ và khai thác vùng quần đảo xa giữa biển Đông. Đội Hoàng Sa được ấn định số lượng 70 suất và hoàn toàn chỉ chọn người xã An Vĩnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Hằng năm, cứ vào tháng 2 đội xuất hành gồm 5 chiến thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa thu nhặt hóa vật của tàu bị nạn, tìm kiếm hải vật và ở lại đây  đến tháng 8 mới trở về nộp cho triều đình Phú Xuân.

Có lẽ vì đội Hoàng Sa không quản lý hết được vùng biển đảo rộng lớn nên chúa Nguyễn đã quyết định đặt thêm đội thuyền Bắc Hải. Đội này do đội Hoàng Sa kiêm quản và cũng có nhiệm vụ giống như đội Hoàng Sa nhưng chỉ hoạt động ở khu vực phía Nam, từ Bắc Hải, Côn Lôn cho đến các đảo ở vùng Hà Tiên. Đội Bắc Hải tuyển người ở thôn Tứ Chính và xã Cảnh Dương thuộc tỉnh Bình Thuận và không cố định số suất thủy thủ như đội Hoàng Sa.

6- Bản đồ của Mao Khôn (1628)

Từ thập niên 1970, Trung Cộng cho in lại một tập bản đồ cổ của Mao Khôn (茅坤, Mao Kun) vẽ và từng được cháu nội là Mao Nguyên Nghi (茅元儀, 1594–1640) đưa vào tập sách Võ Bị Chí (武備志) xuất bản năm 1628, nhưng được cho là của đô đốc Trịnh Hòa (鄭和, 1371-1433) vẽ trong các cuộc hành trình thám hiểm vùng biển Đông Nam Á, Ấn Độ Dương và Đông Phi thời kỳ 1405-33.

Trong đó có một bản đồ vùng biển Hoa Nam, Bắc Việt và Champa, có ghi địa danh Vạn Lý Thạch Đường (万里石塘). Từ đó Trung Cộng cho rằng Vạn Lý Thạch Đường chính là Tây Sa quần đảo và Nam Sa quần đảo, rồi khẳng định một cách không có cơ sở là do đấy mà họ có chủ quyền với Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa) và Nam Sa (quần đảo Trường Sa).

Nếu chỉ cần vẽ bản đồ mà có được chủ quyền thì toàn bộ thế giới sẽ đều thuộc các nhà thám hiểm châu Âu với các bản đồ do họ vẽ từ thế kỷ 13-14 đến nay. Hoặc là nếu yêu sách chủ quyền ‘Tây Sa – Nam Sa’ thành công thì các hậu nhân của Mao Khôn – Trịnh Hòa cũng sẽ đòi chủ quyền của toàn bộ vùng Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, Châu Phi vì đều có tên trong tập Võ Bị Chí.

 H20Bản đồ của Mao Khôn có ghi địa danh Vạn Lý Thạch Đường (万里石塘)

7- Bộ bản đồ Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (1686)

Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (纂集天南四至路圖書) do Đỗ Bá soạn vẽ năm 1686 theo lệnh của chúa Trịnh Căn dưới triều vua Lê Hy Tông. Đây là bộ bản đồ địa lý thứ hai của Việt Nam, sau bộ Hồng Đức bản đồ (được soạn vẽ theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông và ban hành năm 1490). Bộ bản đồ Đỗ Bá này để lại những thông tin quý báu về lãnh thổ nước Đại Việt vào thế kỷ XVII, trong đó có xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn cai quản. Đặc biệt, những ghi chú khá tỉ mỉ về Bãi Cát Vàng (tên nôm) tức Hoàng Sa thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa, được coi là nguồn tư liệu quý giá chứng minh chủ quyền của Việt Nam.

H21

Địa danh Hoàng Sa trong Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư: (http://www.baophuyen.com.vn/367/117137/dia-danh-hoang-sa-trong-toan-tap-thien-nam-tu-chi-lo-do-thu-cua-do-ba.html)




(https://southeastasiansea.wordpress.com/2013/02/05/the-indisputable-sovereignty-of-viet-nam-over-the-paracel-islands)

H22

Địa danh Bãi Cát Vàng (phía dưới, bên trái) trong tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư do Đỗ Bá biên soạn năm Chính Hòa thứ 7 (1686) đời vua Lê Hy Tông.

8- Sách ”Hải ngoại ký sự ‘ của Thích Đại Sán (1695)

Thiền sư Thích Đại Sán (釋大汕), thế danh Thạch Liêm (1633-1704) là một trong những cao tăng người Hán, đã được chúa Nguyễn mời đến đất Phú Xuân – Thuận Hóa để truyền giảng kinh Phật. Thiền sư đã khai sáng chùa Thiền Lâm (1695), mở Đại giới đàn ở chùa Thiên Mụ (Huế), làm cố vấn chánh trị cho chúa Nguyễn Phước Châu. Thiền sư đến Thuận Hóa bằng đường biển, qua cảng thị Hội An. Khi trở về cố quốc, Thích Đại Sán đã viết cuốn ‘Hải ngoại ký sự‘ năm 1695. Sách này cho thấy từ thế kỷ 15-17, Đàng Trong đã thực thi chủ quyền của mình trên một vùng lãnh hải rộng lớn, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thông qua các biện pháp: thâu thuế tàu thuyền buôn nước ngoài; thiết lập đội hải quân Hoàng Sa, hàng năm ra khai thác hải sản, tìm vớt cổ vật, hàng hóa từ những chiếc tàu bị đắm trên vùng biển này.

9- Đội Hoàng Sa và những sự kiện Hoàng Sa ở Đàng Trong (1701-86)

Theo thư tịch phương Tây, vào năm 1701, các giáo sĩ đi trên tàu Amphitrite từ Pháp sang Trung Hoa xác nhận Paracel (tức Hoàng Sa) là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam.

Năm 1702 dưới thời chúa Nguyễn Phước Châu và từ đó về sau, các chúa Nguyễn cho tổ chức Đội Hoàng Sa với nhiệm vụ tuần tiễu hải phận xứ Đàng Trong, kiểm soát các thương thuyền, thâu thuế và thâu lượm sản vật trên quần đảo Hoàng Sa đem về nộp cho triều đình Phú Xuân. Mộc bản sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, quyển 10, đời chúa Nguyễn Phước Khoát có chép: “Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba… Buổi quốc sơ khai đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào. Hàng năm đến tháng ba thì đi thuyền ra, độ ba ngày đêm thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng tám thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để lượm hóa vật. Đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”.

Tháng 10-1714, ba tàu buôn Hòa Lan gặp bão ở Hoàng Sa. Những người sống sót dạt vào tới bờ xứ Đàng Trong được Chúa Nguyễn Phước Châu tiếp và giúp đỡ lương thực, thực phẩm để đi tiếp cuộc hành trình.

Năm 1731, cuốn Quảng Đông Thông Chí công bố bản đồ tỉnh Quảng Đông và bản đồ phủ Quỳnh Châu (đảo Hải Nam) của Trung Hoa đều không vẽ quần đảo Tây Sa và Nam Sa.

Năm 1739, Bộ Minh Sử của Trung Hoa trong phần nói về phạm vi lãnh thổ Đại Minh không nói gì đến Tây Sa và Nam Sa.

Năm 1753, hai đội viên đội Hoàng Sa đang hoạt động ở đảo Hoàng Sa bị bão dạt vào cảng Thanh Lan (đảo Hải Nam), Trung Hoa, viên tri huyện địa phương đem trả lại ở Phú Xuân… Chúa Nguyễn Phước Khoát đã có công văn cảm ơn.

Năm 1776, cuốn Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn cho biết rõ ràng việc các Chúa Nguyễn cử đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản và thu lượm hóa vật từ các tàu bị đắm và dạt vào các đảo Hoàng Sa.

10- Một số bản đồ của phương Tây thế kỷ 18

H23

Quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel) cùng với tên gọi Baixos de Chapar de Pullo Scir, trong bản đồ của Joachim Ottens (1663-1719) vẽ xong năm 1710

H24Bản đồ đường qua xứ Quảng Nam thời Lê trung hưng, theo Thiên Nam lộ đồ vẽ lại năm 1741 (bản sao chép của Dumoutier). Bãi cát vàng (鐄葛𣺽) trên bản đồ tức là Hoàng Sa.

H25

In the map by Homann Heirs in 1744, the Paracels is noted as “I. Ciampa,” which stands for “Islands Ciampa”, meaning “The islands of the Kingdom of Ciampa. “Ciempa or Campala are the names of the Cochin called by Western countries at that time since they believed that this kingdom was the old land of the Champa Kingdom. (https://www.talkvietnam.com/2014/06/vietnams-case-for-sovereignty-in-the-east-sea-an-abundance-of-history)

Bản đồ của S. van Esveldt và Bản đồ năm 1754 vẽ các quần đảo Paracel và Spratly trong vùng biển Cochinchina (Đàng Trong).

H26Bản đồ của S. van Esveldt

H27Bản đồ do người Hòa Lan vẽ năm 1754, ghi nhận quần đảo Hoàng Sa dưới tên De Paracelles. (Trong giới hạn quần đảo De Paracelles, có 2 nhóm đảo, nhóm đảo phía nam tách rời (không được ghi chú) có hình dạng và vị trí tương đối giống với nhóm đảo Vạn Lý Trường Sa (萬里長沙) của Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ).

 (https://tiengnoitudovn.files.wordpress.com/2008/02/vietnam-1754.jpg)

H28Bản đồ Đàng Ngoài Đại Việt (Ton Kin), Đàng Trong Đại Việt (Cochin Chin) cùng quần đảo Hoàng Sa (le Paracel) (có cùng một cách tô đường viền màu xanh dương nhạt), Lào (Laos), Trung Hoa (Chine) cùng đảo Hải Nam (Hainam I.), năm 1771. Trong bản đồ gốc cương vực Vương quốc Trung Hoa được giới hạn bằng đường viền màu vàng và không bao gồm quần đảo Hoàng Sa (le Paracel).

11- Bộ Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ (1774)

Năm 1774, Đoan Quận Công Bùi Thế Đạt theo lệnh chúa Trịnh Sâm đã soạn vẽ và ấn hành bộ Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ (甲午年平南圖), trong đó có ghi rõ địa danh Bãi Cát Vàng tại vị trí quần đảo Paracels.

Cũng trong năm 1774, quan huyện Văn Xương, Thanh triều Trung Hoa báo cáo về thượng cấp là đã vừa giúp các dân binh Đội Hoàng Sa của nước Đại Việt (Đàng Trong) khi đi làm nhiệm vụ bị bão dạt vào đất Trung Hoa trở về nguyên quán.

H29Bản đồ Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) trong bộ Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ (1774)

(https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B9i_Th%E1%BA%BF_%C4%90%E1%BA%A1t)

12- Bộ sách Phủ Biên Tạp Lục (1776)

Bộ sách Phủ Biên Tạp Lục (撫邊雜錄) gồm 8 quyển của Lê Quý Đôn, ghi chép lại hầu hết các thông tin quan trọng về kinh tế và xã hội của xứ Đàng Trong trong gần 200 năm từ cuối thế kỷ 16 đến thời kỳ ông làm quan Hiệp trấn xứ Thuận Hóa của chính quyền Lê-Trịnh, vào khoảng năm 1776.

Trong sách này, Lê Quý Đôn đã miêu tả chi tiết thông tin về Đại Trường Sa (bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), cùng với Bãi Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa) thuộc quyền quản hạt của quan phủ Quảng Ngãi. Đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải ở phía nam, tức quần đảo Trường Sa ngày nay. Lê Quý Đôn miêu tả Bãi Cát Vàng là nơi người ta có thể khai thác các sản phẩm biển và những đồ vật sót lại từ các vụ đắm tàu. Ông viết: Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chánh đường huyện Văn Xương, Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) gửi cho Thuận Hóa nói rằng: năm Càn Long thứ mười tám (1753) có mười tên quân nhân xã An Vĩnh, tổng Cát Liềm, huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi, nước An Nam, một ngày tháng bảy đến Vạn Lý Trường Sa(萬里長沙) tìm kiếm các thứ, có tám tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để hai tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, dạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán

H30Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (1776) ghi chép về Đại Trường Sa

(https://southeastasiansea.wordpress.com/2013/02/05/the-indisputable-sovereignty-of-viet-nam-over-the-paracel-islands)

13- Việc thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa dưới Triều Tây Sơn (1776-93)

Phong trào nông dân Tây Sơn khi bùng nổ đã phát triển rất nhanh và đến cuối năm 1773, đã giải phóng được một vùng rộng lớn từ Quảng Nam ở phía Bắc cho đến tận Bình Thuận ở phía Nam. Như thế là toàn bộ các vùng quê hương của hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải, từ rất sớm, đã nằm trong khu vực kiểm soát của quân Tây Sơn.

Theo tư liệu từ sách ‘Dư địa chí tỉnh Bình Định‘, vào ngày 15 tháng giêng 1776, viên cai hợp phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) là Hà Liễu đã làm đơn trình bày rõ: ‘Bây giờ chúng tôi lập hai đội Trường Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo, xảy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi xin tờ sai ra tìm báu vật cũng thuế quan đem phụng nạp‘.

Tờ đơn này đã được vua Thái Đức triều Tây Sơn xem xét, chuẩn cho và hiện vẫn còn lưu giữ lại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh (nay là thôn Tây, xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Cũng tại nhà thờ họ Võ, đến nay vẫn còn giữ được Chỉ thị ngày 14-2 năm thứ 9 hiệu Thái Đức (1786) của thái phó tổng lý quản binh dân chư vụ thượng tướng công ‘Sai Hội Đức hầu Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi 4 chiếc thuyền câu vượt biển thắng tiến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba, đá quý… đều chở về kinh tập trung nộp theo lệ. Nếu ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy bớt các vật quý hoặc sinh sự với dân làm muối, làm cá đều sẽ bị trị tội‘.

Ngoài ra còn có bản ‘Ngự phê lời tâu của dân xã An Vĩnh’ về việc dâng nộp các loại đồi mồi, hải ba, quế hương và xin miễn sưu dịch đã được thánh chỉ ban thưởng vàng và phê ‘chuẩn cho’. Văn bản chép rõ: ‘Niên hiệu Thái Đức năm đầu đến năm thứ 15(1778-1792)‘ và ‘niên hiệu Cảnh Thạnh năm đầu đến năm thứ 9 (1793-1801).

Cùng thời ấy, John Barrow là phái viên của phái bộ Macartney đi từ Anh sang Trung Hoa có ghé qua khu vực Đà Nẵng vào tháng 6-1793 (dưới triều vua Quang Toản), trong quyển ‘A Voyage to Cochinchina, in the year 1792-1793‘ (Một chuyến du hành tới xứ Đàng Trong, vào những năm 1792-93), đã mô tả: ‘Tàu thuyền xứ Đàng Trong có nhiều kiểu dáng khác nhau, được dùng vào việc buôn bán ven biển, chài lưới, thu lượm hải sản và tổ yến trong nhóm quần đảo gọi là Paracels (Hoàng Sa)’.

Vào thời Tây Sơn thì tình hình nước Trung Hoa rất ‘rối ren’, nhiều người chống đối Triều đình Mãn Thanh đã phải phiêu bạt trên biển Đông Nam Á. Triều đình Tây Sơn đã ban nhiều tờ chiếu khuyến dụ lực lượng này quy thuận. Chiếu dụ Tàu Ô viết dưới thời vua Quang Trung từng vạch rõ: ‘Họ ra vào nơi bể nước, tụ tập đồ đảng lấy việc cướp bóc làm kế sinh nhai, có lẽ cũng là việc bất đắc dĩ, phần vì thiếu miếng ăn nên phải làm vậy, phần vì những chánh sách bạo ngược xua đẩy‘. Vua Quang Trung kêu gọi họ sớm đầu hàng. Và chiều theo sở nguyện của từng người thậm chí chấp thuận cho cả ‘những người có chí lớn, muốn xông pha nơi ngọn sóng cùng hải đảo‘. Triều Tây Sơn đã dung nạp những người Minh Hương phiêu bạt trên biển, cho cư ngụ, giúp làm ăn sinh sống và thậm chí tuyển mộ vào quân đội và phong quan tước.

Sách Thánh Võ Ký của Ngụy Nguyên (1794-1857) chép rằng có nhiều người Minh làm nội ứng cho An Nam, được vua Quang Toản phong cho làm tổng binh hoặc Đông Hải vương: ‘Triều đình đang bận việc dẹp phía Tây, chưa lo xa đến vùng biển đảo, vì thế mà giặc hoạt động rất táo tợn. Năm đầu niên hiệu Gia Khánh (1796) vị tướng ở Khúc Châu là Khôi Luận, tổng đốc Lưỡng Quảng là Cát Khánh đã nhiều lần tâu vua rằng: bọn giặc biển Tàu Ô là Trần Thiên Bảo đã được An Nam cho làm tổng binh và cấp cho ấn‘.

Cũng trong sách Thánh Võ Ký, Ngụy Nguyên mô tả ‘Di thuyền’ (thuyền của quân Tây Sơn) cao, to hơn thuyền Đại Thanh, trên đặt nhiều súng, hoành hành lâu năm trên mặt biển và nếu quân Thanh gặp thì cũng khó có thể địch được. Đây là một bằng chứng khẳng định lực lượng hải quân Tây Sơn trong thực tế đã kiểm soát được các tuyến giao thông trên biển và là chủ nhân của các vùng đảo, quần đảo giữa biển Đông Nam Á. (nguồn: Dư địa chí tỉnh Bình Định).

14- Một số bản đồ cuối thế kỷ 18 (năm 1791, 1792, 1794, 1801)

H31Bản đồ của Robert Sayer (1725-1794), nhà xuất bản Luân đôn in năm 1791 ghi chú là: Paracel Bank (quần đảo Hoàng Sa) vẽ theo Dự thảo Hàng hải chỉ nam của xứ An Nam (Cochin China Đàng Trong) năm 1764.

H32Bản đồ năm 1792 xác định rõ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam

(https://tiengnoitudovn.files.wordpress.com/2008/02/fr_bando_vn_hs1792.jpg)

H33Bản đồ năm 1794

H34Bản đồ năm 1801

15- Việc tạo lập và duy trì chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa của Triều Nguyễn (1802-84)

Các triều vua Nguyễn từ thời Gia Long trở đi trong thực tế đã chủ động thực thi chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa bằng nhiều hình thức như vãn thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác các hóa vật và hải sản, tổ chức thâu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ lưu dấu để ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết.

Những tài liệu chánh thống cấp quốc gia của Việt Nam gồm có Hội Điển, các bộ chánh sử Triều Nguyễn và châu bản do Triều đình Huế lưu giữ còn đến ngày nay. Trong đó cũng có rất nhiều những bản tấu, phúc tấu của các bộ như Bộ Công cùng lời châu phê của vua về công việc cắm mốc, dựng cờ, tế cáo trời đất, dựng bia chủ quyền, xây miếu, trồng cây, viếng thăm, tuần tra, khai thác… tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1802, Nguyễn Phước Ánh lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long.

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tái bản năm 1908, từ năm 1802 vua Gia Long cũng cho lập Đội Hoàng Sa giống như thời trước đây, để thường xuyên và liên tục kiểm soát và khai thác quần đảo này.

Năm 1805, vua Gia Long ra lệnh kiểm kê tình hình ruộng đất từ Nam ra Bắc để làm Bộ Địa bạ Gia Long, đến năm 1836 triều vua Minh Mạng thì hoàn thành.

Năm 1815, theo lệnh vua Gia Long, cai bạ Phạm Quang Ánh ra Hoàng Sa thăm dò thủy trình.

Đặc biệt nhất vào năm 1816, chuẩn lời tâu của Bộ Công, vua Gia Long thân chinh đi thuyền ra Hoàng Sa và cho thượng kỳ Hoàng triều ngay trên đảo để tế cáo trời đất. Sự kiện này được Chánh phủ Pháp vào năm 1930 chánh thức công nhận là thời điểm tạo lập chủ quyền quốc gia của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1816, để chuẩn bị cho chuyến ngự giá ra Hoàng Sa của vua Gia Long, Thủy quân và đội Hoàng Sa đã ra Hoàng Sa xem xét và đo đạc thủy trình, sau đó tiếp tục thường xuyên ra đảo để tuần tra.  

Từ năm 1820, vua Minh Mạng thường sai công thuyền đến Hoàng Sa dò hải trình.

Năm 1820, Jean Baptiste Chaigneau viết trong tờ trình về xứ Cochinchina rằng ‘Hoàng Sa là bộ phận lãnh thổ của xứ Cochinchina‘.

Năm 1821, trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Phan Huy Chú nói rõ ràng về Hoàng Sa thuộc phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1833, vua Minh Mạng chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị thuyền ra Hoàng Sa để dựng bia, lập miếu, trồng cây.

Năm 1834, vua Minh Mạng cử giám thành đội trưởng Trương Phước Sĩ cùng 20 thủy thủ ra Hoàng Sa vẽ bản đồ đường biển.

Ngày 9-4-2009, tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã hiến tặng cho chính quyền Việt Cộng một tờ công lệnh cổ của gia tộc. Theo đó, vào ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), quan tỉnh Quảng Ngãi ra công lệnh cho Đặng Văn Siểm và Dương Văn Định, cùng đội thuyền ba chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa. Công lệnh ghi rõ: Các phái viên và thủy quân đi trước để cùng thám sát các vùng của xứ Hoàng Sa. Xem xét và tuyển chọn trong tỉnh ba thuyền tốt cùng với các vật dụng được tu bổ vững chắc, lại chọn ra tên Võ Văn Hùng đã được cử đi từ năm trước và chọn thêm những dân phu ven biển thông thạo đường biển để sung làm thủy thủ trên thuyền… Cứ hạ tuần tháng ba thuận thời tiết mà đi.

Năm 1835, vua Minh Mạng cử Phạm Văn Nguyên chở vật liệu ra xây miếu, dựng bia ở Hoàng Sa.

Năm 1836, vua Minh Mạng cho chỉ thị cụ thể về vẽ bản đồ các đảo Hoàng Sa và đường biển đi tới các tỉnh ven bờ. Thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa xem xét đo đạc và cắm mốc để đánh dấu.

Một sự kiện nỗi bật được chép rõ trong Hội Điển, Đại Nam Thực Lục Chánh Biên, Quốc triều Chánh Biên Toát Yếu và cả châu bản là vào năm 1836, vua Minh Mạng cử Phạm Hữu Nhật làm thủy quản suất đội, chỉ huy bốn chiến thuyền, mỗi thuyền mang mười cột mốc bằng gỗ cắm mốc chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, đo đạc, xác định vị trí các đảo và vẽ họa đồ. Các tài liệu Hội Điển, Đại Nam Thực Lục Chánh Biên, Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu ấy đã được khắc in và lưu trữ tại nhiều thư viện. Song văn bản quốc gia có giá trị về pháp lý độc nhất vô nhị chính là những châu bản bao gồm các bản tâu, phúc tấu của các bộ gửi lên vua và lời châu phê (phê bằng mực son) của vua được lưu trữ tại Kho lưu trữ trung ương (Hà Nội).

Năm 1838, giám mục Jean Louis Taberd công bố An Nam Đại Quốc Họa Đồ, trong đó có vẽ một phần Hoàng Sa với cái tên ‘Cát Vàng’ nằm ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam như Cù Lao Ré, Cù Lao Thu, Cù Lao Chàm…

Năm 1842, bài tựa cuốn Hải Lục của Vương Bính Nam viết: ‘Vạn Lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu của An Nam‘.

Năm 1847, theo lời tâu của Bộ Công, vua Thiệu Trị đồng ý năm này không cử đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa như mọi năm vì bận nhiều công việc.

Năm 1849, trong bài ‘Địa lý đế quốc Cochinchina‘, tiến sĩ Gutlaff có một đoạn dài nói về quần đảo Cát Vàng (tức Hoàng Sa).

Năm 1850, trong cuốn ‘Thế giới lịch sử và miêu tả về tất cả các dân tộc: Nhật Bản, Đông Dương, Xây-lan...’, Dubois de Jancigny có đoạn nói ‘người xứ Cochinchina đã chiếm hữu quần đảo Cát Vàng‘.

Năm 1862, trong cuốn ‘Bức tranh xứ Cochinchin‘, E. Contenbert và L. de Roany nói rõ ‘xứ Cochinchin có quần đảo Cát Vàng‘.

Năm 1876, trong cuốn ‘Việt sử cương giám khảo lược‘, Nguyễn Thông có đoạn nói về quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam.

16- Bộ sách Đại Nam Thực Lục (1821-1925)

Bộ sách Đại Nam Thực Lục (大南寔錄), do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn và ấn hành từ đầu triều vua Minh Mạng đến triều vua Khải Định (1821-1925). Nội dung gồm hai phần, phần Tiền Biên (前編) gồm 12 quyển, phần Chánh Biên (正編) gồm 587 quyền, ghi chép biên niên các sự kiện từ khi chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến đời vua Khải Định (1925). Bộ sách có rất nhiều thông tin khẳng định chủ quyền rõ ràng của Việt Nam đối với các đảo trên biển.

Sách  Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (大南實錄前編), quyển 10, chép: ‘Tháng 7 năm Giáp Tuất (1754), dân đội Hoàng Sa gặp gió to, giạt vào hải phận Quỳnh Châu, thuộc Thanh triều. Tổng đốc Thanh triều châu cấp cho lương đầy đủ rồi sai đưa về. Chúa sai viết thư qua…’.

Sách  Đại Nam Thực Lục Chánh Biên (大南實錄正編), quyển 50, 52 chép: ‘Năm 1815, 1816 vua (Gia Long) cho thủy quân và đội Hoàng Sa ra xem xét, đo đạc thủy trình‘.

Sách Đại Nam Thực Lục Chánh Biên, quyển 104, năm Minh Mạng thứ 14 (1833) chép: ‘Vua bảo Bộ Công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được cạn sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời.

Sách  Đại Nam Thực Lục Chánh Biên, quyển 134, năm Minh Mạng thứ 13 (1832) chép: ‘Vua nghĩ Côn Lôn thủ và Hà Tiên Phú Quốc thủ đều là những nơi sung yếu, dân ở đông đúc, thế mà thường có giặc biển ẩn hiện. Liền truyền dụ cho quan thành chọn đất hai chỗ chủ ấy xây đặt pháo đài, liệu cấp súng đạn, khí giới, thuyền bè, phái quân trấn giữ. Những cư dân cũng cấp cho khí giới để cùng phòng thủ. Lại chuyển sức cho năm trấn trong thành hạt, ra lệnh cho các làng sở tại ven biển đều sẵn sàng thuyền bè, khí giới, nếu thấy thuyền giặc đến gần bờ thì cùng nhau tiếp ứng hợp sức cùng đánh.

Sách Đại Nam Thực Lục Chánh Biên, quyển 154, năm Minh Mạng thứ 16 (1835) chép: ‘Năm nay dựng thần từ ở Hoàng Sa… Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có cái giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bia khắc bốn chữ Vạn Lý Ba Bình. Cồn Bạch Sa có chu vi 1.070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, bờ đông tây nam bắc đều có đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc giáp với cồn toàn đá san hô sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao một trượng ba thước, ngang với cồn cát gọi là Bàn Than thạch. Năm ngoái vua toan dựng miếu lập bia chỗ ấy, bổng vì sóng gió mà không làm được. Đến nay mới sai cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem binh phu giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, chuyên chở vật liệu ra dựng miếu cách tòa miếu cổ bảy trượng. Bên tả miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong thì về.

Sách Đại Nam Thực Lục Chánh Biên, quyển 165, năm Minh Mạng thứ 17 (1836) ghi lại: “Bộ Công tâu: ‘Cương giới mặt biển ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi cũng chưa rõ ràng. Hàng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái biền binh thủy quân và vệ giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thuê bốn chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng Hoàng Sa. Khi thuyền đi đến phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ…’. Vua y lời tâu, sai đội suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo mười cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi. Mỗi bài gỗ dài năm thước, rộng năm tấc, dày một tấc, mặt bài khắc chữ “Minh Mạng thứ mười bảy, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng lệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.

H35Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép về Hoàng Sa

H36Một số trang sách Đại Nam Thực Lục Chánh Biên, viết về việc Triều Nguyễn chánh thức xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa với tư cách là một quốc gia

17- Thư tịch Hoàng gia Champa khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa (1836)

Là quốc gia từng hiện hữu trên lãnh thổ Việt Nam hàng ngàn năm, và là một trong ba nền tảng (Đại Việt – Chiêm Thành – Phù Nam) tạo lập nên quốc gia Việt Nam hiện đại, Vương quốc Champa, vốn có truyền thống về hàng hải, đã từng chứng tỏ chủ quyền lịch sử của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài khơi.

Theo phó giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và bảo tồn Văn hóa Chăm, tiến sĩ Thông Thanh Khánh, thư tịch Hoàng gia Chăm chứa đựng nhiều chủ đề di sản văn hóa Chăm độc đáo như lịch sử, văn học, ngôn ngữ, chữ viết, tín ngưỡng, tôn giáo… Trong đó kho tư liệu Hoàng gia Chăm vẫn còn những văn kiện liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa.

Tiến sĩ Khánh xác nhận rằng: ‘trong các công văn gửi đi và đến giữa Triều đình Champa với các địa phương, chúng tôi đã phát hiện ra có rất nhiều văn thư liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, như một văn bản của làng Chăm Plei Koh nay là đảo Phú Quý thuộc Bình Thuận vào năm 1836. Văn bản ghi: …Làng Koh trình tấu với quan phủ về việc cử 3 chiếc thuyền đến Kulao Cuah Atah (Trường Sa) và Kulao Cuah Bhong (Hoàng Sa), hỗ trợ việc cắm các mốc giới theo chỉ dụ. Việc này làng Koh đã tập hợp dân đinh và ngư phủ nhưng bây giờ biển động không thể ra khơi nên làng xin quan phủ cho dời đến tháng Mười sẽ khởi hành’.

H37Một phần tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

H38Bản đồ Paracels Islands (Hoàng Sa) một phần của CochinChine (Vương quốc An Nam) năm 1827.

18- Bản đồ Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ (1834-40)

Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ (大南ー統全圖) do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn ấn hành nhiều đợt từ năm 1834 đến 1840, có ghi rõ địa danh Vạn Lý Trường Sa (萬里長沙) và địa danh Hoàng Sa (黄沙) là bộ phận của lãnh thổ nước Đại Nam.

H39Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ bản in năm 1834, ghi Vạn Lý Trường Sa (萬里長沙) và Hoàng Sa (黄沙)

19- Châu bản và chiếu biểu của Triều Nguyễn (…1835, 1837, 1847…)

H40Châu bản triều Nguyễn (阮朝硃本) về việc xây đền thờ ở Hoàng Sa (黄沙寺) của đội Hoàng Sa, do Phạm Văn Nguyên (笵文原) chỉ huy. Văn bản soạn ngày 13 tháng 7 âm lịch năm Ất Mùi, Minh Mạng 16, tức ngày 5-9-1835.

H41Báo cáo của Bộ Công lên vua Thiệu Trị năm 1847 về việc khai thác và cai quản Hoàng Sa

H42Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa (黄沙), ngày 13 tháng 7 năm Đinh Dậu niên hiệu Minh Mạng thứ 18 (ngày 13-8-1837).

20- Bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ (1838)

Trong tấm bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục (Bishop) J.L. Taberd in năm 1838, đính vào cuốn Từ điển Latin-An Nam, đã ghi rõ Paracel seu Cát Vàng ở tọa độ như hiện nay của quần đảo Paracel hay quần đảo Hoàng Sa. Năm 1843, dưới thời vua Minh Mạng, quần đảo Hoàng Sa được vẽ trên các bản đồ in trong cuốn Hoàng Việt Địa Dư do Triều đình Huế xuất bản. Cũng duy nhất trước năm 1909 chỉ có bản đồ của người phương Tây ghi “Paracel seu Cát Vàng”, mà từ Cát Vàng là tên nôm của quần đảo Hoàng Sa.

H43An Nam Đại Quốc Họa Đồ (by Bishop Bishop J.L. Taberd, 1838).

(https://southeastasiansea.wordpress.com/2013/02/05/the-indisputable-sovereignty-of-viet-nam-over-the-paracel-islands)

21- Trung Hoa không hề tạo lập chủ quyền tại Tây Sa và Nam Sa (1844-1909)

Năm 1844, Hoàng Triều Nhất Thống Tổng Đồ và Bản đồ tỉnh Quảng Đông trong cuốn Trung Ngoại Đại Dư Đồ Thuyết của Thanh triều Trung Hoa xuất bản, đều không vẽ hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa, mà vẽ rõ cương vực cực nam của Trung Hoa là đảo Hải Nam.

Năm 1894, trong bộ Hoàng Triều Nhất Thống Dư Đồ của Thanh triều Trung Hoa, bản đồ Hoàng Triều Nhất Thống Dư Địa Tổng Đồ không vẽ Tây Sa và Nam Sa. Lời giải thích còn khẳng định rõ ‘điểm cực Nam của Trung Hoa là Châu Nhai, phủ Quỳnh Châu‘ ở vĩ độ 18013′ Bắc.

Năm 1895-96, nước Anh phản đối Trung Hoa về việc dân Hải Nam đã lấy đồng trên hai tàu Bellona và Imezi Maru bị đắm ở Hoàng Sa. Nhà cầm quyền Quảng Đông trả lời rõ là ‘Paracels không thuộc Trung Hoa, nên Trung Hoa không có trách nhiệm gì‘.

Năm 1905, trong Đại Thanh Đế Quốc Toàn Đồ của Thanh triều Trung Hoa, bản đồ đế quốc Đại Thanh và bản đồ của tỉnh Quảng Đông đều không vẽ Tây Sa và Nam Sa, mà vẽ rõ cương vực cực nam của Trung Hoa là đảo Hải Nam,

Năm 1906, trong cuốn Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư, tại phần Tổng luận ghi rõ điểm cực Nam của Trung Hoa là Châu Nhai, Quỳnh Nhai, ở vĩ tuyến 18013′ Bắc.

22- Bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí (1849-82)

Bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí (大南一統志), được biên soạn thời kỳ 1849-82 dưới triều vua Tự Đức, tại quyển 6, chép về tỉnh Quảng Ngãi có đoạn: “Đảo Hoàng Sa ở phía đông cù lao Ré huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ ba bốn ngày đêm có thể tới nơi. Có đến hơn 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết hàng mấy ngàn dặm, bằng phẳng rộng rãi, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa, nước rất trong, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản vật nhiều ốc hoa, hải sâm, đồi mồi, vích… Hồi đầu, bản triều có đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào mỗi năm, cứ tháng ba là ra biển tìm kiếm sản vật, đến tháng tám mang về cửa biển Tư Hiền để nộp. Lại đặt đội Bắc Hải, do đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật tại các đảo. Vào đầu đời vua Gia Long, phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa. Đầu đời Minh Mạng, thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển. Năm Minh Mạng thứ mười sáu, sau thuyền công chở gạch đá đến xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và hậu. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn hai ngàn cân”.

H44Một trang sách Đại Nam Nhất Thống Chí (1849-82) chép về Hoàng Sa

23- Bản đồ thời kỳ 1876-1908

H45Quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ của Đức năm 1876 vẽ vùng Viễn Ấn Hinter-Indien với lời ghi rõ ‘quần đảo thuộc xứ Annam’

24- Chánh quyền thuộc địa Pháp chiếm hữu chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa (1884)

Năm 1884, Triều đình Huế ký Hòa ước Giáp Thân với Chánh phủ Pháp, chấp nhận cuộc bảo hộ của Pháp. Kể từ đây, Chánh quyền thuộc địa Pháp có quyền thay mặt Việt Nam trong những quan hệ ngoại giao với nước ngoài, bên cạnh việc có trách nhiệm đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam đã có từ trước trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế, chánh quyền thuộc địa Pháp đã có nhiều hành động cụ thể liên tục củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.

Trong Công ước Thiên Tân ký với Pháp ngày 11-5-1884, Thanh triều Trung Hoa cam kết tôn trọng các hiệp ước đã ký và sẽ ký giữa Pháp và Nguyễn triều Việt Nam.

Ngày 26-2-1885, Định ước chung Berlin nêu rõ những điều kiện chiếm hữu những lãnh thổ mới ở châu Phi, trước hết là chiếm hữu thật sự.

Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và chính trị học ở Trường Đại học Paris 7 Denis Diderot, nguyên chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên chủ tịch Hội luật gia châu Âu, cho rằng: ‘Tôi đã tìm thấy trong thư từ ngoại giao những yếu tố cho thấy người Pháp dần dần quan tâm tới các quần đảo này và tự đặt mình vào bối cảnh quốc tế để đòi hỏi chủ quyền.’

25- Chánh quyền Trung Hoa khẳng định Paracels không phải lãnh thổ Trung Hoa (1898)

Có thể nói, từ thời tạo thiên lập địa cho đến tận đầu thế kỷ 20, mọi triều đại Trung Hoa vẫn không hề ngó ngàng gì chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa), họ mặc nhiên chấp nhận tình trạng đó; và khái niệm ‘Tây Sa’ và ‘Nam Sa’ không hề tồn tại. Thậm chí có lần chánh quyền Trung Hoa còn khẳng định quần đảo Paracels không phải của họ.

Năm 1886 chiếc tàu Humeji-Maru treo cờ Nhật, năm 1895 chiếc tàu Bellona treo cờ Đức, trong hành trình chở đồng của Anh từ Anh sang Nhật bán, đều bị chìm ở vùng biển Hoàng Sa. Một số thủy thủ người Hán trên tàu dùng thuyền nhỏ vào đảo Hải Nam lén báo cho cư dân ở đây túa ra cướp phá lấy hết đồng và tài sản trên tàu đem về. Theo yêu cầu của các hãng bảo hiểm Anh, Công sứ Anh tại Bắc Kinh và lãnh sự Anh tại Hoihow can thiệp để lấy lại số tài sản đó, nhưng các nhà chức trách Trung Hoa trả lời rằng Hoàng Sa không thuộc Trung Hoa, không phải là đơn vị hành chánh nào của Trung Hoa và tuyên bố không chịu trách nhiệm.

Học giả Monique Chemillier-Gendreau, trong quyển Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hội Biên (NXB Phương Đông, Trung Cộng, 1988, trang 175) viết: ‘Năm 1898, chánh quyền Quảng Châu, Trung Hoa đã trả lời các khiếu nại của công sứ Anh tại Bắc Kinh về việc Công ty Bảo hiểm Anh bảo hiểm tàu Bellona của Đức bị chìm năm 1895, và tàu Humeji-Maru của Nhật bị chìm năm 1886, đã bị những người Trung Hoa ở Hải Nam cướp phá, rằng: ‘Quần đảo Paracels là những hòn đảo bị bỏ rơi, chúng không phải sở hữu của cả Trung Hoa lẫn An Nam, cũng không sáp nhập về hành chánh vào bất kỳ quận nào của Hải Nam và không có nhà chức trách nào chịu trách nhiệm về cảnh sát của chúng’.

Trong bài ‘Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa thời Pháp chiếm đóng‘ của nhóm tác giả Lê Phúc-Lê Bình-Thùy Vân-Thu Lan (18-1-2012, http://www.vnsea.net) có đoạn:

“Ông Hoàng Việt, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM thuật lại câu chuyện được P.A Lapicque ghi lại như sau: ‘Từ năm 1884 đến năm 1909, không có gì chứng tỏ sự quan tâm của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa. Chỉ có một sự kiện duy nhất được các nhà biên niên sử ghi lại. Và sự cố đó đi theo hướng là Trung Quốc đồng ý với sự chiếm hữu của nước khác.

Năm 1895, tàu Bellona của Đức chở đồng đi ngang qua vùng biển Hoàng Sa bị mắc cạn ở đó, rồi bị chìm. Ngư dân Trung Quốc ùa ra cướp về. Tàu này mua bảo hiểm của một hãng tại Anh quốc. Hãng bảo hiểm đó đã đòi tiền bồi thường của chính quyền Quảng Đông vì không đảm bảo được an ninh hàng hải. Chính quyền Quảng Đông, Trung Quốc, đã trả lời rằng, lãnh hải đó không phải của họ và họ không chịu trách nhiệm.

Câu chuyện này còn được trình bày trong một văn thư của Phủ Toàn quyền Đông Dương (Vụ Giám đốc các công việc chính trị và bản xứ) ngày 6-5-1921.

Cả hai nội dung này cho thấy rõ ràng các nhà chức trách địa phương phủ nhận một cách chính xác mọi ý tưởng về chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đào này. Đây là những nhà chức trách địa phương, tức là người có khả năng nhất để biết tình hình thực tế. Và họ nói cụ thể rằng không có sự sáp nhập hành chính, bằng chứng của việc không quản lý“. (http://www.vnsea.net/tabid/127/ArticleID/788/language/vi-VN/Default.aspx)

26- Pháp lập kế hoạch xây hải đăng ở Hoàng Sa (1898-99)

Ngay từ năm 1898, Bộ Thuộc địa Pháp và Phủ Toàn quyền Đông Dương đã đề cập đến chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Công văn của Vụ Châu Á – Châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Pháp có đoạn viết: ‘…nhằm ngăn cản một cường quốc khác đứng trên các đảo đó (Hoàng Sa), có lẽ cần phải nên xây dựng ngay một ngọn hải đăng trong quần đảo này để khẳng định chủ quyền của chúng ta…”

Theo báo La Nature số 2916 ngày 1-11-1933, năm 1899 toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ký nghị định cho xây dựng một hải đăng ở phía bắc đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên mãi đến năm 1937 việc xây hải đăng mới bắt đầu và năm 1938 bắt đầu hoạt động.

H46Báo La Nature số 2916 ngày 1-11-1933

_______

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Trích: LÝ ĐĂNG THẠNH – LỊCH SỬ VIỆT NAM

– Tập 2- CÁC VƯƠNG QUỐC CAMPA (192-1832), KHMER (802-1863) VÀ LÀO (1353-1949)

– Tập 4- NƯỚC VIỆT THỜI TRỊNH-NGUYỄN PHÂN TRANH

– Tập 5- NƯỚC VIỆT NAM THỜI TRIỀU NGUYỄN TỰ CHỦ

– Tập 7- ĐÔNG DƯƠNG THUỘC PHÁP (1)

– Tập 9 – CUỘC CHIẾN ĐÔNG DƯƠNG LẦN NHẤT

– Tập 11- NƯỚC VIỆT NAM CỘNG HÒA

– Tập 12, 13, 14 – CUỘC CHIẾN ĐÔNG DƯƠNG LẦN HAI

– Tập 15- CUỘC CHIẾN ĐÔNG DƯƠNG LẦN BA VÀ THỜI SAU ĐÓ

– Tập 16 – NƯỚC VIỆT NAM THUỘC CỘNG (1)

– Tập 22- THƯ MỤC THAM KHẢO VÀ CHỈ MỤC TRA CỨU

III- SỰ TẠO LẬP, DUY TRÌ VÀ TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CƯƠNG VỰC TRÊN BIỂN ĐÔNG NAM Á THỜI KỲ 1909-45

1- Trung Hoa bắt đầu đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa (TQ gọi là Tây Sa, tên tiếng Anh là Paracel) 1909

Đầu năm 1907, Nhật Bản chiếm quần đảo Đông Sa (Ptatas), gây ra phong trào phẫn nộ trong dân chúng Trung Hoa. Để gỡ thể diện và làm dịu phong trào phản đối, tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn chủ trương tổ chức một cuộc hành quân chớp nhoáng ở vài đảo thuộc quần đảo Paracel. Vì chưa hiểu gì nhiều lắm về quần đảo này, Tuấn trước hết phái hai pháo thuyền vào tháng 4-1909 ra thăm dò, vì người Trung Hoa khi đó chỉ mới hiểu lờ mờ về các đảo Paracel.

Sau khi được báo cáo về tình hình, ngày 6-6-1909 đô đốc Lý Chuẩn được phái ra Hoàng Sa với ba chiếc pháo thuyền. Họ đã viếng thăm chớp nhoáng một vài đảo nhỏ, bắn súng, kéo cờ, hú còi rồi đổ bộ lên đảo île Boisée (tên tiếng Việt: Phú Lâm, tên tiếng Anh: Woody) trong vài giờ rồi rút lui trở về thẳng Quảng Châu. Tháng 6 năm đó, Văn kiện Bộ Ngoại giao Trung Hoa gọi đây là cuộc ‘tuần tra’ để khẳng định chủ quyền của Trung Hoa tại Tây Sa quần đảo, và có lẽ đây là lần đầu tiên khái niệm ‘Tây Sa’ được công bố (?).

Về hành động vi phạm của Lý Chuẩn đối với Hoàng Sa, tổng lãnh sự Pháp tại Quảng Châu Beauvais báo cáo về Paris: ‘Chúng ta có thể dễ dàng tìm những lý lẽ hỗ trợ yêu sách của chúng ta đối với quần đảo Paracel (Hoàng Sa). Nhưng nếu sự việc không bõ làm thì nên nhắm mắt trước những sự kiện hiện tại vì một sự can thiệp của phía chúng ta có thể làm bùng lên trong dân chúng một đợt sô-vanh mới có hại cho ta hơn‘, và nhà cầm quyền Pháp đã không lên tiếng phản đối.

Trong bài ‘Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa thời Pháp chiếm đóng‘ của nhóm tác giả Lê Phúc-Lê Bình-Thùy Vân-Thu Lan (18-1-2012, http://www.vnsea.net) có đoạn: “Giật mình trước việc năm 1907, Nhật Bản đưa ra các yêu sách về các đảo Pratas (người Trung Quốc gọi là Đông Sa, nằm ở phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa), người Trung Quốc muốn đi trước các tham vọng có thể có của Nhật Bản đối với quần đảo Hoàng Sa, nên họ đã cử một đoàn đi khảo sát các đảo này. Phó vương Lưỡng Quảng đã cử ba sĩ quan đi làm việc này vào tháng 4-1909. Cùng năm này, họ còn tổ chức một cuộc thăm dò có hệ thống hơn. Phái đoàn đó đã kéo lên các hòn đảo lá cờ Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam, tuyệt đối không thể coi là việc thực hiện ‘chủ quyền’ của Trung Quốc“.

Trước các chỉ trích của dư luận Pháp phản đối sự ‘quấy rối’ của Trung Hoa, cũng như thực tế bắt đầu diễn biến phức tạp trên Biển Đông Nam Á, từ đầu thế kỷ 20, Pháp một mặt phản đối yêu sách của Trung Hoa, mặt khác đã bắt đầu có những động thái tích cực hơn trong việc khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bên cạnh việc gìn giữ an ninh trên Biển Đông, các năm 1917-18 trong báo cáo của chính quyền Pháp tại Đông Dương có đề cập đến việc lắp đặt đài radio TSF, trạm quan sát khí tượng, hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

H1Mẩu tin đăng trên báo Advertiser ngày 29-6-1909 cho biết, Thanh triều Trung Hoa đưa tàu chiến đến quần đảo Hoàng Sa (ảnh: trove.nla.gov.au)

2- Bản đồ thời kỳ 1909-14

H2Hoàng Sa (Paracel) trong Đông Dương thuộc Pháp (French Indo-China) vào năm 1914

3- Tàu Pháp tuần tiễu vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (1920)

Từ năm 1920, tàu Hải quân và tàu Quan thuế (doune) Pháp vẫn thường xuyên tuần tiễu vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để bắt buôn lậu, giữ an ninh và nhiều lần cứu giúp các tàu thuyền bị đắm.

Trong bài ‘Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa thời Pháp chiếm đóng‘ (đã dẫn trên), có đoạn: ‘Ngày 30-3-1921, thống đốc dân sự tỉnh Quảng Đông đã quyết định sáp nhập về hành chính các đảo Hoàng Sa vào Nhai Huyện (Hải Nam).

4- Trung Hoa sáp nhập Tây Sa vào đảo Hải Nam (30-3-1921)

Ngày 30-3-1921, tỉnh trưởng Quảng Đông ký công lệnh sáp nhập quần đảo Tây Sa vào Nhai Huyện (đảo Hải Nam), tỉnh Quảng Đông. Tuy hành động này chỉ diễn ra trên giấy tờ, nhưng Pháp cho rằng đây là hành vi xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng. Khâm sứ Trung Kỳ Le Fol viết trong thư ngày 22-1-1926 gửi toàn quyền Đông Dương phàn nàn: ‘Sau khi Trung Hoa có yêu sách vào năm 1909, vì nước Pháp thay mặt nước An Nam về quan hệ đối ngoại theo Hiệp ước bảo hộ, đáng lẽ phải khẳng định quyền của nước được bảo hộ đối với các đảo hữu quan, thì trái lại hình như hoàn toàn không quan tâm đến‘. Cũng trong bức thư trên, Le Fol cho biết, Binh Bộ thượng thư Thân Trọng Huề của Nam Triều đã có văn thư ngày 3-3-1925 khẳng định: ‘Các đảo nhỏ đó (quần đảo Hoàng Sa) bao giờ cũng là sở hữu của nước An Nam, không có sự tranh cãi trong vấn đề này‘.

Trong báo cáo về Paris ngày 11-4-1926, Công sứ Pháp ở Trung Quốc trả lời: Chúng không thể đưa ra lời phản đối chánh thức vì hành động này được đưa ra bởi một quan sứ quân tỉnh phiến loạn không được cả chánh phủ trung ương Trung Quốc lẫn các nước khác thừa nhận. Nhưng chúng tôi đã tuyên bố rõ là việc sáp nhập đó chẳng có giá trị gì.

Trong bài ‘Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa thời Pháp chiếm đóng‘ của nhóm tác giả Lê Phúc-Lê Bình-Thùy Vân-Thu Lan (18-1-2012, http://www.vnsea.net) có đoạn:

Khi phải trả lời Công ty phốt phát Bắc Kỳ Mới về việc muốn khai thác quần đảo Hoàng Sa, ngày 17-12-1928, quyền toàn quyền Đông Dương René Robin viết thư cho bộ trưởng Thuộc địa và cảnh báo về ‘chứng hoang tưởng tự cao, tự đại cứ tăng lên mãi của chủ nghĩa quốc gia Trung Hoa’ và đã tuyên bố rõ ràng: ‘vậy đã đến lúc chúng ta phải tiến lên trước và khẳng định các quyền dường như đã được công nhận bởi cả các tư liệu lịch sử lẫn các thực tế địa lý’.

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã cho rằng: để có chỗ dựa vững chắc cho lập trường này của Pháp, toàn quyền Đông Dương Pierre M.A. Pasquier đã yêu cầu khâm sứ Trung Kỳ Le Fol tìm hiểu rõ vấn đề chủ quyền của An Nam ở Hoàng Sa và cung cấp tất cả các tài liệu của hồ sơ cần thiết. Qua các tài liệu thì thấy rõ những hành xử chủ quyền từ thời Chúa Nguyễn và vua Triều Nguyễn. Ông Thân Trọng Huề, nguyên Binh Bộ thượng thư vào ngày 3-3-1925 cũng đã tuyên bố chủ quyền của An Nam đối với Hoàng Sa là không có gì phải tranh cãi.’

Trong một văn thư của Quai d’Orsay, Bộ Ngoại giao Pháp do Knobel ký ngày 19-6-1930, một câu hỏi về pháp lý đã được đặt ra: Chủ quyền rõ ràng của An Nam với quần đảo Hoàng Sa liệu có bị mất đi vì không thực thi không? Tác giả đã kết luận là không vì các đảo Hoàng Sa không bị bỏ và do đó không trở thành vô chủ.

Bức thư của toàn quyền Pierre Pasquier, ngày 18-10-1930 khẳng định Pháp có chủ quyền đối với quần đảo này. Bức thư chỉ rõ, Pháp có đầy đủ hồ sơ chứng tỏ rằng các quyền không thể tranh cãi của Việt Nam có từ thể kỷ 18. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ thể hiện sự quan tâm của họ từ năm 1909. Cần nói thêm rằng, lập trường của Pháp khi đó phải được hiểu như là ‘sự thực hiện các quyền chủ quyền đã tồn tại từ trước’. Nói cách khác, người Pháp nhận lấy pháp quyền và trách nhiệm giao nhượng cho họ từ người Việt Nam bị bảo hộ, tiếp tục bảo đảm quyền hạn pháp lý thay mặt cho người Việt Nam.

Ngày 4-2-1932, một công hàm được gửi cho Công sứ quán Trung Quốc nhằm khẳng định các quyền của nước Pháp, trong trường hợp không chấp nhận thì đưa ra trọng tài.

Vào cuối thời kỳ này, Pháp đã khẳng định rõ các quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa bằng các Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 15-6-1938 quy định việc thành lập một đại lý hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên và Nghị định ký ngày 5-5-1939 thành lập hai đại lý hành chính ‘Cụm Lưỡi Liềm và các đảo phụ cận’ và ‘Cụm An Vĩnh và các đảo phụ cận’.

Những nội dung vừa phân tích chỉ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa. Trường hợp quần đảo Trường Sa đơn giản hơn vì không có bất cứ một yêu sách nào của Trung Quốc trong suốt thời kỳ thuộc địa.

Tháng 4-1933, Phủ Toàn quyền Đông Dương ra thông cáo về việc chiếm hữu các hòn đảo nhỏ ở quần đảo Spratly (Trường Sa). Việc chiếm hữu chủ quyền này “được tổ chức trang trọng bằng việc ‘Công bố quyền thủ đắc do chiếm cứ các đảo do các đơn vị hải quân Pháp thực hiện’“. Theo đó, sáu đảo nhỏ được nêu trong văn bản và được mô tả chính xác. Đáp lại sự khẳng định chủ quyền đó, không có nước nào lên tiếng phản đối, kể cả Trung Hoa cũng im lặng. Cùng năm này, thống đốc Nam Kỳ M. Krautheimer đã ký một Nghị định sáp nhập quần đảo Trường Sa (Spratly) vào tỉnh Bà Rịa.

Theo tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Việt Cộng: ‘Khi đô hộ Việt Nam, Pháp đã đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại, đã có những hành động, hành vi tiếp tục thực hiện chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo và họ đã để lại cho chúng ta những nghị định, quyết định trong việc thành lập các đơn vị hành chính, tổ chức các đơn vị đồn trú, khí tượng, các đài quan trắc, xây dựng các công trình trên đó…’

Bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và chính trị học ở Trường Đại học Paris 7 Denis Diderot, nguyên chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên chủ tịch Hội luật gia châu Âu cho rằng: ‘Đối với quần đảo Hoàng Sa, Pháp chỉ rõ là thừa hưởng giấy chứng thực chủ quyền của các Hoàng đế An Nam. Còn với Trường Sa, Pháp tuyên bố đã phát hiện ra và nhận chủ quyền quần đảo này. Người Trung Quốc chỉ bắt đầu đòi chủ quyền vào đầu thế kỷ 20 và đòi hỏi của họ không dựa trên các bằng chứng lịch sử và pháp lý rõ ràng.’

Trong bài ‘Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa thời Pháp chiếm đóng‘ mà nội dung trên đây dẫn nguồn, nhóm tác giả Lê Phúc-Lê Bình-Thùy Vân-Thu Lan đã đúc kết khẳng định như sau:

“Theo Bà Monique Chemillier Gendreau, chính các hành vi của Trung Quốc trong những năm 1895,1896 (từ chối trách nhiệm về các vụ đắm tàu ở Hoàng Sa vì các đảo đó không thuộc Trung Quốc), rồi đến năm 1909 (có các chuyến thăm khảo sát và bắn đại bác để khẳng định chủ quyền) đã làm suy yếu tất cả những lời khẳng định khác về việc chiếm đóng của nước này từ hàng thế kỷ xa xưa và đánh dấu một thời điểm muộn hơn nhiều về sự quan tâm của nước này đối với những lãnh thổ đó.

Những hành vi trong năm 1909, dù có bổ sung thêm việc sáp nhập về hành chính nhưng không đủ cấu thành một sự chiếm hữu lâu dài, thật sự, hòa bình và liên tục. Các hành vi này được thực hiện bởi một chính phủ không được ghi nhận trong sự liên tục của nhà nước Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc không hội đủ các điều kiện để tạo ra một tình thế (giống như tình thế của đảo Palmas), căn cứ vào đó Trung Quốc nhân danh sự chiếm hữu thật sự, có thể có được các quyền, cho phép họ phủ nhận các quyền đã có từ trước của Việt Nam.

Điều này còn được củng cố hơn nữa khi biết rằng, cũng trong giai đoạn này, chính phủ Pháp ở Đông Dương đã liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Kết thúc giai đoạn này, danh nghĩa chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa luôn có giá trị trong tay nước Pháp. Cường quốc này không tuyên bố bỏ các đảo, tạo ra một quyền cho bên thứ ba, như vậy đã đưa đến một tình thế không thể đảo ngược về chủ quyền đã có từ xa xưa của Việt Nam. Trong khi đó, các hành vi của Trung Quốc không đủ rõ ràng, liên tục và không thể cấu thành một quyền cho họ”.

5- Pháp khảo sát khoa học tại Hoàng Sa và Trường Sa (1925-27)

Năm 1925, Viện Hải dương học và nghề cá Đông Dương, đóng tại Nha Trang, đã cử tàu De Lanessan ra khảo sát quần đảo Hoàng Sa. Ngoài tiến sĩ Krempf, giám đốc Viện Hải dương học, còn có nhiều nhà khoa học khác tham gia nghiên cứu về địa chất, về sinh vật… Các nhà khảo sát đã phát hiện một tầng đá vôi phosphat dày khoảng 1 mét với hàm lượng phosphoric từ 23% đến 25% trong tầng mặt và 42% ở tầng sâu. Sự khám phá này mở ra cơ hội cho công việc khai thác phân bón phosphat về sau.

Năm 1927, Sở Địa chất và sinh học đại dương cho người ra khảo sát ở quần đảo Trường Sa.

Các cuộc khảo sát khoa học đã đưa tới kết luận Hoàng Sa và Trường Sa là sự nhô lên của một thềm lục địa liên tục nhờ các địa tầng dưới biển kéo dài dãy Trường Sơn từ đèo Hải Vân ra Biển Đông Nam Á. Nếu nước biển rút xuống khoảng 600-700m, Hoàng Sa và Trường Sa sẽ gắn với bờ biển Việt Nam thành một dải đất liền thống nhất.

6- Chính quyền Đông Dương duy trì chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa (1925-30)

Ngày 3-3-1925, Binh Bộ thượng thư Triều đình Huế, Thân Trọng Huề khẳng định rằng: ‘Quần đảo Hoàng Sa từ trước đến nay vẫn thuộc Việt Nam, không có gì phải bàn bạc cả‘.

Ngày 8-3-1925, toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Pháp.

Tháng 7-1927, toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne cử tàu De Lanessan tiến hành một cuộc khảo sát khoa học trên quần đảo Trường Sa.

Tháng 11-1928, thống đốc Nam Kỳ Paul de la Brosse cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở quần đảo Trường Sa cho Công ty Phosphat Bắc Kỳ Mới.

Năm 1929, Phái đoàn khảo sát Perrier-Rouville đề nghị xây 4 hải đăng ở bốn góc quần đảo Hoàng Sa là đảo Tri Tôn, đảo Bắc, đảo Linh Côn và đảo đá Bombay.

Năm 1930, toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier cử thông báo hạm La malicieuse ra tuần tra và tiếp tế cho lực lượng đồn trú quần đảo Hoàng Sa.

7- Phủ Toàn quyền Đông Dương thông báo việc chiếm hữu quần đảo Trường Sa (23-9-1930)

Năm 1928, Chính phủ Pháp tại Paris đã yêu cầu khâm sứ Trung Kỳ Aristide Eugène Le Fol tìm hiểu rõ vấn đề chủ quyền của An Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua các tài liệu An Nam. Trong bản báo cáo ngày 22-1-1929 gửi về Paris và Hà Nội, khâm sứ Trung kỳ Le Fol nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa đã được các triều vua chúa Việt Nam khẳng định từ lâu và nhắc lại tuyên bố của thượng thư Thân Trọng Huề.

Thấy rõ chủ quyền vững chắc và liên tục của vua chúa Triều Nguyễn từ giữa thế kỷ 16, nên người Pháp đã quyết định chiếm giữ và tuyên bố chủ quyền hai quần đảo này nhân danh chủ quyền An Nam mà Pháp đang bảo hộ. Trong thư gửi bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, toàn quyền Pasquier đã xác nhận: ‘Việc chiếm hữu quần đảo Spartley (tức Hoàng Sa) do Pháp tiến hành năm 1931-32 là nhân danh Hoàng đế An Nam‘. Trong trường hợp này, cái danh nghĩa duy nhất mà Pháp đòi hỏi ở đây, là việc thực thi chủ quyền có từ trước, là những danh nghĩa của An Nam; với tư cách là nước bảo hộ, chịu trách nhiệm về các quan hệ đối ngoại của An Nam, nước Pháp có thể sử dụng các quyền đó để ngăn chặn yêu sách chủ quyền của nước thứ ba, và có thể nhận được sự xét xử quốc tế việc thừa nhận các quyền nói trên. Riêng với quần đảo Trường Sa, chính quyền Đông Dương sẽ tuyên bố chủ quyền nhân danh chính nước Pháp.

Trong thư ngày 20-3-1930, toàn quyền Pasquier gởi cho bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp xác nhận: ‘Cần thừa nhận lợi ích nước Pháp có thể có trong việc nhân danh An Nam, đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa‘.

Ngày 13-4-1930, toàn quyền Pasquier cử thông báo hạm La Malicieuse ra quần đảo Trường Sa và treo quốc kỳ Pháp trên một gò đất cao thuộc ‘île de la Tempête’.

Ngày 23-9-1930, Phủ Toàn quyền Đông Dương ra thông cáo để ‘thông báo cho các nước thứ ba biết việc Cộng hòa Pháp chiếm hữu toàn bộ quần đảo Spratly (Trường Sa)’. Thông báo này cũng được đăng trên Công báo của Phủ Toàn quyền.

8- Chính quyền Đông Dương duy trì chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa (1931-33)

Tháng 3-1931, tàu L’Inconstant ra tuần tra và tiếp tế lực lượng đồn trú Hoàng Sa.

Ngày 4-12-1931 và ngày 24-4-1932, chính quyền Pháp phản kháng Trung Hoa Dân Quốc về việc chính quyền tỉnh Quảng Đông có ý định cho đấu thầu khai thác phosphat trên quần đảo Paracels. Cũng trong năm 1932, Chánh phủ Pháp gửi Công sứ quán Trung Hoa tại Paris một công hàm khẳng định chủ quyền của Pháp đối với quần đảo Paracels và đề nghị với Trung Hoa hoặc dàn xếp hữu nghị hoặc qua trọng tài phân xử. Ngày 29-9-1932, Công sứ quán Trung Hoa bác bỏ quan điểm của Pháp và khước từ việc đưa ra trọng tài.

Tháng 5-1932, pháo hạm Aviso ra tuần tra và tiếp tế lực lượng đồn trú Hoàng Sa.

Ngày 15-6-1932, toàn quyền Pasquier ký Nghị định số 156-SC ấn định việc thiết lập một đơn vị hành chánh gọi là quận Hoàng Sa tại quần đảo Hoàng Sa.

Theo Bạch thư về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (1975) của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa, ngày 14-3-1933, toàn quyền Pasquier cử đội tàu gồm chiến hạm Malicieuse, pháo hạm Arlete và hai tàu thủy văn Astrobale và de Lanessan, từ Sài Gòn ra đảo Trường Sa và hàng loạt địa điểm khác như đá Chữ Thập, cụm rạn Luân Đôn, bãi san hô Tizard, bãi san hô Loại Ta, cụm rạn Thị Tứ và rạn Nguy Hiểm Phía Bắc. Tại từng địa điểm đi qua, người Pháp đã tổ chức nghi lễ chiếm hữu các đảo chánh thuộc nơi đó. Ngày 26-7, Bộ Ngoại giao Pháp ra bản thông tri về hành động trên, kèm theo danh sách liệt kê tên các đảo đã chiếm hữu cùng tọa độ, bao gồm: Hải đảo Spratly (chiếm ngày 13-4-1930), Tiểu đảo Caye-d’Amboine (7-4-1933), Tiểu đảo Itu-Aba (10-4-1933), Nhóm Hai Đảo (Groupe de Deux-îles, 10-4-1933), Tiểu đảo Loaito (11-4-1933), Hải đảo Thi-Tu (12-4-1933) và các tiểu đảo phụ thuộc từng đảo này. Hải đội tàu nói trên được đặt dưới sự chỉ huy của trung tá hải quân De Lattre.

Tháng 4-1933, Phủ Toàn quyền Đông Dương ra thông cáo về việc chiếm hữu 6 hòn đảo nhỏ ở quần đảo Spratly (Trường Sa). Việc chiếm hữu chủ quyền này “được tổ chức trang trọng bằng việc ‘Công bố quyền thủ đắc do chiếm cứ các đảo do các đơn vị hải quân Pháp thực hiện‘”.

Ngày 19-7-1933, Bộ Ngoại giao Pháp ra thông tư xác nhận việc Hải quân Pháp đang có quân trấn giữ tại sáu đảo chánh thuộc quần đảo Trường Sa. Từ ngày 24-7 đến ngày 25-9-1933, Pháp lần lượt thông báo cho các quốc gia có thể có lợi ích tại Trường Sa biết về hành động của Pháp. Cũng theo Bạch thư của Việt Nam Cộng Hòa đã dẫn, thì ngoại trừ Đế quốc Nhật Bản tuyên bố phản đối, còn tất cả các nước được thông báo đều không có lời phản đối Pháp; Trung Hoa Dân Quốc, Hòa Lan (đang kiểm soát Indonesia) và Mỹ cũng đều giữ im lặng.

Ngày 26-7-1933, Bộ Ngoại giao Pháp công bố thông tri và đăng trên tờ Công báo Pháp, về việc Pháp đã cho những đơn vị Hải quân chiếm hữu từ 13-4-1930 đến 22-4-1933 các đảo: Trường Sa, An Bang, Itu Aba (Ba Bình), nhóm Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ và các đảo phụ cận. Thông báo ghi rõ những hải đảo và tiểu đảo ghi trong văn bản này kể từ nay đã thuộc chủ quyền nước Pháp.

Ngày 21-12-1933, thống đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP, sáp nhập số đảo nói trên và ‘các đảo phụ thuộc khác‘ thuộc quần đảo Spratly (Trường Sa), vào địa phận tỉnh Bà Rịa thuộc Liên bang Đông Dương. Lúc này, tỉnh Bà Rịa, thuộc Nam Kỳ vẫn là lãnh thổ trực trị của Pháp. Sáu năm sau tức vào năm 1939, thứ trưởng Ngoại giao Anh Quốc là Butter tuyên bố rằng Pháp đã thực thi đầy đủ chủ quyền trên quần đảo Spratly.

H3Nghị định số 4702–CP ngày 21-12-1933 của thống đốc Nam Kỳ M.J. Krautheimer

9- Chính quyền Đông Dương duy trì chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa (1934-38)

Ngày 18-2-1937, Bộ Ngoại giao Pháp gửi công hàm cho Sứ quán Trung Hoa tại Paris, đề nghị một giải pháp hữu nghị hoặc một giải pháp qua Trọng tài. Phía Trung Quốc không hưởng ứng.

Tháng 10-1937, kỹ sư công chánh J. Gauthier được cử ra Hoàng Sa nghiên cứu việc xây hải đăng, căn cứ thủy phi cơ và kế hoạch đưa lính Bảo an Việt Nam ra Hoàng Sa. Cũng trong năm 1937, tuần dương hạm Lamotte Piquet do phó đô đốc Istava chỉ huy ra thăm và tiếp tế cho quân đồn trú quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1938, việc xây hải đăng tại phía bắc đảo Hoàng Sa hoàn thành và bắt đầu hoạt động.

Cũng trong năm 1938, Pháp xây xong bia chủ quyền ở giữa đảo Hoàng Sa. Trên bia có ghi:

“République française

Royaume d’Annam

Archipel des Paracels

1816 – Île de Pattle-1938″

Cũng trong năm 1938, Pháp dựng một trạm khí tượng ở đảo Hoàng Sa (Pattle), một trạm khí tượng khác ở đảo Phú Lâm (lle Boisée), một trạm radio TSF trên đảo Hoàng Sa (Pattle); cùng một bia chủ quyền, một hải dăng, một trạm khí tượng và một trạm radio TSF tương tự trên đảo Ba Bình (ltu Aba) ở quần đảo Trường Sa.

Ty Khí tượng trên đảo Hoàng Sa bắt đầu hoạt động từ năm 1938, với số hiệu 48.860 do Tổ chức Khí tượng Quốc tế cấp phát. Trạm khí tượng Phú Lâm có số hiệu 48.859. Mỗi ngày các nhân viên đo 8 obs (kỳ quan trắc): gió, mưa, mây, nắng, nhiệt độ nước biển, độ ẩm, khí áp, … thả bóng thám không hai lần: 6 giờ sáng và 12 giờ trưa, rồi truyền thông tin về Nha Khí tượng Sài Gòn qua đàm thoại vô tuyến, lúc đầu bằng mã Morse. Ty Khí tượng Hoàng Sa hoạt động tương đối liên tục, trừ vài năm chiến tranh khi Nhật Bản chiếm đóng, và chỉ dừng lại khi Trung Cộng chiếm đảo năm 1974. Sau này, Trung Cộng đã đăng ký tên trạm là Sanhu (San Hô), với số hiệu 59.985.

Tháng 6-1938, một đơn vị bảo an Việt Nam tới đồn trú ở Hoàng Sa bên cạnh đơn vị đồn trú Pháp.

10- Hoàng Sa nhập vào tỉnh Thừa Thiên (30-3-1938)

Sau khi ký các hiệp ước bảo hộ năm 1885, 1885, Triều đình Huế (Nam Triều) tuy phụ thuộng vào chính quyền Pháp, song vẫn chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 29-2 năm Bảo Đại thứ 13 (30-3-1938), vua Bảo Đại ký Dụ số 10 có nội dung: ‘Chiếu theo các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã từ lâu và dưới các tiên triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam Ngãi. Đến đời Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế vẫn để y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông với các cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam Ngãi. Nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải nên việc giao thông ngày nay có thay đổi, vả lại viên đại diện Chánh phủ Nam Triều cũng phải ra kinh lý các cù lao ấy cùng qua các đại diện Chánh phủ bảo hộ có tâu rằng nên tháp các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn… Trước chuẩn tháp nhập các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên; về phương diện hành chánh, các cù lao ấy thuộc dưới quyền quan hiến tỉnh ấy‘.

Ngày 15-6-1938, toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký nghị định số 156-SC, quy định về nhiệm vụ và lương bổng cho nhân viên hành chánh đặc trách về Hoàng Sa, coi quần đảo Hoàng Sa là một đại lý hành chánh trực thuộc tỉnh Thừa Thiên. Đồn đại lý đóng tại đảo Pastle (đảo Hoàng Sa).

H4Dụ số 10 ngày 30-3-1938 của vua Bảo Đại

H5Bia chủ quyền do Pháp xây dựng tại Hoàng Sa năm 1938, là sự tiếp nối bia chủ quyền được Vua Gia Long cho xây dựng tại Hoàng Sa năm 1816.

H6Toàn cảnh các cơ sở hành chánh và kỹ thuật ở đảo Hoàng Sa năm 1938

H7Toàn cảnh cơ sở hành chánh trên đảo Hoàng Sa thời Pháp

H8

H9Hải đăng Việt Nam trên đảo Hoàng Sa hoạt động từ năm 1938

H10Người Pháp và người Việt Nam đồn trú tại Hoàng Sa đang đào giếng nước ngọt năm 1938

H11Đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa năm 1938

H12Trạm thu phát tín hiệu radio trên đảo Hoàng Sa (1939)

H13Đơn vị lính bảo an thực hiện nghi thức chào cờ trên đảo Hoàng Sa (tháng 6-1938)

11- Nhật Bản chiếm quần đảo Hoàng Sa (1938)

Do nhu cầu thiết lập một đầu cầu xâm chiếm Đông Nam Á, năm 1938 Hải quân Nhật chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và đổi tên thành Hirata gunto. Việc này bị chính quyền Đông Dương lên tiếng phản đối.

Nhật biến đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa thành một căn cứ tàu ngầm, rồi từ đây kiểm soát vùng phía bắc biển Đông Nam Á.

Với sức ép của Nhật, ngày 5-5-1939, toàn quyền Đông Dương Joseph Jules Brévié ký Nghị định số 3282, để sửa đổi Nghị định 156-SC ngày 15-6-1938, theo đó thành lập hai đại lý hành chánh ở quần đảo Hoàng Sa là Đại lý Croissant (Cụm Lưỡi Liềm và các đảo phụ cận), và Đại lý Amphitrite (Cụm An Vĩnh – Tuyên Đức và các đảo phụ cận). Cụm Lưỡi Liềm vẫn do Pháp quản lý, với đồn đại lý đóng tại đảo Pastle (Hoàng Sa), nhưng lúc này ‘co vòi’ không dám làm gì. Cụm An Vĩnh với đồn đại lý đóng tại đảo Boisé (đảo Phú Lâm), lúc này hoản toàn do Nhật kiểm soát.

Quân Pháp và Nhật đều có xây dựng cơ sở phòng thủ ở các đảo Hoàng Sa, Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa), nên trong Đệ nhị thế chiến, các đảo này cũng thường bị máy bay đồng minh oanh tạc.

Mãi đến ngày 9-3-1945 khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương, quân Nhật ở Hoàng Sa cũng tước khí giới trung đội lê dương đồn trú ở đây và bắt làm tù binh. Các công chức đài khí tượng ở đảo Hoàng Sa xin Nhật cho tháo dỡ trần nhà lấy gỗ làm bè thả trôi về tận bờ biển Quy Nhơn.

12- Nhật Bản chiếm quần đảo Trường Sa (31-3-1939)

Ngày 31-3-1939, Bộ Ngoại giao Nhật Bản gửi thông báo tới đại sứ Pháp tại Tokyo, tuyên bố rằng vào ngày 30-3 Nhật đã quyết định đặt quần đảo Trường Sa dưới sự kiểm soát của Hải quân Nhật.

Trong ngày 31-3, Hải quân Nhật đổ bộ lên đảo Itu Aba (đảo Ba Bình), là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, thiết lập căn cứ quân sự cho tàu chiến và tàu ngầm, rồi từ đây kiểm soát toàn bộ quần đảo Trường Sa. Từ các căn cứ hải quân ở Ba Bình và Phú Lâm, Hải quân Nhật mở cuộc tiến đánh các nước Đông Nam Á.

Ngày 4-4-1939, Bộ Ngoại giao Pháp gửi công hàm phản đối hành động của Nhật và khẳng định bảo lưu chủ quyền của Pháp tại quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Pháp được Anh ủng hộ trong cuộc tranh luận ngày 5-4-1939 tại Hạ Nghị Viện. Theo đó, đại diện Bộ Ngoại giao Anh đã khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa trọn vẹn thuộc nước Pháp.

Ngày 19-8-1939, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố quyết định đặt quần đảo Trường Sa, dưới tên gọi Shinnan gunto, trực thuộc đảo Đài Loan cũng là một lãnh thổ bị Nhật xâm lược. Việc này bị chính quyền Đông Dương lên tiếng phản đối.

Nghị định số 3282 ngày 5-5-1939 của toàn quyền Jules Brévié

13- Tuyên bố Cairo (27-11-1943)

Để chuẩn bị một lập trường chung cho Hội nghị Tehran về vấn đề lãnh thổ bị Nhật Bản chiếm tại Châu Á, năm 1943, tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, thủ tướng Anh Winston Churchill và tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch, đã họp hội nghị tại Cairo, Ai Cập từ ngày 23 đến 27-11-1943. Hội nghị đã ra bản Tuyên bố Cairo (Cairo Communiqué), sau đó được phát sóng trên radio đi toàn thế giới vào ngày 1-12-1943. Tuyên bố Cairo được trích dẫn ở Khoản Tám (8) của Tuyên bố Potsdam.

Nội dung Tuyên bố Cairo như sau:

Bí mật, Giữ cho đến thời điểm quy định mới được công bố. Xin hãy bảo vệ tài liệu này tránh khỏi việc bị công bố sớm.

Bản thông cáo sau đây sẽ được tự động công bố vào lúc 7 giờ 30 phút tối, giờ Eastern War, thứ tư ngày 1 tháng 12 năm 1943.

Phải áp dụng các biện pháp đề phòng đặc biệt để giữ bản thông cáo này hoàn toàn bí mật cho đến lúc tự động công bố. Trước thời điểm công bố, không được phép tiết lộ nội dung tài liệu; bất cứ người nào nhận được tài liệu cũng không được suy đoán hoặc bàn luận về nội dung của nó. Các bình luận viên radio và phát thanh viên đưa tin được đặc biệt khuyến cáo không được phỏng đoán nội dung trước giờ công bố tài liệu.

Stephen Early, thư ký tổng thống.

Tổng thống Roosevelt, tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch và thủ tướng Churchill, cùng với các vị cố vấn quân sự và ngoại giao tháp tùng từng người, đã hoàn tất một cuộc hội nghị tại Bắc Phi.

Tuyên bố chung sau đây được đưa ra:

‘Các phái đoàn quân sự đã đồng ý tiến hành các chiến dịch quân sự trong tương lai nhằm chống lại Nhật Bản. Ba Đồng Minh Vĩ Đại bày tỏ quyết tâm gây áp lực quân sự liên tục lên kẻ thù hung bạo ở trên biển, trên đất liền và trên không. Áp lực này đã bắt đầu gia tăng.

Ba Đồng Minh Vĩ Đại đang chiến đấu để ngăn cản và trừng phạt cuộc xâm lăng của Nhật Bản. Họ không ham muốn lợi ích gì cho bản thân và không nghĩ đến việc bành trướng lãnh thổ. Mục tiêu của họ là hất cẳng Nhật Bản ra khỏi tất cả các hòn đảo thuộc Thái Bình Dương mà nước này đã cưỡng chiếm hoặc chiếm đóng từ khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu vào năm 1914, và tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm đoạt từ người Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ phải được trao trả cho Trung Hoa Dân Quốc. Nhật Bản cũng sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này đã chiếm được bằng võ lực và lòng tham. Nhận thức được ách nô lệ mà nhân dân Triều Tiên đang phải chịu đựng, ba cường quốc trên đây kiên định rằng Triều Tiên phải được tự do và độc lập.

Hướng tới các mục tiêu trên, phù hợp với những mục tiêu của Liên hiệp các Quốc gia đang chiến đấu chống Nhật Bản, Ba Đồng Minh sẽ tiếp tục kiên trì tiến hành các chiến dịch nghiêm túc và kéo dài cần thiết để giành được một sự đầu hàng vô điều kiện từ Nhật Bản.’

Bản Tuyên bố Cairo đã được chủ tịch Liên Xô Stalin nhất trí ngày 30-11-1943 và được nguyên thủ ba nước Mỹ, Anh, Trung Quốc khẳng định lại một lần nữa trong Tuyên cáo Potsdam (26-7-1945).

14- Pháp trở lại kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (tháng 5-1945)

Trong thời gian từ 20 đến 27-5-1945, đô đốc D’Argenlieu (người sau đó làm cao ủy Đông Dương từ tháng 8-1945), đã phái tốc hạm L’Escamouche và chiến hạm Savorgnan de Brazza ra nắm tình hình và tuần tra quần đảo Hoàng Sa. Một phân đội lính Pháp đã đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza lên đảo Hoàng Sa và trấn giữ Nhóm đảo Nguyệt Thiềm phía tây quần đảo Hoàng Sa. Riêng Nhóm đảo An Vĩnh ở phía đông vẫn do Nhật đóng quân chờ giải giáp.

Suốt thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp chưa bao giờ tuyên bố phủ nhận chủ quyền của Vương quốc An Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nước Pháp có trách nhiệm bảo hộ. Mặc dù trong giai đoạn này bắt đầu có một số nước lên tiếng đòi hỏi chủ quyền vô lý ở một số đảo, nhưng tất cả đều bị chính quyền Pháp kiên quyết phản đối. Những tư liệu lịch sử nói trên cho thấy, người Pháp cũng như người Việt trong thời điểm này chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cho đến khi thua trận rút khỏi Đông Dương, Chánh phủ Pháp cũng đã bàn giao quyền quản lý vùng biển này lại cho Chánh phủ Quốc gia Việt Nam.

IV- SỰ TẠO LẬP, DUY TRÌ VÀ TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CƯƠNG VỰC TRÊN BIỂN ĐÔNG NAM Á THỜI KỲ 1945-75

1- Tuyên cáo Potsdam (26-7-1945)

Hội nghị Potsdam được tổ chức ở Potsdam, Đức, từ ngày 17-7 đến ngày 2-8-1945 gồm đại diện 3 nước: Mỹ (tổng thống Harry Truman), Liên Xô (chủ tịch Joseph Stalin) và Anh (thủ tướng Winston Churchil, sau đó được thay bởi tân thủ tướng Clement Attlee). Ngày 26-7-1945, Churchil, Truman cùng với thống chế Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc cùng đưa ra Tuyên cáo Potsdam, vạch rõ ra những điều kiện bắt buộc Nhật Bản phải đầu hàng.

Trích nội dung Tuyên cáo Potsdam

Tuyên bố chung ba nước Mỹ, Anh, Trung (Thành phố Potsdam, ngày 26 tháng 7 năm 1945)

(1) Chúng tôi, tổng thống Hợp chúng quốc Mỹ, chủ tịch Chánh phủ Quốc dân Trung Hoa Dân Quốc và thủ tướng Đại Anh, đại diện cho hàng trăm triệu công dân của chúng tôi, đã thảo luận và đồng ý rằng Nhật Bản sẽ được trao một cơ hội cuối cùng để kết thúc cuộc chiến tranh này.

(7) Đến khi một trật tự mới được thiết lập và đến khi có bằng chứng thuyết phục rằng sức mạnh chiến tranh của Nhật Bản đã bị tiêu hủy, những địa điểm trong lãnh thổ Nhật Bản sẽ bị chiếm đóng theo chỉ định của các nước Đồng Minh để bảo đảm đạt được các mục tiêu cơ bản mà chúng tôi đang thiết lập ở đây.

(8) Các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện và chủ quyền của Nhật Bản được giới hạn ở các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và các đảo nhỏ do chúng tôi xác định.

(13) Chúng tôi kêu gọi Chánh phủ Nhật Bản ra tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức đối với toàn bộ lực lượng võ trang Nhật Bản, và đưa ra sự đảm bảo thích đáng và đầy đủ đối với thiện chí của họ trong hành động như vậy. Sự lựa chọn khác cho Nhật Bản là bị hủy diệt ngay lập tức và toàn bộ.

Như trong Tuyên bố Cairo 1943 đã nói rõ, sau chiến tranh thì các lãnh thổ từng bị Nhật chiếm là Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Trung Hoa. Không có dòng chữ nào nói rằng các quần đảo Paracel, Spratly sẽ được giao cho Trung Hoa. Trung Hoa Dân Quốc là một thành viên nòng cốt tham gia Hội nghị Cairo nhưng cũng không hề có bất cứ một bảo lưu hoặc một tuyên bố hay yêu sách riêng rẽ nào về phần lãnh thổ được trả lại.

Tuyên bố Cairo 1943 được trích dẫn rõ ở Khoản 8 của Tuyên cáo Potsdam. Điều đó cho thấy tính pháp lý quốc tế vững chắc của Tuyên bố Cairo; đồng thời, khẳng định rằng, các quần đảo Paracel (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa) từ xưa đến nay đều không phải là lãnh thổ của Trung Hoa. Trung Hoa Dân Quốc là một thành viên nòng cốt tham gia Hội nghị Potsdam nhưng cũng không hề có bất cứ một bảo lưu hoặc một tuyên bố hay yêu sách riêng rẽ nào về phần lãnh thổ được trả lại.

Tại Hội nghị Potsdam, Mỹ, Liên Xô và Anh thỏa thuận chia Đông Dương làm hai khu vực giải giáp quân đội Nhật Bản với vĩ tuyến 160 làm giới tuyến: khu vực phía Bắc giao cho quân đội Trung Hoa Dân Quốc, khu vực phía Nam giao cho Liên quân Anh-Ấn.

2- Hội nghị Potsdam quyết định việc giải giới quân Nhật (15-8-1945)

Ngày 15-8-1945, Hội nghị Potsdam đề ra phương thức giải giới quân Nhật, theo đó bán đảo Đông Dương phía bắc vĩ tuyến 16 do Trung Hoa Dân Quốc kiểm soát giải giới, phần phía nam vĩ tuyến 16 do quân Anh kiểm soát.

Cũng trong ngày 15-8, Bộ tư lệnh tối cao Mỹ-Anh dựa theo nghị quyết quân sự Hội nghị Potsdam, để hạ mệnh lệnh số 1 cho đại tướng Mc Arthur, tư lệnh chiến trường Thái Bình Dương.

Điều 1A: Các tư lệnh cao cấp Nhật và tất cả các lực lượng Hải, Lục, Không quân và các lực lượng phụ thuộc trong phạm vi Trung Hoa (trừ Mãn Châu), Đài Loan và Đông Dương thuộc Pháp ở Bắc vĩ tuyến 16 sẽ đầu hàng tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch.

Điều 1C: Các tư lệnh cao cấp Nhật và tất cả các lực lượng Hải, Lục, Không quân và các lực lượng phụ thuộc trong phạm vi Andamnus, Nicobars, Miến Điện, Thái Lan, Đông Dương thuộc Pháp ở Nam vĩ tuyến 16, Malaysia, Bornéo và các đảo nhỏ trên Thái Bình Dương sẽ đầu hàng đô đốc Maubetton-Bộ chỉ huy Đông Nam Á (SEAC), trừ Indonesia sẽ đầu hàng tư lệnh tối cao Đồng minh ở Thái Bình Dương, đại tướng Mc Arthur.

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm hoàn toàn ở phía nam vĩ tuyến 16 nên ngoài phạm vi trách nhiệm của Trung Hoa Dân Quốc. Theo tinh thần thỏa thuận của Lực lượng Đồng Minh và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, những lãnh thổ thu hồi từ quân phiệt Nhật sẽ được trả lại cho chủ cũ từng bị Nhật xâm chiếm, như vậy quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ phải được trả lại cho Pháp và Việt Nam.

Ngày 9-10-1945, cao ủy Pháp tại Đông Dương D’Argenlieu và đại tướng Douglas David Gracey ký biên bản thỏa thuận việc Anh bàn giao cho Pháp nhiệm vụ thay mặt đồng minh chiếm đóng toàn bộ miền Nam Đông Dương phía Nam vĩ tuyến 16.

3- Trung Hoa Dân Quốc chiếm đảo Ba Bình (tháng 1-1946)

Trong Đệ nhị thế chiến, Đế quốc Nhật Bản chiếm một số đảo thuộc Nhóm An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa, và sử dụng đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa làm căn cứ tàu ngầm cho các chiến dịch ở Đông Nam Á. Sau cuộc chiến, Pháp và Trung Hoa Dân Quốc đều tái khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 1-1946, Trung Hoa Dân Quốc lấy cớ giải giáp Quân đội Nhật đã cho hai tàu chiến đổ bộ dựng bia trên đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa), và gọi là Thái Bình Đảo (Tai Ping Dao). Pháp phản đối kịch liệt, trong năm 1946 cho tàu liên tục tuần tra kiểm soát quần đảo Trường Sa, nhưng không chạm trán với Trung Hoa trên đảo Ba Bình.

4- Hiệp ước Trùng Khánh (28-2-1946)

Nhiệm vụ giải giới quân Nhật của quân Trung Hoa do đại tướng Lư Hán chỉ huy diễn ra từ  khi quân Trung Hoa kéo vào Bắc Đông Dương từ ngày 20-8-1945.

Đến ngày 28-2-1946, cao ủy D’Argenlieu đã ký với đại tướng Hà Ứng Khâm hiệp ước Trùng Khánh, theo đó, quân Trung Hoa Dân Quốc chấp nhận rút quân về nước, bàn giao cho Pháp tiếp quản Lào và Việt Nam ở Bắc vĩ tuyến 16 trong khi chờ có nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc.

Theo Hiệp định 6-3-1946 việc giải giáp quân Nhật Bản từ vĩ tuyến 16 trở ra giao cho Liên quân Việt – Pháp.

Đến ngày 31-3-1946, việc rút quân Trung Hoa Dân Quốc ra khỏi Bắc Đông Dương căn bản kết thúc. Ngày 10-4-1946, quân Pháp hoàn tất việc rãi quân trấn đóng khắp các vị trí quan trọng ở Bắc Đông Dương, hoàn thành bước đầu sự trở lại của Pháp ở thuộc địa cũ.

5- Trung Hoa Dân Quốc chiếm đảo Phú Lâm (tháng 12-1946)

Đầu tháng 6-1946, cao ủy D’Argenlieu lại cử chiến hạm Savorgnan de Brazza ra tăng cường cho quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 26-6-1946, 4 tàu chiến của Trung Hoa Dân Quốc kéo ra quần đảo Hoàng Sa nhưng bị tàu Pháp ngăn chặn và xua đuổi nên lại rút về.

Vì chiến tranh Đông Dương bùng nổ dữ dội ở Nam Bộ và Trung Bộ, trong khi tình hình Bắc Bộ cũng căng thẳng, vào tháng 9-1946, chiến hạm Savorgnan de Brazza rút vào Đà Nẵng, nhưng vẫn để quân trấn giữ nhóm đảo Nguyệt Thiềm phía tây quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 11-10-1946, Ủy ban liên bộ thuộc Chánh phủ lâm thời Pháp quyết định cần khẳng định chủ quyền của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và thể hiện việc đó bằng việc khôi phục lại hoạt động trạm khí tượng tại Hoàng Sa.

Cho đến tháng 12-1946, tại đảo Phú Lâm (giữ nhóm An Vĩnh phía đông quần đảo Hoàng Sa) vẫn còn một trung đội lính Nhật trấn đóng với hai tàu chiến cũ hoàn toàn hư hỏng và hết nhiên liệu. Quân Nhật tại đây liên lạc với một tàu buôn Hong Kong đi ngang qua yêu cầu đất liền hỗ trợ. Tháng 12-1946, đại tướng Hà Ứng Khâm cho ba tàu chiến đổ bộ lên chiếm đảo Phú Lâm và cho quân Nhật về nước, trong khi nhiệm vụ giải giới quân Nhật đã kết thúc từ tháng 3-1946.

Ngày 7-1-1947, Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố họ đã chiếm giữ quần đảo Tây Sa nhưng thực ra chỉ chiếm được một đảo Phú Lâm, mà họ gọi là đảo Vĩnh Hưng, ở phía đông quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 17-1-1947, cao ủy D’Argenlieu cử pháo hạm Le Tonkinois ra nhóm đảo An Vĩnh để đòi quân Trung Hoa rút khỏi đây. Khi yêu cầu này bị từ chối, quân Pháp cho 10 quân nhân Pháp và 17 quân nhân Việt Nam tăng cường trấn giữ đảo Hoàng Sa (Pattle Island), cùng với một số ca nô tuần tra nhóm đảo Nguyệt Thiềm ở phía tây quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 4-7-1947, Bộ Ngoại giao Pháp đề nghị với Trung Hoa Dân Quốc hoặc bàn bạc hữu nghị hoặc đưa vấn đề ra tòa án Trọng tài. Trung Quốc khước từ. Nhưng do bị thua trận trên lục địa, tháng 10-1947, quân Trung Hoa phải rút quân khỏi đảo Phú Lâm. Quân Pháp lại kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Khi hệ thống thuộc địa của Pháp bắt đầu tan rã, nước Pháp cũng chấm dứt tuần tra quần đảo Trường Sa vào năm 1948, nhưng được thay thế bởi một hải đội Hải quân Quốc gia Việt Nam.

6- Yêu sách chủ quyền trên biển Đông Nam Á của Philippines (tháng 2-1947)

Theo học giả Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (2011), thì cho đến đầu năm 1947, ‘các chính quyền cai trị ở Philippines chưa bao giờ tuyên bố quần đảo Spratly (Trường Sa) hay bất cứ bộ phận nào của quần đảo này thuộc chủ quyền của Philippines‘.

Tháng 2-1947, bộ trưởng Ngoại giao Philippines có đưa yêu sách rằng ‘Quần đảo mới ở phía Nam’ mà Nhật Bản chiếm đóng trong Đệ nhị thế chiến phải được trao cho Philippines. Yêu sách này dựa theo cơ sở thực tế là Nhật Bản đã từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Paracel (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa) trong cả Hòa ước với các nước Đồng minh 1951 và Hòa ước song phương với Trung Hoa Dân Quốc. Tuy nhiên yêu sách này không có cơ sở hợp lý nào, bởi vì nếu Nhật ‘từ bỏ chủ quyền’ mà họ đã cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa và Trường Sa trong Đệ nhị thế chiến thì chủ quyền phải được trả lại cho Pháp và Việt Nam là những chủ nhân trước đó, chứ không thể trả cho Philippines hoặc nước nào khác.

Cũng trong năm 1947, một luật sư và doanh nhân người Philippines là Tomás Cloma nhận ra có ‘một số đảo không người ở và không có quân trấn đóng trong biển South China Sea‘. Đang là chủ một đội tàu đánh cá và một trường hàng hải tư, Cloma dự định sẽ thiết lập một nhà máy đóng hộp và khai thác phân chim tại đây.

H14Scanned images of the World Meteorological Organization documents containing information aboutthe Viet Nam’s meteorological stations in the Sprartly Islands (on Itu Aba) (left) and the Paracel Islands (right) in 1949 and 1973, respectively.

(https://southeastasiansea.wordpress.com/2013/02/05/the-indisputable-sovereignty-of-viet-nam-over-the-paracel-islands)

7- Quốc gia Việt Nam thu hồi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa (14-10-1950)

Tháng 4-1949, hoàng thân Nguyễn Phước Bửu Lộc, chánh văn phòng Hoàng đế Bảo Đại, tuyên bố tại Sài Gòn khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 8-3-1949, tổng thống Pháp Auriol và quốc trưởng Bảo Đại ký Hiệp định Elise tại Paris, trao trả độc lập và toàn bộ chủ quyền cho Quốc gia Việt Nam.

Ngày 29-6-1950, Pháp chánh thức công nhận Quốc gia Việt Nam là thành viên khối Liên hiệp Pháp.

Ngày 14-10-1950, Chánh phủ Pháp chánh thức chuyển trả cho Chánh phủ Quốc gia Việt Nam toàn vẹn chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Thủ hiến Trung Phần Phan Văn Giáo thay mặt Việt Nam đã chủ tọa buổi lễ thâu hồi chủ quyền này.

8- Tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Cộng Châu Ân Lai (4-12-1950)

Ngày 4-12-1950, bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Châu Ân Lai tuyên bố: ‘Bản Tuyên bố Cairo, bản Thỏa ước Yalta, bản Tuyên cáo Potsdam và các chánh sách căn bản đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng đã được các quốc gia trong Ủy hội Viễn Đông thỏa thuận và thông qua ngày 19-6-1947, cùng các văn kiện quốc tế mà Chánh phủ Mỹ đã ký kết, phải là căn bản chánh yếu cho một hòa ước với Nhật Bản. …Nhân dân Trung Hoa rất ước muốn sớm có một hòa ước liên hợp với Nhật Bản cùng với các quốc gia Đồng minh khác trong thời kỳ Đệ nhị thế chiến. Nhưng căn bản của hòa ước phải hoàn toàn thích hợp với Tuyên bố Cairo, Thỏa ước Yalta, Tuyên cáo Potsdam và các chánh sách căn bản đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng được quy định trong các văn kiện này‘.

9- Philippines tuyên bố chủ quyền quần đảo Spratly (17-5-1951)

Ngày 17-5-1951, tổng thống Philippines Elpidio Quirino tuyên bố với báo chí: ‘Về phương diện địa dư, quần đảo Spratly ở sát liền quần đảo Philippines nên phải thuộc về Philippines‘, và thừa nhận có các trạm khí tượng do Pháp xây dựng ở quần đảo Hoàng Sa (trạm Phú Lâm 48859, trạm Hoàng Sa 48860) và ở quần đảo Trường Sa (trạm Ba Bình 489189).

Các học giả Daniel J. Dzurek và Clive H. Schofield, trong bài ‘The Spratly Islands dispute: who is an first‘, đăng trên Maritime Briefing (Volume 2, No.1, 1996), viết: ‘Ngày 17-5-1951, tổng thống Philippines Quirino tuyên bố với giới báo chí rằng quần đảo Spratly thuộc về Philippines, nhưng tuyên bố đó của tổng thống Quirino lại bị chính phát ngôn nhân của Chánh phủ Philippines lúc đó bác bỏ’.

Tại Hội nghị San Francisco ngày 7-9-1951, phái đoàn Philippines do bộ trưởng Ngoại giao Carlos Romulo đứng đầu đã không có phản ứng gì khi thủ tướng Việt Nam Trần Văn Hữu khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spratly) thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 24-8-1951, Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn quốc gia của Trung Cộng, lên tiếng tranh cãi về chủ quyền của Pháp và những tham vọng của Philippines, đồng thời tuyên bố khẳng định chủ quyền của Trung Cộng tại hai quần đảo mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa.

10- Hòa ước San Francisco (8-9-1951)

Sau Đệ nhị thế chiến, Nhật Bản là nước bại trận, nên việc định hướng cho nước Nhật thời hậu chiến, việc tạo lập khuôn khổ cho mối quan hệ quốc tế trong thời kỳ mới, cũng như việc giải quyết toàn bộ phần lãnh thổ nước khác do nước này chiếm đóng, cần được phân định bằng một hiệp ước quốc tế để tránh phát sinh những xung đột mới. Từ ngày 4 đến 8-9-1951, Hội nghị San Francisco được tổ chức để bàn về việc ký Hòa ước với Nhật Bản. Trong hội nghị này, vấn đề chánh là thảo luận dự thảo ‘Hiệp ước Hòa bình giữa các nước trong phe Đồng Minh với Nhật Bản’ do Anh và Mỹ đưa ra ngày 12-7-1951, nhằm chánh thức kết thúc Thế chiến ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tham dự Hội nghị có đại biểu của 50 quốc gia, gồm: Ai Cập, Anh, Argentina, Ba Lan, Bỉ, Bolivia, Brasil, Cambodia, Cannađa, Ceylon, Chile, Colombia, Costa Rica, Cuba, Dominica, Ecuador, Ethiopia, Hy Lạp, Guatemala, Haiti, Honduras, Hòa Lan, Indonesia, Iran, Iraq, Lào, Lebanon, Liberia, Liên Xô, Luxembourg, Mexico, Mỹ, Na Uy, Nam Phi, Nhật Bản, Nicaragoa, Pakistan, Panama, Paraguay, Peru, Pháp, Philippines, Salvador, Saudi Arabia, Syria, Tiệp Khắc, Uruguay, Úc, Venezuela, Việt Nam. Đại biểu thứ 51 là Trung Hoa không được mời tham dự, vì có sự bất đồng giữa hai đồng chủ tịch Hội nghị là Mỹ và Liên Xô trong việc chọn Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) hay Trung Cộng.

Trong phiên họp khoáng đại ngày 5-9-1951, đòi hỏi cho quyền lợi của Trung Cộng đối với quần đảo Paracel (Hoàng Sa) và quần đảo Spratly (Trường Sa) đã được phái đoàn Liên Xô nêu ra. Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Andrei A. Gromyko đã đưa ra đề nghị gồm 13 khoản tu chánh để định hướng cho việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Trong đó có khoản tu chánh liên quan đến việc: ‘Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Paracel (đảo Hoàng Sa) và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam‘. Nhưng với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận (Ba Lan, Liên Xô, Tiệp Khắc), Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này của Liên Xô. Như vậy, cái gọi là ‘danh nghĩa chủ quyền Trung Hoa’ đối với các quần đảo ngoài khơi Biển Đông Nam Á đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ rõ ràng trong khuôn khổ của một hội nghị quốc tế.

H16Quang cảnh hội nghị San Francisco năm 1951.

H17Thủ tướng Trần Văn Hữu ký Hiệp ước San Francisco

Đoàn Quốc gia Việt Nam do thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu làm trưởng đoàn. Ngày 7-9-1951 tại Hội nghị, có sự tham dự đầy đủ của phái đoàn 51 quốc gia, Trần Văn Hữu đã đọc bài tuyên bố (bằng tiếng Pháp) như sau:

‘Thật là nghiêm trọng và cảm kích cho Việt Nam được đến San Francisco tham dự công việc của Hội nghị Hòa bình với Nhật Bản. Sở dĩ chúng tôi được hiện diện tại đây là nhờ các tử sĩ của chúng tôi và lòng hy sinh vô bờ bến của dân tộc chúng tôi, một dân tộc đã chịu đựng biết bao đau khổ để được sống còn và giành sự trường tồn cho một nòi giống đã có hơn bốn ngàn năm lịch sử.

Nếu mỗi dân tộc đã thống khổ do sự chiếm đóng của Nhật Bản, có quyền tham dự hội nghị này, như tất cả diễn giả liên tiếp hai ngày nay đã đồng thanh nhìn nhận, mặc dù thuộc ý thức hệ nào đi nữa cũng vậy, thì cái quyền Việt Nam lên tiếng về Hòa ước Hòa bình với Nhật Bản lại càng dĩ nhiên hơn lúc nào hết, vì không ai không biết rằng, trong tất cả các quốc gia Á châu, Việt Nam là một nước chịu nhiều đau khổ nhứt về tài sản cũng như về tính mạng người dân. Và tôi thiếu sót phận sự tối thiểu đối với đồng bào quá vãng nếu giờ phút này, tôi không hướng một ý nghĩ thành kính đến số một triệu dân Việt mà do hoàn cảnh bi thảm của sự chiếm đóng đã đưa đến cái chết đau thương. Những hư hại vật chất mà đất nước chúng tôi gánh chịu không phải là ít, và toàn bộ nền kinh tế của chúng tôi bị ảnh hưởng một cách trầm trọng. Cầu cống và đường sá bị cắt đứt, làng xã bị triệt hạ hoàn toàn, nhà thương và trường học bị thiệt hại, bến tàu và đường sá bị dội bom, tất cả đều phải làm lại, đều cần thiết phải làm lại, nhưng than ôi cần có nguồn tài nguyên quá cao so với khả năng hiện hữu của chúng tôi.

Cho nên, trong lúc khen ngợi sự rộng lượng của những tác giả dự án thỏa hiệp này, chúng tôi cũng trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu hội nghị ghi nhận.

Là những người Á châu, chúng tôi thành thật hân hoan trước những viễn tượng mới mẻ mở rộng ra cho một quốc gia Á Đông sau khi kết thúc thỏa hiệp hòa bình này. Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng góp phần vào sự phục hưng của một dân tộc Á Đông bình dị và cần mẫn như nước Nhật Bản đây. Chúng tôi tin chắc rằng những người dân châu Á phải là những người phát khởi thạnh vượng chung của mình. Họ cũng trông cậy nơi chính mình để xa lánh mọi chế độ đế quốc và trong việc thiết lập một trạng thái quốc tế mới, một sự liên đới Á châu cũng cần thiết như một sự liên đới Âu châu vậy.

Điều này không có ý muốn nói là sẽ có một ngày nào đó hai sự đoàn kết này sẽ chống đối lẫn nhau. Điều này chỉ muốn nói một cách giản dị là các dân tộc châu Á một khi đã được các quốc gia Tây phương hoàn thành việc giúp đỡ họ xây dựng hòa bình, tôi nói rằng một khi mà hòa bình đã vãn hồi, các dân tộc Á châu không thể sẽ là gánh nặng cho kẻ khác, mà trái lại họ phải nhớ nằm lòng, là họ phải tự bảo vệ mạng sống của họ bằng những phương tiện riêng của họ. Điều đó, ít nhất cũng là nguyện vọng của Việt Nam và dù cho có phải chịu nhiều thăng trầm cực nhọc, họ vẫn tự hào là không lúc nào để nhụt chí. Nhưng một dân tộc độc lập phải là một dân tộc tự hào, và cũng bởi sự tự hào, theo chúng tôi, có cái giá, giá đó tuy không thể nào bằng sự tự hào của Nhật Bản, mà chúng tôi tới đây để yêu cầu được chữ ký của 51 quốc gia hội viên của Hội nghị này mà tái lập lại một đời sống quốc gia xứng đáng và tự hào.

Tuy nhiên, nếu dự thảo hiệp ước này đòi hỏi thẳng thắn cái quyền dền bồi lại tất cả những thiệt hại mà chính Nhật Bản hoặc là tác giả, hoặc ngẫu nhiên đã gây ra, những đền bù được dự liệu bằng các cung cấp dịch vụ, trong trường hợp của Việt Nam mà không được đền bồi bằng những nguyên liệu, thì chắc chắn sẽ chẳng có kết quả gì cả. Tất cả mọi thứ Việt Nam, cũng cần như Nhật Bản, một số trợ giúp quan trọng để tái tạo nền kinh tế của mình. Từ đó, nếu nhận những đền bù chánh yếu bằng những cung cấp dịch vụ thì chẳng khác nào như là đi tín nhiệm mọi thứ tiền không thể lưu hành ở xứ mình.

Do vậy, chúng tôi sẽ phải đòi hỏi nghiên cứu lại các phương thức bồi hoàn hữu hiệu hơn và nhất là chúng tôi phải tính, ngoại trừ những phương tiện tạm thời, tới một sự bồi thường chánh thức vào cái ngày mà chúng tôi ước mong là sẽ rất gần, cái ngày mà nền kinh tế của Nhật Bản sẽ được phục hưng để họ có thể đương đầu với tất cả mọi bắt buộc.

Việt Nam rất là hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo dựng hòa bình này.

Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội nhằm dập tắt những mầm mống tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam (…Et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur les îles Spratley et Paracels qui, de tout temps, o­nt fait partie du Viêt-Nam).

Tuyên bố xác nhận chủ quyền của Việt Nam đã được toàn thể cử tọa vỗ tay nồng nhiệt hoan nghênh hồi lâu, không hề gây ra một phản ứng chống đối, yêu sách bảo lưu, hoặc yêu sách nào khác của 50 quốc gia còn lại tham dự Hội nghị.

Ngày 8-9-1951, trừ Ba Lan, Liên Xô và Tiệp Khắc do bất đồng nên không ký, còn lại đại biểu 48 quốc gia đã ký Hiệp ước Hòa bình San Francisco, chánh thức chấm dứt Đệ nhị thế chiến ở Viễn Đông cũng như đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Thủ tướng Nhật Yoshida Shigeru đọc bài phát biểu ‘hòa giải’ tại Nhà hát opera San Francisco, sau đó thay mặt Chánh phủ Nhật Bản ký hiệp ước. Hiệp ước San Francisco bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28-4-1952.

Nội dung Hòa ước, tại Điều 2 (Chương II) có ghi:

a). Nhật Bản, trong khi công nhận nền độc lập của Triều Tiên, từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với Triều Tiên, kể cả các quần đảo Quelpart Port Hamilton và Dagelet.

b). Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với vùng Formosa (Đài Loan) và Pessadores (Bành Hồ).

c). Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Kurile, đảo Skhalin và quần đảo nằm sát nước Nhật Bản, mà ở đó Nhật Bản đã giành được chủ quyền theo Hiệp ước Portsmouth ngày 5-9-1905.

d). Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi liên quan tới chế độ ủy trị của Hội Quốc liên và chấp nhận quyết định ngày 2-4-1947 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gia hạn chế độ ủy trị đối với các đảo Thái Bình Dương trước đây dưới quyền ủy trị của Nhật Bản.

e). Nhật Bản từ bỏ tất cả các đòi hỏi muốn có bất kỳ quyền, hoặc danh nghĩa, hoặc lợi ích nào liên quan tới bất cứ phần nào của vùng Nam Cực, dù đó là các hoạt động của các công dân Nhật Bản hoặc các hình thức khác.

f). Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Điều 2 của Hiệp ước đã tái lập sự toàn vẹn lãnh thổ cho những quốc gia bị quân Nhật chiếm đóng trong Đệ nhị thế chiến. Trong các vùng lãnh thổ mà Nhật phải từ bỏ, chỉ duy nhất có nêu các đảo sẽ trả cho Triều Tiên, trong khi các lãnh thổ còn lại không được nói sẽ trả cho ai. Bởi vì người chủ của các lãnh thổ này đã quá rõ ràng trước khi bị Nhật cưỡng chiếm. Do đó, việc Nhật Bản tuyên bố từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng có nghĩa là Nhật Bản trả lại chủ quyền của hai quần đảo mà nước này chiếm đóng trong giai đoạn 1939-46 cho Việt Nam, đúng theo lời khẳng định chủ quyền của thủ tướng Trần Văn Hữu. Chủ quyền đối với hai quần đảo này do vậy, hiển nhiên thuộc về Việt Nam. Mà trong thực tế, từ trước và sau Hội nghị San Francisco, toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn do lực lượng đồn trú của Quốc gia Việt Nam trấn giữ.

Như vậy, các vùng lãnh thổ mà Tuyên bố Caio 1943, Tuyên ngôn Postdam 1945 xác nhận và Hòa ước San Francisco khẳng định lại, đã không công nhận chủ quyền của bất cứ quốc gia nào khác đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, tuyên bố của Việt Nam tại Hội nghị về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Về phía Trung Cộng, khi thấy bị gạt ra khỏi hội nghị, các nhà lãnh đạo Trung Cộng đã phản ứng bằng cách ra một số bản tuyên bố chánh thức, đồng thời cho đăng các bài báo để lên án Mỹ về việc không mời Trung Cộng tham dự hội nghị để trình bày quan điểm của mình. Một trong những quan điểm này là đòi hỏi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy tuyên bố Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là lãnh thổ của Trung Hoa, nhưng vào lúc này Trung Cộng lại không đưa ra được một chi tiết nào để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Khi nghiên cứu dự thảo hòa ước San Francisco do Anh-Mỹ soạn thảo và được Mỹ gửi cho các quốc gia được mời tham dự hội nghị, Trung Cộng thấy điều hai của dự thảo hòa ước không quy định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản sẽ phải từ bỏ được trao cho quốc gia nào, nên trong bản tuyên bố ngày 15-8-1951, sau khi đề cập tới quan điểm của Trung Cộng về từng vấn đề một, Châu Ân Lai tuyên bố: ‘Dự thảo Hiệp ước quy định là Nhật Bản sẽ từ bỏ mọi quyền đối với đảo Nam Uy (đảo Spratly, đảo Hoàng Sa) và quần đảo Tây Sa (quần đảo Paracel, quần đảo Trường Sa), nhưng lại cố ý không đề cập tới vấn đề tái lập chủ quyền trên hai quần đảo này. Thực ra, cũng như các quần đảo Nam Sa và quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa lúc nào cũng là lãnh thổ của Trung Quốc. Mặc dù những đảo này đã có lúc bị Nhật Bản chiếm đóng một thời gian trong trận chiến tranh xâm lăng do đế quốc Nhật Bản gây ra, sau khi Nhật Bản đầu hàng thì Chánh phủ Trung Hoa đã thâu hồi những hòn đảo nàyChánh phủ Nhân dân Trung ương của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa một lần nữa tuyên bố: Nếu không có sự tham dự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong việc chuẩn bị, soạn thảo và ký một hòa ước với Nhật Bản thì dù nội dung và kết quả một hiệp ước như vậy có như thế nào, Chánh phủ Nhân dân Trung ương cũng coi hòa ước ấy hoàn toàn bất hợp pháp, và vì vậy vô hiệu.’

Như vậy Tuyên bố ngày 15-8-1951 đã đi ngược lại tinh thần tuyên bố ngày 4-12-1950 của chính Châu Ân Lai vì thực chất, Hội nghị San Francisco được tổ chức nhằm ‘hiện thực hóa’ những thỏa thuận được quy định trong Tuyên bố Cairo, Thỏa ước Yalta và Tuyên cáo Potsdam. Sở dĩ Trung Cộng chống lại Hòa ước San Francisco là vì họ không được tham dự, chứ không phải Hòa ước San Francisco có gì sai trái. Thật ra thì tại Hội nghị San Francisco, dù được Liên Xô nỗ lực vận động nhưng chủ quyền ‘đảo Paracel và các hòn đảo xa hơn về phía Nam‘ vẫn không đươc công nhận thuộc chủ quyền Trung Cộng, là trái với ý nguyện của Trung Cộng, nhưng điều này là đúng theo công pháp quốc tế, cho dù Trung Cộng có tham dự Hội nghị San Francisco thì kết quả vẫn không có gì khác.

Nhìn vào Hòa ước San Francisco có thể thấy, tuy không nêu cụ thể, nhưng các vùng lãnh thổ liên quan đến quốc gia nào thì được thể hiện trong cùng một khoản, ví như: các quần đảo Quelpart Port Hmilton và Dagelet liên quan đến Triều Tiên (khoản a); quần đảo Kurile và đảo Sakhalin liên quan đến Nga (khoản c). Trong khi đó, Đài Loan, Bành Hồ (liên quan đến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được sắp xếp ở hai khoản tách biệt nhau (b và f). Điều này, tự nó đã bao hàm ý nghĩa: quốc tế không công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Hoa. Hơn thế nữa, trong phiên họp toàn thể ngày 5-9-1951 Hội nghị đã bác bỏ chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với ‘đảo Hoàng Sa cùng những đảo xa hơn nữa ở phía Nam’.

H18Tuyên bố của thủ tướng Trần Văn Hữu ngày 7-9-1951

11- Hòa ước Nhật Bản – Đài Loan (28-4-1952)

Ngày 28-4-1952, Nhật Bản và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ký hòa ước, trong đó tại Điều 2 nêu rõ: Điều 2: Hai bên nhìn nhận là theo điều 2 Hòa ước với Nhật Bản ký ngày 8-9-1951 tại San Francisco của Hợp chủng quốc Mỹ, Nhật Bản đã từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa hay đòi hỏi liên quan tới Đài Loan (Formose) và Bành Hồ (Pescadores) cũng như quần đảo Spraly và Paracels.

Học giả Lưu Văn Lợi, trong quyển sách ‘Cuộc tranh chấp Việt-Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’ (1995), khẳng định: ‘Như vậy trong chiến tranh thế giới thứ hai cũng như sau đó, các cuộc họp quốc tế quan trọng nhất có nhiệm vụ giải quyết vấn đề lãnh thổ Châu Á bị Nhật Bản đoạt được hoặc chiếm đóng, trong đó có sự tham gia của người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đều không trao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Đương nhiên nó phải trở lại Pháp và Việt Nam, những người chủ đã quản lý nó cho đến khi Nhật chiếm đóng.

Rõ ràng không có cái gọi là ‘sự công nhận quốc tế rộng rãi’. Chính vì Tuyên bố Cairo quá rõ ràng mà trong văn kiện ngày 30-1-1980 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc người ta hoàn toàn không nói gì đến tuyên bố đó, và cũng không có gì để nói về nội dung Hòa ước San Francisco ngoài câu chuyện vô vị ông cựu ngoại trưởng Nhật Bản Otarakicaxuô không xác nhận trong văn bản chính thức quốc tế mà xác nhận trong một tập bản đồ thế giới rằng 4 quần đảo là của Trung Quốc.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra nhiều sách cổ trải dài trên 2000 năm, trong đó có vài cuốn là chính thức, còn là sách địa chí, hàng hải. Cái kết quả đầu tiên họ đạt được là gây một ấn tượng sâu sắc về sự phong phú, đa dạng, nhưng cái kết quả mà họ mong muốn là thuyết phục người đọc lại chưa đạt. Có thể rút mấy nhận xét sau đây:

1- Trong một vụ tranh chấp về đất vô chủ nhiều và rải rộng như hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, việc xác định địa danh và vị trí mỗi đảo bãi là cần thiết, những số tư liệu của Trung Quốc và các kết luận của các tác giả Trung Quốc không cho phép rút một kết luận nào có sức thuyết phục.

2- Tư liệu nói nhiều đến những hiểu biết về biển, về đi biển của nhân dân Trung Quốc, nhưng không cung cấp được những tài liệu chắc chắn, cụ thể về việc Trung Quốc đã phát hiện được hai quần đảo hay một số đảo của hai quần đảo, đặc biệt là không cho biết họ đã chiếm hữu đảo nào, thế nào, lúc nào.

3- Những bằng chứng về việc cai quản các đảo đã đưa ra chủ yếu là liên quan đến Tây Sa, và mấy sự kiện gọi là ‘tuần tra biển’, ‘thực hiện chủ quyền’ là do sự cắt xén, sắp xếp tài liệu do đó không có giá trị. Về Nam Sa chỉ có vài chi tiết lặt vặt.

4- Ba Hội nghị lớn trong và sau chiến tranh thế giới thứ hai (Hội nghị Cairo, Hội nghị Potsdam, Hội nghị San Francisco) đã bác bỏ một cách có hệ thống việc trao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

5- Cuộc ‘thị sát’ của đô đốc Lý Chuẩn năm 1909, việc chiếm Hoàng Sa năm 1956 và 1974 và các đảo bãi trong quần đảo Trường Sa năm 1988, 1992, 1993 chỉ là những hành động dùng vũ lực trong quan hệ với các nước khác, trái với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Liên Hợp quốc Theo luật quốc tế hiện hành, việc chiếm đóng bằng vũ lực như thế là bất hợp pháp và không mang lại thẩm quyển lãnh thổ‘.

12- Việt Nam trấn giữ Hoàng Sa và Trường Sa (1954)

Sau khi người Pháp rời khỏi Việt Nam theo quy định của Hiệp định Genève 1954, quyền kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hoàn toàn thuộc về Quân đội Quốc gia Việt Nam và kế tiếp là Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Về phương diện chiếm hữu thực tế, chính quyền và quân đội Đông Dương và Việt Nam vẫn thường xuyên đóng quân và quản trị hành chánh quần đảo Hoàng Sa theo nghị định số 4762/CP ngày 21-2-1937 và sắc lệnh số 143/NV ngày 20-10-1957. Hải quân Việt Nam vẫn thường xuyên tuần tiễu bảo đảm an ninh lãnh hải. Một đơn vị biệt động quân có mặt thường trực để bảo vệ quần đảo.

13- Philippines tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Spratly (19-5-1956)

Ngày 15-3-1956, một chiếc tàu dân sự Philippines do thuyền trưởng Filemon Cloma chỉ huy, chở Tomas A. Cloma và một số sinh viên đến cắm cờ Philippines tại một số đảo và bãi đó ngầm ở phía đông quần đảo Spratly (Trường Sa).

Ngày 19-5-1956, trong một cuộc họp báo tại Manila, bộ trưởng Ngoại giao Philippines Carlos P. Garcia tuyên bố ‘nhóm đảo phía Đông của quần đảo Spratly (Trường Sa), trong đó có đảo Ligaw (Ba Bình) và đảo Spratly (Trường Sa) ở gần Philippines nên phải thuộc về Philippines‘. Garcia giải thích thêm là: ngoài 7 đảo được quốc tế biết cái tên là quần đảo Spratly (Trường Sa), tất cả các đảo nhỏ linh tinh khác trong quần đảo này đều là đất vô chủ (res nullius).

14- Tomas A. Cloma ‘tuyên bố chủ quyền’ một số đảo tại quần đảo Spratly (21-5-1956)

Năm 1947, một luật sư và doanh nhân người Philippines là Tomás Cloma nhận ra có ‘một số đảo không người ở và không bị chiếm đóng trong biển South China Sea‘. Đang là chủ một đội tàu đánh cá và một trường hàng hải tư, Cloma dự định sẽ thiết lập một nhà máy đóng hộp và khai thác phân chim tại đây.

Ngày 11-5-1956, Cloma cùng 40 người khác bắt đầu đổ bộ một vài đảo nhỏ ở quần đảo Spratly (Trường Sa), cắm cờ Philippines và đặt tên cho cho khu vực bị họ chiếm đóng là Quần đảo Freedomland (trong ngôn ngữ Filipino là Kalayaan).

Ngày 15-5, Cloma ấn hành một văn bản mang tên ‘Thông báo với toàn thế giới’ và dán các bản sao của văn bản này trên từng đảo như ‘một lời tuyên ngôn dứt khoát về quyền sở hữu đối với 33 đảo, bãi cát, bãi san hô và nơi đánh bắt cá với diện tích khoảng 64.976 hải lý vuông‘ trong vùng biển Đông Nam Á.

Ngày 21-5-1956, Cloma gửi ‘bản tuyên bố lần thứ hai’ tới bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines để kể về việc ông đã ‘phát hiện ra một nhóm đảo nằm cách đảo Palawan 400 km về phía Tây’ và vừa đặt tên là Freedomland cho vùng đất mới chiếm được, kèm theo là một ‘bản thông báo về việc thay đổi tên gọi’ của các đảo. Tuy nhiên trong thư này, Cloma cũng nhấn mạnh rằng tuyên bố của họ thuộc về các công dân Philippines chứ không nhân danh chánh phủ bởi các công dân không được quyền làm vậy, đồng thời yêu cầu Chánh phủ Philippines ủng hộ việc này. Theo học giả Chi-Kin Lo, trong quyển ‘China’s policy towards territorial disputes: the case of the South China Sea Islands‘ (1989) thì, trong thư trả lời Cloma vào tháng 12-1956, Chánh phủ Philippines đã không có câu trả lời cụ thể, rõ ràng nào đối với các yêu cầu của Cloma và cũng như không có tuyên bố chủ quyền của mình về khu vực mà Cloma gọi là Kalayaan này.

Ngày 31-5-1956, Cloma tuyên bố thành lập ‘Lãnh thổ Tự do Freedomland’.

Ngày 8-6-1956, Cloma tiếp tục đến các đảo Trường Sa để tiếp tế lương thực và thực phẩm cho 29 người còn đóng trên các đảo từ lần đổ bộ trước. Phó tổng thống Philippines Carlos Polistico García nói rằng hành động của Cloma ‘không có tầm quan trọng về chánh trị‘ và nhắc lại rằng trước đây ông đã cảnh báo Cloma ‘không được làm điều gì có thể gây ra hậu quả về chánh trị‘.

Ngày 19-6, Cloma gửi một bức thư đến Đại sứ quán Trung Hoa Dân Quốc ở Manila; nội dung có đoạn: Xin thông báo với Ngài rằng chuyến thám hiểm lần thứ hai của chúng tôi đã xem xét hầu như toàn bộ các đảo lớn thuộc Freedomland. …Xin chân thành chuyển đến Chánh phủ của Ngài, thưa Ngài, sự thật rằng hành động của chúng tôi không có ý định xúc phạm hoặc thách thức tính chánh trực của người Trung Hoa mà chúng tôi rất đỗi kính mến và tôn trọng. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng Ngài sẽ hiểu rằng cho đến khi câu hỏi về quyền sở hữu được quyết định một cách chánh đáng và thỏa đáng thì chúng tôi buộc phải bảo vệ những quyền lợi của mình dù là đơn độc trong khả năng của một người quản lý hoặc người giám hộ cho tài sản vô chủ.

Ngày 6-7-1956, Cloma tuyên bố ‘với toàn thế giới về việc thành lập chánh phủ riêng cho Lãnh thổ Tự do Freedomland’; đặt thủ phủ tại đảo Patag (Bình Nguyên). Cloma tự xưng là chủ tịch Hội đồng tối cao Nhà nước Freedomland. Cloma còn nêu ra sự khác biệt giữa vùng Freedomland và phần phía tây của quần đảo Spratly (Trường Sa) dù rằng không rõ sự khác biệt đó chánh xác là gì.

Lời tuyên bố của Cloma đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các quốc gia láng giềng như Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Trung Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa.

Căng thẳng càng bị đẩy lên cao hơn khi ngày 7-7-1956, Cloma và một số học viên Học viện Hàng hải Philippines gửi lá cờ, mà họ nói rằng đã dỡ khỏi đảo Ba Bình, đến Đại sứ quán Trung Hoa Dân Quốc tại Manila. Ngày 24-9-1956 (hoặc 20-5 hoặc tháng 7, hoặc tháng 10), Trung Hoa Dân Quốc tái hiện diện tại đảo Ba Bình mà họ rút đi từ năm 1950, đồng thời ngăn chặn tàu thuyền của Cloma xuất hiện trong vùng biển gần đó.

Ngày 1-10-1956, Cloma rời Manila đến Hồng Kông trong hành trình sang New York. Tại đây, ông tìm kiếm sự hỗ trợ của Felix Berto Serrano, đại sứ Philippines tại Liên Hiệp Quốc. Hành trang Cloma mang theo là một cuốn phim tài liệu có nhan đề ‘Vùng đất Tự do’ mà ông dự định sẽ chiếu cho các quan chức Liên Hiệp Quốc xem. Ông khẳng định: ‘Bộ phim tài liệu của chúng tôi sẽ xoá bỏ mọi mối nghi ngờ về tính hợp pháp của những tuyên bố của chúng tôi…’.

Bộ phim này có những cảnh quay về các hoạt động thực tế của ‘chuyến thám hiểm tại Freedomland’ và các cảnh quay một số hòn đảo. Cũng tại Hồng Kông, Cloma cho biết ông có dự định biến Freedomland thành một dự án định cư cho dân tỵ nạn từ Trung Cộng, dân chài từ Nhật Bản,… Tuy nhiên, cuối cùng Cloma đã từ bỏ hy vọng về một sự can dự từ Liên Hiệp Quốc đối với vấn đề của mình.

15- Trung Cộng xâm chiếm đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa (29-5-1956)

Lãnh tụ Trung Cộng Mao Trạch Đông từng khẳng định: Chính quyền được đẻ từ họng súng. Trung Cộng luôn chú ý tăng cường binh lực để có thể tranh chấp lãnh thổ với các lân bang. Với Nhật Bản, Trung Cộng tranh chấp quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku). Với Ấn Độ, Trung Cộng tranh chấp đường biên giới từ đầu thập niên 1960 và đôi bên đã hai lần giao tranh đữ dội (1962). Ấn Độ đòi Trung Cộng tôn trọng đường ranh giới McMahon do Anh Quốc ký với Tây Tạng và Trung Quốc trước kia, nhưng bị Trung Cộng bác bỏ.

Trung Cộng gọi quần đảo Hoàng Sa là Tây Sa quần đảo (西沙群岛), gọi quần đảo Trường Sa là Nam Sa quần đảo (南沙群岛), biện luận rằng các quần đảo này từ lâu là lãnh thổ Trung Hoa nhưng đã bị Nhật xâm chiếm trong Đệ nhị thế chiến và đã được Trung Hoa Dân Quốc thu hồi sau khi Nhật đầu hàng đồng minh. Biện luận này cũng được chính quyền Đài Loan gián tiếp ủng hộ và phụ họa.    

Ý đồ của Trung Cộng thôn tính Hoàng Sa và Trường Sa đã hình thành từ sau khi Trung Cộng chiếm trọn Hoa Lục năm 1949 trong kế hoạch khống chế vùng Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng chỉ bắt đầu công khai thực hiện từ sau hội nghị San Francisco.

Ngày 15-8-1951, bất mãn vì bị Mỹ gạt ra ngoài không mời tham dự Hội nghị San Francisco, thủ tướng Trung Cộng Châu Ân Lai tuyên bố: Chánh phủ nhân dân trung ương Cộng hòa nhân dân Trung Hoa một lần nữa tuyên bố: Nếu không có sự tham dự của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong việc chuẩn bị, soạn thảo và ký một hòa ước với Nhật Bản thì dù nội dung và kết quả của hòa ước đó có thế nào, Chánh phủ nhân dân trung ương cũng coi hòa ước ấy hoàn toàn bất hợp pháp và vì vậy vô hiệu. Trung Cộng theo dõi kỹ diễn biến Hội nghị và có trong tay bản tuyên bố của thủ tướng Trần Văn Hữu khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Quốc gia Việt Nam, nhưng cũng phải mặc nhiên công nhận vì lúc đó Châu Ân Lai không thể đưa ra được bất cứ dẫn chứng nào để thuyết phục dư luận thế giới hòng giành chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 4-1956, Pháp rút quân khỏi Đông Dương kể cả ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lợi dụng tình hình Pháp vừa rút quân, ngày 30-4-1956 Hải quân Trung Cộng đưa 5 tàu chiến ra chiếm giữ đảo Phú Lâm (mà họ gọi là đảo Vĩnh Hưng) thuộc nhóm Bắc Đảo.

Liên tiếp các ngày 2-5 và 8-6, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa tổ chức họp báo quốc tế, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời yêu cầu Trung Cộng phải rút khỏi đảo Phú Lâm.

Ngày 15-6-1956, tức hai tuần sau khi Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bắc Việt Ung Văn Khiêm nói với đại biện lâm thời Bộ Ngoại giao Trung Cộng tại Hà Nội Lý Chí Dân (Li Zhi Min) rằng: ‘Dựa theo dữ liệu mà Việt Nam có thì các quần đảo Tây Sa và Nam Sa trong lịch sử là một phần lãnh thổ Trung Quốc. Việt Nam dân chủ cộng hòa nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa‘. 

Ngày 30-5-1956, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đưa tàu ra tăng cường bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Lực lượng này gồm một tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một hải đội hải quân ra bảo vệ Đài khí tượng Hoàng Sa, trực thuộc Ty Khí tượng Đà Nẵng, đồng thời liên tục tuần tra bảo vệ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngày 22-8-1956, Việt Nam Cộng Hòa tăng cường thêm một tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một hải đội hải quân ra quần đảo Trường Sa.

16- Việt Nam Cộng Hòa trấn đóng thêm 5 đảo ở quần đảo Trường Sa (26-9-1956)

Sau sự kiện Ngày 11-5-1956 (nhóm người của Tomás Cloma đổ bộ và tuyên bố chủ quyền trên nhóm đảo gọi là ‘Nhóm đảo Kalayaan’), tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ thị cho Bộ Ngoại giao thực hiện ‘chiến dịch’ phản đối sự kiện này và khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam trên toàn bộ quần đảo Trường Sa.

Ngày 1-6-1956, bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa Vũ Văn Mẫu sang Manila, tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa.

Ngày 2-6, Bộ Ngoại giao Pháp cũng gửi công hàm cho Philippines, nhắc lại là Pháp đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa từ năm 1933, và nay đã chuyển giao toàn bộ chủ quyền đó cho Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam không hề tuyên bố từ bỏ đảo nào nên Philippines không thể chiếm đảo với tư cách đảo vô chủ hay bị từ bỏ.

Ngày 8-6-1956, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu tổ chức cuộc họp có đại diện tất các sứ thần ngoại quốc tại Sài Gòn và các phóng viên báo chí, để tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời yêu cầu Trung Cộng rút khỏi đảo Phú Lâm và bác bỏ yêu sách của Philippines đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 22-8-1956, tàu HQ-04 Tụy Động của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tuần tra và đổ bộ lên các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, thượng cờ và dựng bia ghi chủ quyền. Một tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một hải đội hải quân cũng được tăng cường bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Ngày 26-9-1956, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đưa tàu chiến đổ bộ trấn đóng và lập bia chủ quyền tại 5 đảo ở phía bắc và phía đông bắc quần đảo Trường Sa là: Vĩnh Viễn, Bình Nguyên, Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông. Riêng đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa đã bị quân đội Đài Loan chiếm ngày 24-9-1956.

17- Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy (22-10-1956)

Ngày 22-10-1956, tổng thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 143-NV, đổi tên các tỉnh thành Việt Nam Cộng Hòa; trong đó ghi rõ quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy.

18- Trung Cộng công bố bản Tuyên ngôn lãnh hải bốn điểm (4-9-1958)

Ngày 4-9-1958, thủ tướng Trung Cộng Châu Ân Lai ký nghị định công bố bản Tuyên ngôn lãnh hải bốn điểm, trong đó quy định lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý, và chủ quyền Trung Cộng bao gồm các đảo Đài Loan, Trung Sa (tức Macclesfield), các quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa hay Paracels), Nam Sa (tức Trường Sa hay Spatley), Bành Hồ (Pescadores)… Nội dung bản tuyên bố bằng Hán văn như sau:

H19

Dịch ra Anh-ngữ:

Declaration of The Government of The Peoples’s Republic of China o­n the territorial sea

(Approved by the 100th Session of the Standing Committee of the National People’s Congress o­n 4th September, 1958)

The People’s Republic of China hereby announces:

(1) This width of the territorial sea of the People’s Republic of China is twelve national miles. This provision applies to all Territories of the People’s Republic of China, including the mainland China and offshore islands, Taiwan (separated from the mainland and offshore islands by high seas) and its surrounding islands, the Penghu Archipelago, the Dongsha Islands, the Xisha islands, the Zhongsha Islands, the Nansha Islands and other islands belonging to China.

(2) The straight lines linking each basic point at the mainland’s coasts and offshore outlying islands are regarded as base lines of the territorial sea of the mainland China and offshore islands. The waters extending twelve nautical miles away from the base lines are China’s territorial sea. The waters inside the base lines, including Bohai Bay and Giongzhou Strait, are China’s inland sea. The islands inside the base lines, including Dongyin Island, Gaodeng Island, Mazu Inland, Baiquan Island, Niaoqin Island, Big and Small Jinmen Islands, Dadam Island, Erdan Island and Dongding Island, are China’s inland sea islands.

(3) Without the permit of the government of the People’s Republic of China, all foreign aircrafts and military vessels shall not be allowed to enter China’s territorial sea and the sky above the territorial sea.

Any foreign vessel sailing in China’s territorial sea must comply with the relevant orders of the government of the People’s Republic of China.

(4) The above provisions (2) and (3) also apply to Taiwan and its surrounding islands, the Penghu Islands, the Dongsha Islands, the Xisha Islands, the Zhongsha Islands, the Nansha Islands and other islands belonging to China.

Taiwan and Penghu are still occupied with force by the USA. This is an illegality violating the People’s Republic of China’s territorial integrity and sovereignty. Taiwan and Penghu are waiting for recapture. The People’s Republic of China has rights to take all appropriate measures to recapture these places in due course. It is China’s internal affairs which should not be interfered by any foreign country.

Dịch ra Việt-ngữ

Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải

(Ðã được thông qua tại kỳ họp thứ 100 của Ban Thường trực Quốc hội nhân dân ngày 4-9-1958)

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nay tuyên bố:

(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bột Hải và eo biển Quỳnh Châu, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Đông Dẫn (東引), đảo Cao Đăng (高登), đảo Mã Tổ (馬祖), đảo Bạch Khuyển (白犬), đảo Ô Khâu (烏坵島), đảo Ðại và Tiểu Kim Môn (金門), đảo Đại Đảm (大膽), đảo Nhị Đảm (二膽), và đảo Đông Đĩnh (東碇), là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.

(3) Nếu không có sự cho phép của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tất cả máy bay ngoại quốc và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

Ðài Loan và Bành Hồ hiện còn bị nước Mỹ cưỡng chiếm. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan và Bành Hồ đang chờ được chiếm lại. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoại quốc không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

19- Công hàm của thủ tướng Việt Cộng (14-9-1958)

Ngày 22-9-1958, báo Nhân Dân đăng công hàm của thủ tướng Việt Nam dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi thủ tướng Trung Cộng Châu Ân Lai ngày 14-9-1958, ghi nhận và tán thành Bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chánh phủ Trung Cộng về hải phận.

H20

20- Trung Cộng chiếm bất thành 3 đảo ở Hoàng Sa (20-2-1959)

Đêm 20 rạng 21-2-1959, một số ‘ngư dân có võ trang’ Trung Cộng đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng và Quang Hòa của quần đảo Hoàng Sa, nhưng bị quân Việt Nam Cộng Hòa chặn đánh, bắt giữ 82 người và 5 thuyền đánh cá ‘có võ trang’.

21- Trung Cộng thành lập cơ quan quản trị Tây Sa và Nam Sa (1959-88)

Học giả Tô Độc Sử, thuộc Sở Nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc, trong Quý san Trung Quốc biên cương sử địa nghiên cứu (1-1992, Trung Quốc Xã hội Khoa học Viện, ISSN 1002 – 6800), viết: Năm 1959 thiết lập Tây, Nam, Trung Sa quần đảo biện sự xứ, thuộc sự quản lý của khu hành chánh Hải Nam. Đến năm 1969, cơ quan này đổi tên là Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa quần đảo cách mạng ủy viên hội, trực thuộc tỉnh Quảng Đông. Đến năm 1988, khi thành lập tỉnh Hải Nam, hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc sự quản lý của tỉnh này.

22- Quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam (13-7-1961)

Ngày 13-7-1961, tổng thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 174/NV, đặt quần đảo Hoàng Sa thành xã Định Hải, thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Trong thời kỳ 1961-62, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục tuần tra, trấn đóng và xây dựng lại bia chủ quyền trên nhiều đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 1961, tàu HQ-02 Vạn Kiếp và HQ-06 Vân Đồn thăm và tiếp tế lực lượng đồn trú trên các đảo Song Tử Tây, Thị Tứ, Loại Ta, An Bang. Năm 1962, tàu Tụy Động và HQ-05 Tây Kết thăm và tiếp tế tại các đảo Trường Sa, Nam Ai (tức Nam Yết).

H21

H22Sắc lệnh số 174/NV ngày 13-7-1961 của tổng thống Ngô Đình Diệm

23- Philippines ban hành luật về lãnh hải (17-6-1961)

Ngày 17-6-1961, tổng thống Philippines Carlos P. Garcia ban hành Đạo luật Cộng hòa số 3064, xác định đường cơ sở lãnh hải của nước này.

Theo học giả Võ Xuân Vinh trong bài ‘ Quá trình yêu sách chủ quyền của Philippine đối với quần đảo Trường Sa và cơ sở pháp lý‘ đăng trên trang ‘nghiencuubiendong.vn’ (2011), thì: Điều 1 của Đạo luật xác định 64 đường cơ sở lãnh hải của Philippines nhưng chiếu theo tọa độ địa lý, góc phương vị và độ dài của các đường cơ sở này thì quần đảo Trường Sa không nằm trong các đường lãnh hải của Philippines.

24- Việt Nam Cộng Hòa dựng lại bia chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (tháng 5-1963)

Năm 1963, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục tuần tra, trấn đóng và xây dựng lại bia chủ quyền trên nhiều đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Bạch thư năm 1975 về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa nêu rõ: Ba tàu gồm HQ-404 Hương Giang, HQ-01 Chi Lăng và HQ-09 Kỳ Hòa đã xây dựng lại bia chủ quyền trên đảo Trường Sa (19-5-1963), đảo An Bang (20-5), các đảo Thị Tứ và Loại Ta (22-5), các đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây (24-5).

H23Bia chủ quyền Việt Nam trên đảo Song Tử Đông

H24Bia chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa trên đảo Trường Sa (chụp năm 1963)

25- Trung Cộng liên tục xâm phạm hải phận Hoàng Sa và Trường Sa (1964-70)

Từ năm 1964 đến 1970, Hải đội Hải quân và Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng Hòa chạm súng liên tục với Hải quân Trung Cộng trên hải phận Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng không có thương vong. Trung Cộng cũng e ngại Mỹ đang ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa và đang đặt hai trạm liên lạc của Hạm đội 7 tại đảo Hoàng Sa và đảo Trường Sa, nên chưa dám có hành động đi quá xa. Việt Nam Cộng Hòa cũng thiết lập một sân bay nhỏ tại đảo Hoàng Sa.

Ngày 24-4-1965, tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson ký lệnh ấn định toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và các vùng kế cận rộng khoảng 100 hải lý từ bờ biển Việt Nam trở ra là khu vực chiến đấu của Quân lực Mỹ.

Ngày 9-5-1965, Chính phủ Bắc Việt ra tuyên bố phản đối việc quy định đó, trong đó có câu ‘xâm phạm vùng biển Tây Sa của Trung Quốc’.

Năm 1969, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa quy định quần đảo Hoàng Sa không còn là xã Định Hải, để nhập vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

H25Đảo Hoàng Sa năm 1968 nhìn từ trên không, với các công trình quân sự và dân sự của Việt Nam Cộng Hòa.

26- Philippines chiếm 5 đảo ở quần đảo Spratly (tháng 5-1968)

Tuy không công khai ủng hộ các đề xuất chủ quyền ‘Lãnh thổ Tự do Freedomland’ của Tomás Cloma, nhưng từ năm 1968, chính quyền Philippines bắt đầu cho quân đội ra chiếm các đảo ‘Freedomland’ (theo ngôn ngữ Filipino là Kalayaan), bắt đầu công khai hiện diện quân sự trên quần đảo Spratly (Trường Sa).

Tháng 5-1968, lợi dụng tình hình Việt Nam Cộng Hòa đang tập trung đối phó sau ‘sự biến Việt Cộng tấn công Tết Mậu Thân’, Philippines đã cho quân đổ bộ lên 5 đảo ở phía bắc và phía đông bắc quần đảo Spratly (Trường Sa) là: Vĩnh Viễn, Bình Nguyên, Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông mà họ gọi là: Lawak, Patag, Kota, Pagasa và Parola. Năm đảo này được Philippines xếp vào một nhóm đảo gọi là Nhóm đảo Kalayaan.

27- Việt Nam Cộng Hòa chiếm lại 6 đảo ở quần đảo Trường Sa (3-9-1968)

Ngày 3-9-1968, trong một chiến dịch đổ bộ chớp nhoáng giữa trời mưa bão, Hải quân và Thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng Hòa mở cuộc hành quân Lôi Phong 8, dùng tàu chiến và ca nô đổ bộ chiếm lại 6 đảo ở phía bắc và phía đông bắc quần đảo Trường Sa là: Ba Bình, Vĩnh Viễn, Bình Nguyên, Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông. Trừ đảo Ba Bình trước đó do Đài Loan chiếm đóng, 5 đảo còn lại do Philippines chiếm đóng.

28- Philippines sửa đổi luật về lãnh hải (18-9-1968)

Ngày 18-9-1968, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ban hành Đạo luật Cộng hòa số 5446, quy định sửa đổi Điều 1 của Đạo luật 3064 (17-6-1961), nhưng về cơ bản vẫn không có những điều chỉnh lớn về tọa độ địa lý của 64 đường cơ sở.

29- Trung Cộng liên tục xâm phạm hải phận Hoàng Sa và Trường Sa (1970-72)

Năm 1970, Mỹ và Nhật Bản ký hiệp ước trao trả cho Nhật khu vực Okinawa và quần đảo Sento Shosho (hay Senkaru Retto), trong khi Đài Loan và Trung Cộng cùng lên tiếng phản đối, và cho rằng Sento Shosho chính là quần đảo Điếu Ngư thuộc chủ quyền Trung Hoa.

Cũng trong năm đó, đô đốc Elmo Zumwalt (cựu tham mưu trưởng Hải quân Mỹ) tuyên bố tại đảo Guam rằng quần đảo Paracel (Hoàng Sa) và quần đảo Spratly (Trường Sa) không còn nằm trong chiến lược triển khai các hải đảo tiền đồn của Hạm đội 7. Từ đó, các hoạt động gây hấn của Trung Cộng trên hải phận Hoàng Sa và Trường Sa ngày một gia tăng.

30- Công hàm của Malaysia hỏi về quần đảo Trường Sa (3-2-1971)

Ngày 3-2-1971, Đại sứ quán Malaysia tại Sài Gòn gửi công hàm số EJ7-71, để hỏi Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa rằng, các đảo nằm trong lãnh thổ của nước gọi là Cộng hòa Morac – Songhrati – Meads, nằm giữa vĩ tuyến 9Bắc và kinh tuyến 112Tây có thuộc hay là đối tượng yêu sách của Việt Nam Cộng Hòa không?

Ngày 20-4-1971 trong công hàm trả lời, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa đã khẳng định rằng đảo Trường Sa nằm trong vùng biển có tọa độ được hỏi thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

31- Philippines lại chiếm 5 đảo ở quần đảo Spratly (7-7-1971)

Lợi dụng cơ hội Việt Nam Cộng Hòa đang tập trung vào nhiệm vụ chống cộng cứu nước, từ ngày 7 đến 9-7-1971, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ra lệnh cho Hải quân đổ bộ lên 5 đảo ở phía bắc và phía đông bắc quần đảo Spratly (Trường Sa) là: Vĩnh Viễn, Bình Nguyên, Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông mà họ gọi là: Lawak, Patag, Kota, Pagasa và Parola. Năm đảo này được Philippines xếp vào một nhóm đảo gọi là Nhóm đảo Kalayaan.

32- Đài Loan chiếm đảo Ba Bình (9-7-1971)

Ngày 10-7-1971, trong một cuộc họp báo tại Manila, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã tố cáo vào ngày 9-7, quân đội Đài Loan xâm chiếm đảo Ligaw, và nổ súng vào tàu của Philippines đến gần đảo, đồng thời đòi Đài Loan rút quân khỏi đảo Ligaw. Ligaw là tên gọi theo Filipino của đảo mà Việt Nam gọi là Ba Bình, theo Anh ngữ là Itu Aba, Trung Cộng và Đài Loan gọi là 太平島, Tai Ping Dao, Thái Bình Đảo).

Cũng trong cuộc họp báo, tổng thống Marcos chánh thức tuyên bố chủ quyền đối với các đảo Kalayaan trên quần đảo Spratly (Trường Sa), với lý do là ‘tuyên bố chủ quyền của các nước khác đã mất hiệu lực do đã bị từ bỏ‘.

33- Philippines yêu sách chủ quyền quần đảo Spratly (10-7-1971)

Ngày 10-7-1971, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tuyên bố chủ quyền đối với một phần của quần đảo Spratly (Trường Sa). Tuyên bố ra đời với ba lý do: thứ nhất, do sự gần kề của đảo Ba Bình, sự hiện diện của các đạo quân Đài Loan ở đảo này đe dọa lợi ích quốc gia của Philippines; thứ hai, Chánh phủ Philippines tái khẳng định rằng quần đảo Spratly đã được thừa nhận là thuộc sự ủy trị thực tế của Đồng minh (Allied Powers); và thứ ba, khẳng định 53 đảo thuộc Freedomland do công dân Philippines là Cloma phát hiện và chúng được coi là vô chủ. Tuyên bố của tổng thống Marcos nhấn mạnh thêm rằng Chánh phủ Philippines đã thực sự ‘chiếm đóng và kiểm soát thực tế’ đối với các đảo này, trong đó bao gồm các đảo được cho là đã được nước này đã chiếm đóng vào năm 1968 như đảo Pagasa (Thị Tứ, hay Thitu Island), đảo Lawak (Vĩnh Viễn, hay Nanshan Island) và đảo Patag (Bình Nguyên, hay Flat Island).

Ngày 13-7-1971, tại Hội nghị ASPAC, bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Lắm tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 16-7-1971, Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn quốc gia của Trung Cộng, lên tiếng phản đối việc Philippines vừa chiếm đóng một số đảo của quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và khẳng định các yêu sách của Trung Cộng đối với quần đảo này.

34- Trung Cộng liên tục xâm phạm hải phận Hoàng Sa và Trường Sa (1972-74)

Từ năm 1972, vì nhu cầu chiến sự căng thẳng trên đất liền, Tiểu đoàn thủy quân lục chiến phòng thủ quần đảo Hoàng Sa bị rút dần quân số, rồi đến cuối năm 1973 chỉ còn một trung đội địa phương quân trấn giữ nhóm đảo Nguyệt Thiềm.

Cùng lúc đó, để thi hành Hiệp định Paris 1973, Hạm đội 7 Mỹ cũng rút hết quân và thiết bị ra khỏi Hoàng Sa và Trường Sa, giao hẳn việc phòng thủ cho Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tự chịu trách nhiệm.

Thấy thời cơ thuận lợi, Hải quân Trung Cộng quyết định đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Từ cuối năm 1973, Trung Cộng tăng cường cho tàu xâm phạm hải phận khu vực để khiêu khích. Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa quyết định mở rộng phi trường trên đảo Hoàng Sa để có khả năng đáp vận tải cơ hạng nặng C7 Caribou có thể vận chuyển quân nhanh chóng ra nhóm Nguyệt Thiềm khi cần.

Từ năm 1973, Trung Cộng bắt đầu công khai ‘có hành vi xấu’ với Bắc Việt, cho quân lấn chiếm nhiều vùng đất ở các tỉnh biên giới Bắc Việt. Ngày 26-12-1973, Bắc Việt đề nghị mở cuộc đàm phán để xác định chánh thức đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ. Ngày 18-1-1974, Trung Cộng trả lời chấp thuận đề nghị đó, và đòi Bắc Việt không được tiến hành việc khoan thăm dò trong một khu vực rộng 20.000 cây số vuông trong vịnh Bắc Bộ do phía Trung Cộng ấn định. Trung Cộng đòi Bắc Việt ‘không để một nước thứ ba nào vào thăm dò vịnh Bắc Bộ vì việc đưa nước thứ ba vào thăm dò không có lợi cho sự phát triển kinh tế chung của hai nước và an ninh quân sự của hai nước’. Cuộc đàm phán về đường biên giới giữa Bắc Việt và Trung Cộng trong vịnh Bắc Bộ từ tháng 8 đến tháng 11-1974 đã không đi đến kết quả nào.

35- Philippines quản lý hành chánh với các đảo Kalayaan (tháng 4-1972)

Tháng 4-1972, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ra sắc lệnh sáp nhập các đảo Kalayaan vào tỉnh Palawan đồng thời quản lý chúng như một ‘poblácion’ (tương đương một ‘barangay’, tức một xã) với Tomás Cloma là chủ tịch hội đồng khu vực.

Ngày 23-9-1972, tổng thống Ferdinand Marcos ban bố tình trạng thiết quân luật tại Philippines, để thiết lập ‘quyền cai trị tập trung thống nhất’ trong toàn quốc.

Nắm được việc nhiều người gọi Cloma là ‘đô đốc’, Marcos tống giam Cloma vào Trại Crame vì tội ‘mạo danh sĩ quan quân đội’. Nhờ vậy, chính quyền Marcos đã buộc được Cloma ký vào một văn bản gọi là ‘Chứng thư chuyển nhượng và từ bỏ mọi quyền’ vào ngày 4-12-1974, đổi lại Cloma được trả tự do và không bị truy tố vì tội mạo xưng danh hiệu đô đốc. Theo văn bản này, Tomás Cloma và các đồng sự chấp nhận chuyển giao ‘mọi quyền và lợi ích mà họ giành được’ đối với Freedomland dựa trên cơ sở ‘khám phá và chiếm giữ’ và ‘thăm dò, phát triển, khai thác và sử dụng’ với giá chuyển nhượng mang tính tượng trưng là 1 peso.

36- Quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy (6-9-1973)

Ngày 6-9-1973, thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa Trần Thiện Khiêm ký nghị định số 420-BNV/HCDP/26 công nhận tờ trình của tổng trưởng Bộ Nội vụ Lê Công Chất, sáp nhập đảo Trường Sa, một số đảo chánh và các đảo phụ cận của quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

H26Nghị định số 420-BNV/HCDP/26 ngày 6-9-1973 của thủ tướng Trần Thiện Khiêm

H27Bia chủ quyền Việt Nam 1938 trên quần đảo Hoàng Sa (chụp năm 1973)

H28Trụ sở hành chánh của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trên quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974.

H29Ông Nguyễn Giao, nhân viên của Nha Khí tượng Việt Nam Cộng Hòa đang thu thập thông tin về nhiệt độ và độ ẩm tại Hoàng Sa trước 1974.

H30Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại bên đơn vị quân trú phòng trên đảo Hoàng Sa

37- Trung Cộng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa (19-1-1974)

Ngày 11-1-1974, Trung Cộng tuyên bố ‘phản kháng chính quyền Sài Gòn sáp nhập quần đảo Nam Sa (Trường Sa) vào xã Phước Hải, tỉnh Phước Tuy’.

Ngày 11-1-1974, lãnh đạo Trung Cộng huy động 11 chiến đỉnh bắt đầu kế hoạch tấn công chiếm quần đảo Hoàng Sa đang do Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ. Ngày 19-1-1974, tức là một ngày sau khi Trung Cộng nhận đàm phán với Bắc Việt về vịnh Bắc Bộ thì Trung Cộng sử dụng lực lượng hải quân và không quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Hành động này được sự đồng tình của Bắc Việt.

Đại diện Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hiệp Quốc đã gửi công hàm thông báo hành động xâm lược của quân Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho chủ tịch Hội đồng Bảo an và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng thông báo tình hình ở quần đảo Trường Sa cho các bên ký kết Định ước Paris và các nước khác trên thế giới.

Ngày 2-1-1974, phó trưởng đoàn đại biểu Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra tuyên bố 3 điểm nhân việc Trung Quốc đánh chiếm phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa.

38- Việt Nam Cộng Hòa chiếm lại 6 đảo ở quần đảo Trường Sa (1-2-1974)

Ngày 18-1-1974, Bộ Ngoại giao Đài Loan gửi công hàm cho Việt Nam Cộng Hòa, đòi chủ quyền đối với 4 quần đảo mà họ gọi là Đông Sa, Trung Sa, Tây Sa, Nam Sa trong Biển Đông Nam Á. Ngày 29-1, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa trả lời, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 1-2-1974, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa mở Chiến dịch Trần Hưng Đạo 48, đưa lực lượng tăng cường kiểm soát và bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Ngày 5-2-1974, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Philippines phản đối Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 1-2-1974 đã đưa quân ra chiếm đóng 5 đảo ở phía bắc và phía đông bắc quần đảo Trường Sa là: Vĩnh Viễn, Bình Nguyên, Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông, mà họ gọi là: Lawak, Patag, Kota, Pagasa và Parola. Năm đảo này được Philippines xếp vào một nhóm đảo gọi là Nhóm đảo Kalayaan. Ngoài ra trong cuộc hành quân này, quân Việt Nam Cộng Hòa cũng chiếm lại đảo Ba Bình, trước đây do Đài Loan chiếm đóng.

Cùng ngày đó, từ Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Cộng cho hành động đó là khiêu khích đối với họ. Tại Đài Bắc, chính quyền Đài Loan cũng phản đối việc Việt Nam chiếm đảo Thái Bình (Ba Bình).

Ngày 7-2-1974, đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Manila đã hội kiến tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, trong đó có các đảo vừa được giải phóng.

39- Việt Nam Cộng Hòa tăng cường bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (1974-75)

Ngày 14-2-1974, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa công bố Bạch thư về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, trong đó ra tuyên cáo nêu rõ:

Nhiệm vụ cao cả và cần thiết của một chánh phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết thi hành nhiệm vụ này, bất kể những khó khăn có thể sẽ gặp phải và bất kể những cáo buộc vô căn cứ có thể sẽ đến bất cứ từ đâu.

Trước sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Cộng bằng quân sự trên Quần đảo Hoàng Sa, nguyên là một phần đất thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa xét thấy cần thiết phải long trọng tuyên bố trước công luận thế giới, bạn cũng như thù, rằng:

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần lãnh thổ bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy.

Chừng  nào mà bất cứ một hòn đảo nào của phần lãnh thổ đó của Việt Nam Cộng Hòa vẫn bị một nước khác chiếm đóng bằng bạo lực, thì Chánh phủ và toàn dân Việt Nam Cộng Hòa sẽ tiếp tục tranh đấu để lấy lại quyền lợi hợp pháp của mình.

Kẻ chiếm đóng bất hợp pháp sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về bất cứ tình trạng căng thẳng nào bắt nguồn từ đó.

Nhân cơ hội này, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên các hải đảo ngoài khơi miền Trung và Nam phần Việt Nam, đã luôn luôn được chấp nhận như một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa trên căn bản không thể chối cãi được về địa lý, lịch sử, chứng cứ  hợp pháp và bởi vì những điều thực tế.

Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những quần đảo này bằng tất cả mọi phương tiện. Ðể gìn giữ truyền thống tôn trọng hoà bình, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng giải quyết, bằng sự thương lượng, về các tranh chấp quốc tế có thể bắt nguồn từ các quần đảo đó, nhưng điều đó không có nghĩa là Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sẽ từ bỏ chủ quyền của mình trên bất cứ phần lãnh thổ nào của quốc gia.

Đính kèm bản tuyên cáo là ba bản phụ lục: 1- Hoàng Sa là một phần lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa; 2- Chủ quyền Hoàng Sa và các khía cạnh lịch sử, pháp lý và thực tế; 3- Hải quân Việt Nam anh dũng chống quân xâm lăng Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa. (Nguồn: Paracels Forum – The Discussion Proceeds For Peace).

Đầu năm 1974, một thời gian ngắn sau khi Trung Cộng đánh chiếm nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quyết định tăng cường lực lượng tại quần đảo Trường Sa và chỉ thị quân đội tiến hành Chiến dịch Trần Hưng Đạo 48 nhằm chiếm đóng, tuần tra bảo vệ tất cả các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa.

Liên tiếp trong các tháng 2 và tháng 3-1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa và Đại sứ quán Việt Nam tại tất cả các nước liên tục tái khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bằng nhiều biện pháp, nhất là thông qua đại sứ ở Manila, qua hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Luật biển ở Caracas và hội nghị của Hội đồng Kinh tài Viễn Đông ở Colombia.

Ngày 30-3-1974, đại biểu Việt Nam Cộng Hòa khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội đồng Kinh tế Viễn Đông họp ở Colombo.

Ngày 2-7-1974, đại biểu Việt Nam Cộng Hòa tại Hội nghị Luật biển, họp tại Caracas, tố cáo Trung Cộng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.

40- Việt Cộng tiếp nối duy trì chủ quyền liên tục của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa (tháng 4-1975)

Từ giữa tháng 4-1975, tương ứng với tình trạng liên tiếp thua trận và tan rã của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trên đất liền, các đơn vị trấn đóng Việt Nam trên quần đảo Trường Sa cũng di tản đến các tàu Hạm đội 7 của Mỹ và sang các nước lân cận.

Từ ngày 13 đến 28-4-1975, các tàu Hải quân Việt Cộng ra trấn đóng trên 6 đảo là An Bang, Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, tuần tra trên vùng biển quần đảo Trường Sa, tiếp tục quá trình kế thừa chủ quyền liên tục của Việt Nam tại quần đảo này.

H31Tình hình các nước kiểm soát quần đảo Spratly cho đến tháng 4-1975

V – SỰ TẠO LẬP, DUY TRÌ VÀ TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CƯƠNG VỰC TRÊN BIỂN ĐÔNG NAM Á TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY

1- Việt Cộng tiếp nối duy trì chủ quyền liên tục của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa (tháng 4-1975)

Từ ngày 14 đến 28-4-1975, các tàu hải quân Việt Cộng đã hoàn toàn thay thế lực lượng Việt Nam Cộng Hòa trên năm đảo là Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa, đồng thời liên tục tuần tra kiểm soát trên vùng biển quần đảo Trường Sa, tiếp tục quá trình kế thừa chủ quyền liên tục của Việt Nam tại quần đảo này.

2- Philippines và Đài Loan lại chiếm 6 đảo ở quần đảo Spratly (tháng 4-1975)

Tháng 4-1975, lợi dụng tình trạng quân đội Việt Nam Cộng Hòa liên tiếp thua trận và tan rã, Philippines cho quân chiếm đóng 5 đảo ở phía bắc và phía đông bắc quần đảo Spratly (Trường Sa) là: Vĩnh Viễn, Bình Nguyên, Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông mà họ gọi là: Lawak, Patag, Kota, Pagasa và Parola. Năm đảo này được Philippines xếp vào một nhóm đảo gọi là Nhóm đảo Kalayaan.

Cùng lúc đó, tàu chiến Đài Loan cũng chiếm đảo Ba Bình, mà họ gọi là Thái Bình Đảo.

3- Cuộc khủng hoảng Mayaguez (tháng 4-1975)

Ngày 12-4-1975, các tàu hải quân Khmer Đỏ hoạt động trong vùng lãnh hải Kampuchea, đã cho người nhái tấn công bắt giữ chiếc tàu S.S. Mayaguez, gây ra một cuộc khủng hoảng chánh trị và quân sự. Đây là chiếc tàu buôn cuối cùng của Mỹ vừa rời khỏi Việt Nam, đang thả neo ngoài khơi đảo Koh Tang và đảo Trọc (Poulo Wai) trong vùng vịnh Phú Quốc để mua thực phẩm. Viên thuyền trưởng đánh điện về nước cầu cứu. Chánh phủ và dư luận Mỹ phản đối dữ dội.

Tổng thống Henry Ford ra lệnh cho không quân và thủy quân lục chiến ở căn cứ Utapao (Thái Lan) xuất kích để giải thoát tàu. Quân Mỹ đổ bộ lên đảo Trọc sáng sớm ngày 15-4-1975, nhưng Khmer Đỏ đã kịp bắt thủy thủ đoàn 37 người phải chạy tàu Mayaguez về giam tại hải cảng Kompong Som (Sihanouk ville) từ trước đó.

Khi quân Mỹ kéo sang đảo Koh Tang truy tìm thì giao tranh ác liệt xảy ra. Khmer Đỏ chết nhiều quân nhưng phía Mỹ cũng bị bắn rớt hai trực thăng và toàn bộ lực lượng thủy quân lục chiến bị bao vây trên đảo. Tổng thống Ford ra lệnh cho không quân từ Utapao xuất kích ném bom thủ đô Phnom Penh và cảng Kompong Som, phá hủy hầu hết số máy bay MiG của Trung Cộng mới viện trợ, đồng thời làm cháy nhà máy lọc dầu duy nhất của Kampuchea tại Kompong Som. Lãnh tụ Saloth Sar (Pon Pot) sợ chiến tranh lan rộng nên cử đặc sứ gấp rút sang Thái Lan, nhờ đại sứ Trung Cộng bố trí gặp đại sứ Mỹ, đổ thừa cho địa phương lầm lỗi vì ‘phương tiện truyền tin eo hẹp nên không có sự thông suốt giữa trung ương và địa phương’, rồi ra lệnh thả chiếc tàu Mỹ. Thủy quân lục chiến Mỹ cũng rút khỏi đảo Koh Tang, sau khi thiệt mạng 15 binh sĩ và mất hai trực thăng.

Sau sự cố này, Saloth Sar chánh thức đổi tên thành Pol Pot (có nghĩa là ‘political potential – anh tài chánh trị’, và ít công khai lộ diện trong một thời gian.

4- Việt Cộng tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa (1-5-1975)

Ngày 1-5-1975 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục Việt Cộng ban hành một bản đồ mới của nước Việt Nam thống nhất, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 5-5-1975, Việt Cộng đưa quân ra tiếp quản tất cả các đảo nổi còn lại trên quần đảo Trường Sa.

Ngày 11-11-1975, Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Cộng, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

5- Tranh chấp các đảo Phú Quốc, Thổ Châu (tỉnh Kiên Giang, tháng 5-1975)

Năm 1939, toàn quyền Đông Dương Jules Brevié cho vẽ lại bản đồ các xứ Việt – Miên – Lào, để phân rõ ranh giới hành chánh và tư pháp các địa phương, trong đó có ranh giới các đảo, lãnh hải và biên giới trong nội khối Đông Dương và với các lân quốc trong vùng. Bản đồ ranh giới này được gọi là Đường ranh giới Brevié, cho đến sau này vẫn được quốc tế và các nước trong vùng thừa nhận. Theo đó, ranh giới trên biển từ điểm giáp ranh bờ biển hai nước Việt Nam – Cambodia tại Hà Tiên và Krong Keb, nhìn ra vịnh Siam, vẽ theo góc 140 độ. Đảo Phú Quốc tuy nằm sâu trong lãnh hải Cambodia 1,5 dặm nhưng vẫn thuộc lãnh thổ Nam Kỳ. Để tránh sự tranh chấp về sau, bản đồ Brevié ghi chú rõ: Về vấn đề lãnh thổ, các đảo này giữ vị trí đặc biệt. Tuy nhiên quốc vương Sihanouk của Cambodia không hài lòng khi thấy quần đảo Phú Quốc của Việt Nam lọt thỏm vào giữa làm méo mó vùng lãnh hải Cambodia. Vì thế từ năm 1949, Cambodia lên tiếng đòi yêu sách lãnh thổ Nam Phần Việt Nam và sau đó nhiều lần cho quân gây hấn biên giới với Việt Nam Cộng Hòa, tấn công ngư dân các đảo Việt trên vịnh Thái Lan. Đáp lại, phía Việt Nam Cộng Hòa cũng đòi vẽ lại đường ranh giới trên biển, trong đó quần đảo Phú Quốc cũng có lãnh hải và nếu thế thì vùng lãnh hải Cambodia phải thu hẹp rất nhiều.

Năm 1966, để đánh đổi việc ủng hộ cho mở con đường tiếp viện trên lãnh thổ Cambodia đánh phá miền Nam, Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam ký thỏa ước với quốc vương Sihanouk và Khmer Đỏ, cam kết sẽ tôn trọng biên giới hai nước theo đường ranh Brevié 1939. Năm 1967, Cộng sản Bắc Việt tại Hà Nội cũng ra tuyên bố công nhận đường ranh Brevié làm cơ sở biên giới hai nước.

Lấy lý do đó, sau khi chiếm được Cambodia, ngày 30-4-1975, Khmer Đỏ tuyên bố rằng lãnh hải Cambodia sẽ tính theo đường Brevié, tức từ điểm giáp ranh Hà Tiên – Krong Keb vẽ ra vịnh Thái Lan theo góc 145 độ, và quần đảo Phú Quốc là thuộc hoàn toàn Cambodia. Ngày 30-4-1975, tranh thủ thời cơ có khoảng không quyền lực, một tiểu đoàn quân Khmer Đỏ đánh chiếm đảo Phú Quốc mà không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào từ phía Việt Nam. Ngày 4-5-1975, ba tàu chiến Việt Cộng kéo ra đảo Phú Quốc nhưng bị quân Khmer Đỏ đẩy lui, không cho đổ bộ lên đảo. Các đơn vị quân Việt Cộng báo cáo lên Trung ương và nhận được chỉ thị không được giao chiến gây thêm căng thẳng ở vùng biển Phú Quốc để chờ Trung ương giải quyết bằng biện pháp chánh trị và ngoại giao. Ngày 10-5-1975, một đại đội quân Khmer Đỏ đánh chiếm đảo Thổ Châu, làm chết 37 quân Việt Cộng và gần 500 thường dân người Việt trên các đảo.

Ngay sau đó, Việt Cộng liên tiếp mở hàng chục cuộc hành quân mở rộng địa bàn đang chiếm đóng trên lãnh thổ đông bắc Cambodia. Khmer Đỏ cũng bắn phá, lấn chiếm nhiều điểm đóng quân Việt Cộng.

Ngày 18-5-1975, Việt Cộng cho quân tái chiếm lại các đảo Thổ Châu, Phú Quốc, và cả đảo Trọc (Poulo Wai), bắt giữ 300 tù binh và người dân. Thấy quân Việt Cộng phản ứng mạnh, Pol Pot (Saloth Sar) lại xuống giọng hòa hoãn, ra lệnh cho Hồng quân im lặng. Ngày 2-6-1975, một phái đoàn Việt Cộng do Nguyễn Văn Linh dẫn đầu sang thăm Phnom Penh. Ngược lại, phái đoàn Khmer Đỏ do Pol Pot, Ieng Sary, Noun Chen dẫn đầu trên đường sang thăm Bắc Kinh, cũng ghé thăm đáp lễ Hà Nội vào ngày 12-6-1975.

Ngày 12-6-1975, lãnh đạo Khmer Đỏ Pol Pot dẫn đầu phái đoàn sang Hà Nội, đòi ký hiệp ước hữu nghị về giao thông, lãnh sự và xác định mốc biên giới, nhưng chính quyền Hà Nội từ chối.

Từ sau tháng 5-1975, quân Khmer Đỏ kết hợp với một số hải tặc quốc tế cùng hoạt động ở khu vực quần đảo Bà Lụa, cướp bóc tàu buôn, ghe thuyền ngư dân, rồi kéo về Cambodia đòi tiền chuộc mạng. Từ năm 1977, khi quân Việt Cộng và Khmer Đỏ ở thế công khai thù địch thì cũng có nhiều cuộc đụng độ giữa quân hải tặc – Khmer Đỏ với quân Việt Cộng, nhưng chiến sự cứ dai dẵng cho đến cuối thập niên 1990 mới kết thúc khi Khmer Đỏ hoàn toàn bị giải thể.

6- Việt Cộng và Khmer Đỏ thương lượng về lãnh hải (tháng 6-1976)

Tháng 6-1976, Chính phủ Việt Cộng cử thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phan Hiền sang Phnom Penh thương lượng với Pol Pot về lãnh hải, theo đó Việt Cộng chấp nhận theo đường ranh Brevié 1939; những đảo và biển nằm phía bắc đường ranh (trừ quần đảo Phú Quốc) là của Kampuchea; quần đảo Phú Quốc và phía nam đường ranh thuộc Việt Nam. Phan Hiền còn đề nghị vẽ lại đường ranh mới cho phù hợp với chủ quyền các đảo nhưng Pol Pot từ chối, vì cho là Việt Cộng muốn chiếm phần lớn vùng biển của Kampuchia.

Tháng 7-1977 tại Paris, khi trả lời phỏng vấn báo chí vì sao năm 1967 Bắc Việt đã ký công nhận đường ranh Brevié mà không chịu giải thích về chủ quyền đảo Phú Quốc, Phan Hiền cho biết vì lúc đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chú ý tới vấn đề lãnh hải, do vùng này đang do Chánh phủ Sài Gòn quản lý.

7- Bộ Ngoại giao Việt Cộng ra tuyên bố về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (5-6-1976)

Ngày 5-6-1976, Bộ Ngoại giao Việt Cộng ra tuyên bố về chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa.

8- Trung Cộng tố cáo Liên Xô tăng cường khống chế Đông Dương (27-9-1976)

Từ cuối năm 1975, Liên Xô đã đưa được hạm tàu vào cảng Cam Ranh, tăng số cố vấn tại Lào từ 100 lên 500 người, tăng cố vấn tại Việt Nam từ 5.000 lên 8.000 người, được cam kết hợp tác khai thác mỏ dầu Bạch Hổ, đổi lại Liên Xô giúp 500 triệu mỹ kim cho ngân sách Việt Cộng tài khóa 1976 và 3 tỷ đô la cho kế hoạch ngũ niên 1976-80. Trong khi đó, Trung Cộng chỉ có thể viện trợ tượng trưng 200 triệu mỹ kim năm 1976, và thông báo sẽ không cấp ngân khoản mới cho năm 1977.

Ngày 27-9-1976 tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Trung Cộng Kiều Quán Hoa một mặt tố Nga ‘trám khoảng trống ở Á châu’ và mặt khác, cảnh cáo các thành viên Đông Á đừng bao giờ ‘đón cọp vào ngã sau’, mặc dù tất nhiên không dám khuyên ai đừng ‘đuổi chó sói ra cửa trước’.

9- Chính phủ Việt Cộng ra tuyên bố về đường cơ sở trên biển (12-5-1977)

Ngày 12-5-1977, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuyên bố ghi rõ:

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chuẩn y,

Tuyên bố quy định các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

  1. Lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của Việt Nam tính từ ngấn nước thủy triều thấp nhất trở ra.

Vùng biển ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển là nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

  1. Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải Việt Nam có chiều rộng là 12 hải lý hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam.

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, đảm bảo sự tôn trọng các quy định về y tế, về di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

  1. Vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp liền lãnh hải Việt Nam và hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; có quyền và thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động khác phục vụ cho việc thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế nhằm mục đích kinh tế; có thẩm quyền riêng biệt về nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thẩm quyền bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

  1. Thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam.

  1. Các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam ở ngoài vùng lãnh hải nói ở Điều 1 có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng như đã quy định trong các điều 1, 2, 3, và 4 của Tuyên bố này.
  2. Xuất phát từ các nguyên tắc của Tuyên bố này, các vấn đề cụ thể liên quan tới lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ được quy định chi tiết thêm trên cơ sở bảo vệ chủ quyền và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.
  3. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên.

10- Quan hệ Liên Xô – Việt Cộng (6-6-1977)

Ngày 6-6-1977, một phái đoàn quân sự cấp cao Liên Xô sang Hà Nội. Liên Xô quyết định viện trợ cho quân đội Việt Cộng một số trang bị cũ gồm 2 tàu ngầm, một khu trục hạm, 4 phi đội máy bay MiG 21 cùng với số đông chuyên gia sang giúp chỉ đạo về các vấn đề phòng thủ chiến lược.

11- Philippines lại chiếm thêm 2 đảo ở quần đảo Spratly (tháng 7-1977)

Tháng 7-1977, Philippines cho quân chiếm đóng thêm hai đảo nữa là Đảo Dừa (Bến Lạc) và Cồn San Hô Lan Can mà họ gọi là Likas và Panata, nâng tổng số đảo chiếm của Việt Nam ở quần đảo Spratly (Trường Sa) lên 7 đảo. Tất cả 7 đảo này được nhập chung vào một nhóm đảo gọi là Nhóm đảo Kalayaan.

Trong hai năm 1977-78, Hải quân Philippines ra sức củng cố vị trí trấn đóng tại 7 hòn đảo này bằng cách chở đất ra để trồng dừa, cạp thêm đảo để làm đường băng cho máy bay chiến đấu, tổ chức đánh cá, xây dựng kho ướp lạnh, tổ chức thăm dò khai thác dầu khí tại Bãi Cỏ Rong nằm ở phía đông bắc quần đảo Spratly (Trường Sa).

12- Yêu sách lãnh thổ của Miên Cộng (tháng 8-1977)

Tháng 8-1977, báo Cờ Đỏ, cơ quan trung ương Đảng Cộng sản Khmer, cho phát hành một bản đồ nước Kampuchea dân chủ, trong đó biên cương không theo đường ranh Bravie cũ. Trong bản đồ này, ngoài lãnh thổ Kampuchea hiện hữu, còn bao gồm tất cả các hải đảo và đất liền ở Nam Phần Việt Nam, được chú thích tên là Khmer Crom (Thủy Chân Lạp).

13- Thỏa thuận Philippines – Việt Cộng về tranh chấp tại quần đảo Trường Sa (tháng 9-1977)

Tháng 9-1977, trong chuyến viếng thăm Philippines, thủ tướng Việt Cộng Phạm Văn Đồng đã đồng ý với tổng thống Philippines Ferdinand Marcos rằng hai bên sẽ giải quyết mọi tranh chấp và bất đồng trên quần đảo Trường Sa (Spratly) bằng thương lượng hòa bình.

14- Philippines chiếm thêm đảo đá An Nhơn (2-3-1978)

Ngày 2-3-1978, quân đội Philippines chiếm thêm đảo đá An Nhơn trong quần đảo Trường Sa, mà Philippines gọi là Lan Kian Kay.

15- Philippines quản lý hành chánh với các đảo Kalayaan (11-6-1978)

Ngày 11-6-1978, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ký sắc lệnh số 1596, tuyên bố chủ quyền một phần khu vực thực tế của lãnh thổ Philippines và hình thành chính quyền và hành chánh. Theo đó, tuyên bố phần lớn quần đảo Spratly (Trường Sa) gồm 60 đảo, bãi đá ngầm (trừ đảo Spratly, tức đảo Trường Sa) là thuộc lãnh thổ Philippines và đặt tên hành chánh là Đặc khu Kalayaan, nằm trong tỉnh Palawan.

Sắc lệnh 1596 xác định rõ tọa độ của Đặc khu Kalayaan và khẳng định chúng có vai trò sống còn đối với an ninh và kinh tế của Philippines. Sắc lệnh này khẳng định đáy biển, tầng đất cái (subsoil), thềm lục địa và vùng trời nằm trong khu vực thuộc Nhóm đảo Kalayaan thuộc chủ quyền của Philippines. Khu vực này từ đây có tên gọi chánh thức là Kalayaan, một chính quyền tự trị thuộc tỉnh Palawan, nhưng lại được giám sát bởi Bộ Quốc phòng.

Với sắc lệnh này, Philippines đã hủy bỏ đường biên giới phía Tây của Philippines đã được xác định rõ ràng trong Hiệp ước Paris giữa Mỹ và Tây Ban Nha năm 1898.

Morgan & Valencia (1984) đã cung cấp một bản đồ so sánh Đặc khu Kalayaan do Chánh phủ Philippines định nghĩa trong sắc lệnh số 1596 với ranh giới tuyên bố quyền sở hữu của Cloma năm 1956, theo đó thì cách tiếp cận của Chánh phủ Philippines gần như tương tự với cách tiếp cận của Cloma, trừ một số khác biệt chủ yếu là ở phần phía tây. Có thể kể ra một ví dụ về sự khác biệt này là: trong khi tuyên bố quyền sở hữu của Cloma bao hàm đảo Spratly (đảo Trường Sa) và không bao hàm đảo Calantiyaw (đảo An Bang) thì Chánh phủ Philippines lại loại trừ hẳn đảo Spratly và gộp thêm đảo Calantiyaw vào Đặc khu Kalayaan.

Cũng trong ngày 11-6-1978, tổng thống Marcos còn ký thêm sắc lệnh số 1599, thành lập vùng kinh tế đặc quyền và các mục đích khác. Sắc lệnh này xác định vùng đặc quyền kinh tế, các quyền về chủ quyền, đặc quyền và quyền thực thi được luật pháp quốc tế thừa nhận. Trong sắc lệnh 1599, có sử dụng tên bằng chữ Filipino là Kalayaan để gọi (phần lớn phía đông) quần đảo Spratly (Trường Sa), và khẳng định quần đảo này ‘về mặt pháp lý không thuộc bất kỳ quốc gia nào, nhưng do yếu tố kế cận, tầm quan trọng sống còn về an ninh, nhu cầu thiết yếu, sự chiếm đóng và kiểm soát hữu hiệu nên nay Philippines đã thiết lập chủ quyền hợp pháp với quần đảo này’.

16- Việt Cộng bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Philippines ở quần đảo Trường Sa (28-9-1978)

Ngày 28-9-1978, Bộ Ngoại giao Việt Cộng gửi công hàm cho Philippines, tuyên bố bác bỏ việc Philippines sát nhập hầu hết quần đảo Trường Sa vào lãnh thổ Philippines theo sắc lệnh số 1596 và 1599 ngày 11-6-1978.

17- Việt Cộng khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa (30-12-1978)

Ngày 30-12-1978, Bộ Ngoại giao Việt Cộng tuyên bố phản đối Trung Cộng và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

18- Trận đánh chiếm cảng Sihanouk Ville và vùng duyên hải Kampuchea (3 đến 17-1-1979)

Trong chiến dịch Biên giới Tây Nam, tại mặt trận phía nam, ngày 3-1-1979, quân Việt Cộng từ An Giang vượt biên giới tấn công làm hai hướng. Cánh thứ nhất, Sư đoàn 325/Quân đoàn 2 và Sư đoàn 8/Quân khu 9 tiến về phía tây, dọc theo quốc lộ 2. Đến 5-1, trong khi lực lượng Quân khu 9 tiến đánh Takeo thì Sư 325 tiến theo hướng tây bắc. Quân khu Tây Nam của Khmer Đỏ do Ta Mok đích thân chỉ huy đã chuẩn bị trận địa phòng thủ ở Tuk Meas trên đường 16 ở khoảng giữa biên giới và Chuk. Sau hai ngày giao tranh, Quân đoàn 2 chiếm được Tuk Meas. Cùng lúc đó, Sư đoàn 8 theo hướng tây đánh chiếm Kompong Trach ngày 7-1. Trung đoàn xung kích 24 với nhiều xe tăng, xe tải, trọng pháo, do thiếu tướng Nguyễn Hữu An đích thân chỉ huy, băng đồng ruộng tiến từ Tuk Meas về Chhuk nhưng bị Khmer Đỏ mai phục dọc đường bắn cháy thiệt hại quá nửa. Sở chỉ huy Quân đoàn 2 của tướng An trong đội hình Trung đoàn 24 bị bao vây cô lập. Tới tối 7-1, Trung đoàn 24 mới kéo ra được đường số 3 và quay ngược trở lại đội hình chánh của Sư 325 để tiến chiếm Chhuk. Sư đoàn Khmer Đỏ tại Chhuk rút về hướng Phnom Penh.

Trong hai ngày 4 và 5-1-1979 tại Phú Quốc, Việt Cộng triển khai lực lượng chuẩn bị đổ bộ gồm hai lữ đoàn hải quân đánh bộ 101 và 126, hai phân đội gồm một số tàu chiến nhỏ của Nga và Mỹ, một khẩu đội pháo 130 ly. Sẫm tối 6-1, Việt Cộng cho pháo 130 ly ở phía bắc đảo Phú Quốc bắn vào các trại lính Khmer Đỏ đối diện trong khi 87 lính đặc công đột nhập chiếm một trận địa pháo Khmer Đỏ. Ngay lập tức, Khmer Đỏ cho hàng chục tàu tuần tiễu và tàu phóng lôi từ quân cảng Ream và các căn cứ nhỏ dọc bờ biển tấn công vào Phú Quốc, làm đôi bên đều chịu nhiều thiệt hại.

Khuya 7-1, Lữ đoàn 126 đổ bộ vào chân núi Bokor ở khoảng giữa thị xã Kampot và cảng Kompong Som (Sihanouk Ville), đã lên bờ được 3 tiểu đoàn và 12 xe thiết giáp, xe lội nước, nhưng do thủy triều lên nhanh nên toàn bộ lực lượng còn lại không đổ bộ kịp phải rút trở về Phú Quốc. Ba tiểu đoàn người và xe tiến đánh cảng Kompong Som với lực lượng quá mỏng nên bị quân Khmer Đỏ bao vây và đến chiều 7-1 thì bị tiêu diệt hết. Tối 7-1, ba tiểu đoàn của Lữ đoàn 126 và hai tiểu đoàn của Lữ 101 tiếp tục đổ bộ nhưng đến 8-1 mới xong.

Ngày 9-1, hai trung đoàn 66 và 9 của Sư đoàn 304/Quân đoàn 2 Việt Cộng được lệnh kéo sang Bokor chi viện cho hai lữ đoàn 101, 126. Sau khi đẩy lui Sư đoàn 230 Khmer Đỏ, quân Việt Cộng chiếm được Kampot. Trung đoàn 9 và Lữ đoàn xe tăng 203 Việt Cộng chiếm quân cảng Ream và cảng Kompong Som. Ngày 14-1, Khmer Đỏ phản công chiếm lại Kompong Som, nhưng hôm sau 15-1 thì Kompong Som lại bị Việt Cộng tái chiếm.

Hướng thứ hai, chủ lực Quân khu 9 từ An Giang tiến về phía bắc đánh chiếm hai thị xã Tan và Takeo (5-1-1979). Các sư đoàn 2, 210, 230, 250 thuộc Quân khu Tây Nam của Khmer Đỏ theo lệnh Pon Pot rút lui hết vào rừng. Ngày 17-1, thị xã Koh Kong lọt vào tay Việt Cộng, kết thúc chiến dịch xâm chiếm Kampuchea, nhưng lại bắt đầu một quá trình sa lầy suốt 15 năm của Việt Cộng tại Kampuchea. 

19- Tranh chấp Việt – Trung về lãnh thổ (tính đến 16-2-1979)

Từ lâu, quan hệ giữa Việt Cộng và Trung Cộng là quan hệ nước đôi, diễn ra theo các xu hướng phức tạp và đầy tráo trở.

Ý tưởng của lãnh đạo Việt Cộng là:

– Lãnh đạo Việt Cộng hoàn toàn thần phục Trung Cộng và Liên Xô, nhưng muốn sự thần phục đó phải được cân bằng để không bị Trung Cộng độc quyền thôn tính và thống trị.

– Lãnh đạo Việt Cộng phải được toàn quyền cai trị Việt Nam, cũng như được quyền lãnh đạo cách mạng vô sản ở Lào và Cambodia.

– Lãnh đạo Việt Cộng sẵn sàng hy sinh quyền lợi dân tộc và đất nước để phục vụ quốc tế cộng sản và hai đàn anh Liên Xô – Trung Cộng, nhưng không ai được quyền xâm phạm lợi ích của Đảng Việt Cộng.

Trong khi đó ý tưởng của lãnh đạo Trung Cộng là: giúp đỡ toàn diện cho Việt Cộng để khống chế và thực hiện ý đồ thôn tính khu vực Đông Dương, Đông Nam Á và giành ngôi vị lãnh đạo cách mạng thế giới.

Chính vì vậy, trong khi Việt Cộng – Trung Cộng cùng liên minh chống Mỹ, giải phóng miền Nam Việt Nam và Đông Dương, thì Việt Cộng đã công khai ủng hộ Trung Cộng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đầu năm 1974. Trung Cộng cũng liên tục lấn chiếm và yêu sách phần lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam đang do Việt Cộng kiểm soát. Trong đó có ba khu vực quan trọng:

– Một đường biên giới chung dài trên 797 cây số, được thực dân Pháp và Thanh triều Trung Hoa ấn định trong một hiệp định năm 1887 và bổ túc năm 1895. Cuối thập niên 1970, cả Việt Cộng và Trung Cộng đều khiếu nại lẫn nhau về vị trí của 300 cột mốc biên giới. Việt Cộng phản đối Trung Cộng đã di dời hoặc phá hủy 300 cột mốc nói trên qua các lần Trung Cộng lấn chiếm, giao tranh. 

– Vịnh Bắc Việt, còn gọi là Beibu Gulf, Bắc Bộ Gulf hay Gulf of Tonkin. Hiệp định 1887 và bổ túc năm 1895 đều không nói rõ lằn ranh thuộc phần kiểm soát Vịnh Bắc Bộ của mỗi nước. Tháng 10-1977, cuộc hội nghị tại Bắc Kinh không giải quyết được dứt khoát vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ.

– Gây cấn nhất là chuyện giành hai nhóm quần đảo Hoàng Sa (hay Paracels, Xi Sha) và Trường Sa (hay Spratlies, Nin Sha). Khu vực này hệ trọng cho cả Trung Quốc lẫn Việt Nam về vị trí chiến lược và tài nguyên dầu khí. Hoàng Sa, Trường Sa, cùng với một số đảo lân cận khác như Pratas Reef và Macclesfield là những trạm thông thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Bởi thế Phi Luật Tân, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Brunei cũng đòi chia phần. Mỹ và Nga cũng theo sát vấn đề vì có liên quan lớn đến an ninh toàn cầu. Nga nắm thế thượng phong vì đang kiểm soát được Vladivostok, Cam Ranh và Đà Nẵng.

Ngày 4-9-1958, Trung Cộng công bố chủ quyền trên các quần đảo Tây Sa (Xi Sha) và Nam Sa (Nin Sha). Mười hôm sau, thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi công hàm cho thủ tướng Châu Ân Lai, xác nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng ý về lãnh hải 12 km của Trung Quốc nhưng không nói gì thêm về chủ quyền các quần đảo trên Biển Đông. Cuối năm 1977 trả lời phỏng vấn của tờ báo Pháp L’Humanité, thủ tướng Đồng khẳng định rằng công hàm này chỉ nói về lãnh hải 12 km tính từ bờ biển lục địa Trung Quốc. Đồng cũng cho biết trong năm này, Quân đội Việt Cộng vừa tái chiếm được 6 đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa vừa bị tàu thuyền các nước xâm phạm nhưng không nói rõ là đảo nào và nước nào.

Theo Nhân Dân Nhật Báo (Renmin Ribao) số ra ngày 14-5-1979 và bản ghi chép “SRV Memorandum ” đề ngày 16-3-1979, thì từ năm 1974 cho đến 16-2-1979, có tất cả 3.535 vụ xô xát Việt  – Trung tại biên giới (trong sổ sách Trung Cộng) và 4.333 vụ (theo tài liệu Việt Cộng).

20- Lực lượng quân sự Trung Cộng và Việt Cộng (tháng 2-1979)

Tính đến tháng 2-1979, Trung Cộng có 3.600.000 quân nhân tại ngũ, chia thành 175 sư đoàn đóng tại 11 quân khu. Trang bị võ khí gồm có 10.000 chiến xa, 20.000 giàn phóng hỏa tiển, 16.000 khẩu pháo và phương tiện chuyên chở rất lạc hậu. Hải quân có 300.000 quân, 75 tàu ngầm. Hạm đội Bắc Hải có 300 chiến hạm, Đông Hải: 450 và Nam Hải : 300. Lực lượng không quân có 40.000 binh lính và phi công, 5.000 chiến đấu cơ loại cũ và lỗi thời, như MiG-15,17,19 và 80 MiG-21. Đặng Tiểu Bình (鄧小平) là chủ tịch Trung ương quân ủy, tổng tư lệnh Quân đội, với hai phụ tá là nguyên soái bộ trưởng Quốc phòng Từ Hướng Tiền (徐向前) và nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn (聶榮臻); đại tướng Cảnh Tiêu (耿飚) giữ chức tổng tham mưu trưởng.

Về phía Việt Cộng, tổng quân số lên đến 600.000 quân, trong đó có 200.000 tại Kampuchea, 100.000 tại Lào, 100.000 tại miền Nam và 200.000 ở miền Bắc. Xung quanh Hà Nội có 5 sư doàn và 4 lữ đoàn. Dài theo biên giới Trung Hoa, Việt Cộng có 150.000 dân quân tổ chức thành 6 sư đoàn và một trung đoàn bộ đội địa phương. Không quân có 300 chiến đấu cơ (70 chiếc MiG-19, 21 chiếc MiG-70, và một số chiếc F-5 tịch thu của Mỹ năm 1975). Hải quân có 2 chiếc PETYA sô viết với tên lửa chống tàu ngầm, và 60 tàu tuần tiểu.

21- Phản ứng của Liên Xô đối với chiến dịch tấn công Bắc Việt của Trung Cộng (từ 19-2-1979)

Từ ngày 17-2-1979, Trung Cộng mở chiến dịch tấn công tổng lực vào biên giới phía Bắc Việt Nam để tạo sức ép buộc Việt Cộng rút quân khỏi Kampuchea. Lực lượng Trung Cộng tham chiến dịch gồm 5 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn độc lập, tổng cộng 16 sư đoàn bộ binh, 6 sư đoàn biên phòng, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và một số trung đoàn pháo binh, pháo phòng không. Trong suốt cuộc chiến, Trung Cộng tăng lên 8 quân đoàn, 31 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn biên phòng. Quân lực gồm hơn 200.000 quân, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn tên lửa, ngoài ra còn có lực lượng dự phòng gồm 200 tàu chiến của Hạm đội Nam Hải và 750 máy bay.

Ngày 19-2-1979, tổng bí thư Liên Xô L.I. Brezhnev tuyên bố Hồng quân Liên Xô sẽ can thiệp nếu Trung Quốc không chấm dứt ngay cuộc tấn công Việt Nam. Ngay sau đó, Brezhnev ra lệnh khẩn cấp:

– cho 34 sư đoàn quân chánh quy trãi dài khắp biên giới Xô – Trung chuẩn bị chiến đấu.

– cử một nhóm cố vấn quân sự cao cấp tới Hà Nội để nắm tình hình và phối hợp chỉ đạo.

– phái một tàu sân bay neo đậu và một hải đoàn tàu tuần tra trong vịnh Bắc Bộ.

– viện trợ bốn tàu võ khí và trang thiết bị khoảng 11.000 tấn qua cảng Hải Phòng.

– cho một phi đội máy bay để cùng với xe lửa có sẵn, vận chuyển các đơn vị quân đoàn 1, 2, 3, quân khu 1, 2, 3 ra mặt trận.

Ngày 20-2, Brezhnev ra lệnh đưa 7 chiến hạm tuần tiễu dài theo hải phận Việt Nam và ngày 21-2, gởi thêm tuần dương hạm Sverdlov và một khu trục hạm Krivak vào biển Asean. Võ khí Nga được không vận từ Calcutta và một phái đoàn quân sự Sô-viết bay qua Hà Nội. Liên Xô yêu cầu Trung Quốc phải rút quân ngay, nếu không sẽ tham chiến.

Từ ngày 28-2, Liên Xô cho pháo binh và không quân tấn công dữ dội vào biên giới phía bắc của Trung Cộng suốt từ đông sang tây, và ra tối hậu thư nếu trong vòng một tuần lễ, Trung Quốc không chấm dứt tấn công cộng sản Việt Nam thì Liên Xô sẽ tung bộ binh vào chiến đấu.

Trong tháng 5-1979, các tàu chiến Liên Xô bắt đầu đi vào hải phận Cam Ranh. Ít lâu sau, các máy bay của Hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu hạ cánh xuống Cam Ranh.

Tháng 12-1979, đô đốc tư lệnh Hải quân Liên Xô S.G.Gorshkov đến Hà Nội để đặt quan hệ công tác với Bộ Quốc phòng Việt Cộng.

H32Tàu quét mìn Tral (301) tham gia chiến dịch bảo vệ hành lang vận tải biển trên Biển Đông, tháng 1 đến 4-1979

H33

H34

Cán binh Liên Xô – Việt Cộng trên tầu quét mìn (Tral 301); Tàu chống ngầm Vasily Chapaev thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Liên Xô, tham gia chiến dịch Bảo vệ Hành lang vận tải trên Biển Đông, tháng 1 đến 4-1979

H35

H36Tàu chống ngầm Đô đốc Zakharov tại vịnh Cam Ranh; Thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân lớp Victor III Rroject 671RTM thuộc Sư đoàn tàu ngầm số 38 (Liên đội tàu chiến số 17) tại Cam Ranh.

H37

H38Tàu đổ bộ Liên Xô chở hàng quân sự lên quân cảng Cam Ranh; Tàu hộ vệ tên lửa Liên Xô tại cảng Cam Ranh

H39

H40Các thành viên tàu BPK ‘Vasily Chapaev’ và cán binh Vùng 4 hải quân Việt Cộng tại Cam Ranh (tháng 3-1979); Thiếu tướng tư lệnh Hải quân Việt cộng Giáp Văn Cương đón đoàn đô đốc Liên Xô S.G.Gorshkov (tháng 12-1979)

22- Trung Cộng tuyên bố rút quân (5-3-1979)

Ngày 5-3-1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Cộng ra quyết định ‘Tổng động viên trong cả nước nhằm huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết đảm bảo mọi nhu cầu của cuộc kháng chiến chống quân Trung Quốc xâm lược’. Một số trung đoàn độc lập được gấp rút bổ sung quân số nâng lên thành cấp sư đoàn, như hai trung đoàn Gia Định 1 và 2, hai trung đoàn Quyết Thắng 1 và 2 phiên thành hai sư đoàn 317, 318 đưa sang Mặt trận Kampuchea. Tất cả các tỉnh trong nước đều thành lập tại mỗi tỉnh từ hai đến ba tiểu đoàn, hoặc một trung đoàn và trong tháng 2-1979 chuyển gấp ra bổ sung cho mặt trận biên giới phía Bắc.

Cũng trong ngày 5-3-1979, Hội đồng Chính phủ Việt Cộng ra nghị định về việc ‘thực hiện quân sự hóa toàn dân, võ trang toàn dân để đánh thắng bọn phản động Trung Quốc xâm lược, bảo vệ Tổ Quốc’. Nghị định này quy định chế độ làm việc và luyện tập quân sự trong tình hình mới với khẩu hiệu: ‘Cả nước đánh giặc, toàn dân là lính’, qui định mọi công nhân viên chức làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường của Nhà nước đều chuyển sang làm việc chế độ mỗi ngày 10 giờ, trong đó có 2 giờ luyện tập quân sự hoặc làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ.

Sau khi Liên Xô cho quân tham chiến với thái độ kiên quyết, lo ngại chiến sự leo thang trong khi Trung Cộng cũng đang có lắm kẻ thù vây quanh như Đài Loan, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, nên nhà cầm quyền Bắc Kinh cảm thấy lo ngại nếu bị sa lầy trong cuộc chiến.

Ngày 5-3-1979, Chính quyền Bắc Kinh một mặt công bố đã chiếm được các tỉnh lỵ Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai và 17 huyện, gây thiệt hại nặng cho 4 sư đoàn Việt Cộng và mặt khác, tuyên bố do đã hoàn thành các mục tiêu đã định nên chuẩn bị rút quân và cảnh cáo Việt Cộng không được cản trở sự rút lui của Quân đội Trung Quốc.

Ngày 6-3-1979, Đặng Tiểu Bình ra mật lệnh ‘rút quân về nước’. Trước khi rút về, Hồng quân Trung Cộng dùng bom mìn phá nát hết các thị xã, thị trấn bị chiếm.

Ngày 7-3, Việt Cộng xác nhận đồng ý không tấn công khi đối phương rút quân để tỏ thiện chí hòa bình. Tại Nga, tổng bí thư Brezhnev và thủ tướng Kosygin cực lực lên án Trung Quốc, tiếp tục cho không vận võ khí và canh chừng hải phận Việt Nam. Cuba cho biết sẵn sàng gởi quân trợ chiến. Tại Liên Hiệp Quốc, với sự ủng hộ của Mỹ, khối ASEAN ra kiến nghị đòi ‘các lực lượng ngoại quốc rút ra khỏi khu vực’ nhưng không lên án cụ thể Trung Cộng.

Ngày 15-3, Bộ Ngoại giao Việt Cộng công bố bị vong lục về việc ‘nhà cầm quyền Trung Quốc đã khiêu khích, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam ở vùng biên giới’. Từ 14 đến 30-3, 30.000 thanh niên và dân chúng Hà Nội được lệnh tham gia đoàn Nguyễn Huệ đi xây dựng tuyến phòng thủ và phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc.

Ngày 16-3, khoảng 800 quân Trung Cộng tấn công và bao vây Chốt Pháo Đài Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) đang do khoảng 100 quân Việt Cộng trấn giữ. Giao tranh ác liệt suốt gần một ngày. Quân Trung Cộng chết 380, bị thương 240. Đến xế chiều, quân Trung Cộng dùng bom đánh sập toàn bộ các công sự bê tông cốt thép của Chốt Pháo Đài Đồng Đăng, chôn sống toàn bộ quân Việt Cộng tại đây.

Đến ngày 18-3, quân Trung Cộng căn bản đã rút khỏi biên giới Việt Trung. Ngày 19-3, chiến sự cũng chấm dứt ở biên giới Xô – Trung. Giao tranh lớn chấm dứt nhưng chiến sự vẫn lẻ tẻ nổ ra giữa Trung Cộng với Liên Xô và Việt Cộng qua biên giới dưới các hình thức đấu pháo, gài mìn, phá hoại, giao tranh và phục kích bằng đặc công…

23- Thủ tướng Phạm Văn Đồng giải thích về Công hàm 14-9-1958 (16-3-1979)

Trong bài viết ‘Saigon – Hanoi – Paracels Islands Dispute – 1974‘, đăng trên Far Eastern Economic Review Reference (Vol. 157, No. 6, 10 Feb 1994), tác giả Frank Ching viết:

…Phạm Văn Đồng đã chối bỏ việc làm sai lầm của ông ta trong quá khứ, trong một ấn bản của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông ngày 16-3-1979. Đại khái, ông ấy nói lý do mà ông ấy đã làm bởi vì lúc đó là ‘thời kỳ chiến tranh’. Đây là một đoạn văn trích từ bài báo này ở trang số 11:

Theo ông Lý (phó thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm), Trung Quốc đã sẵn sàng chia xẻ vùng vịnh ‘mỗi bên một nửa’ với Việt Nam, nhưng trên bàn thương lượng, Hà Nội đã vẽ đường kiểm soát của Việt Nam đến gần Đảo Hải Nam. Ông Lý cũng đã nói rằng vào năm 1956 (hay 1958?), thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã ủng hộ một bản tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền của họ trên quần đảo Trường Sa Và Hoàng Sa, nhưng từ cuối năm 1975, Việt Nam đã kiểm soát một phần của nhóm đảo Trường Sa – nhóm đảo Hoàng Sa thì đã bị kiểm soát bởi Trung Quốc. Năm 1977, theo lời tường thuật thì ông Đồng đã biện hộ cho lập trường của ông ấy năm 1956: ‘Lúc đó là thời kỳ chiến tranh và tôi đã phải nói như vậy’.

Do sự hồ hởi phấn khởi muốn tạo ra một cuộc chiến thê thảm cho cả hai miền Bắc và Nam, và góp phần vào phong trào quốc tế cộng sản, ông Hồ Chí Minh đã hứa, mà không có sự tự trọng, một phần đất ‘tương lai’ để cho Trung Quốc lấy, mà không biết chắc chắn là có thể nào sẽ nuốt được miền Nam Việt Nam.

Như ông Đồng đã nói, ‘Lúc đó là thời kỳ chiến tranh và tôi đã phải nói như vậy’. Vậy thì ai đã tạo ra cuộc chiến Việt Nam và sẵn sàng làm tất cả mọi sự có thể làm được để chiếm miền Nam Việt Nam, ngay cả việc bán đất ? Bán đất trong thời chiến và khi cuộc chiến đã chấm dứt, Phạm Văn Đồng lại chối bỏ điều đó bằng cách bịa đặt ra việc đổ thừa cho chiến tranh

Cũng trong Tạp chí Kinh tế Viễn Đông số tháng 3 năm 1979, trang 11.

Hồi tháng 9-1958 khi Trung Quốc, trong bản tuyên bố của họ về việc gia tăng bề rộng của lãnh hải của họ đến 12 hải lý, đã xác định rằng quyết định đó áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của Trung Quốc, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một lần nữa Hà Nội đã lên tiếng nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc trên 2 quần đảo đó. Ông Phạm Văn Đồng đã ghi nhận trong bản công hàm gởi cho lãnh tụ Trung Quốc Châu Ân Lai ngày 14-9-1958: ‘Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958, của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc’ (xem Beijing Review 19-6-1958, trang 21; Beijing Review 25-8-1979, trang 25; Sự tồn tại của bản công hàm đó và tất cả nội dung đã được xác nhận tại Việt Nam trong BBC/FE, số 6189, ngày 9/8/1979, trang số 1).

24- Trung Cộng công bố sách trắng về Tây Sa và Nam Sa (30-7-1979)

Ngày 30-7-1979, Bộ Ngoại giao Trung Cộng công bố sách trắng trong đó nêu ra một số tài liệu có liên quan đến hai quần đảo Tây Sa (tức Paracel hay Hoàng Sa) và Nam Sa (Spratly hay Trường Sa) để chứng minh rằng Việt Cộng trước đây đã từng thừa nhận chủ quyền của Trung Cộng với hai quần đảo này.

25- Chánh sách của Trung Cộng tại biển Đông Nam Á (từ 1979)

Trung Cộng là nhà nước có vai trò chủ chốt quyết định đến tình trạng an ninh hay bất ổn tại vùng biển Đông Nam Á, mà họ gọi là Nam Hải. Trung Cộng là một nước lớn, có dân số đông nhất thế giới, là nước đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế và quân sự. Giả sử tất cả các nước ASEAN cùng liên kết thành một khối chặt chẽ nhất thì cũng khó lòng đương cự nỗi với Trung Cộng một khi nước này quyết tâm gây chiến mà không có sự can thiệp hào hiệp nào đó từ bên ngoài khu vực.

Nguy cơ này ngày càng được khẳng định tất yếu sẽ xảy ra vì ba lý do:

1- Trung Cộng luôn là một nước hung hăng hiếu chiến, trong quá khứ đã từng nhiều lần dùng võ lực thôn tính lãnh thổ láng giềng.

2- Trung Cộng luôn không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự đến mức cao nhất mà khả năng kinh tế xã hội có thể cung ứng.

3- Ý đồ thôn tính khu vực và thế giới của Trung Cộng là có thật và được công khai không cần dấu giếm, vì đó là lý tưởng tất yếu của chủ nghĩa cộng sản, trong đó biển Đông Nam Á và toàn bộ khu vực Đông Nam Á chắc chắc là mục tiêu ưu tiên và dễ dàng nhất mà Trung Cộng thôn tính.

Chiến lược trọng yếu của Trung Cộng để thôn tính vùng biển Đông Nam Á là: tăng cường khả năng hải quân; mở rộng và nâng cao sự hiện diện thực tế của hải quân tại các đảo trong biển Đông Nam Á, từ đó hợp pháp hóa sự chiếm đóng; mời gọi các công ty dầu khí Âu Mỹ thăm dò khai thác trong vùng tranh chấp để vừa sớm thu lợi nhuận vừa tạo được sự thừa nhận hợp pháp quốc tế về chủ quyền; nhấn mạnh vào và hướng đến ngoại giao song phương với các nước đối thủ yêu sách khác; phát triển chánh sách ‘ba không’ khi đối phó với vấn đề quần đảo Nam Sa (tức Spratly hay Trường Sa) là ‘không định rõ các yêu sách, không thương thảo đa phương và không quốc tế hóa vấn đề’, trong đó bao gồm việc không dính líu đến các thế lực bên ngoài.

Trong thập niên 80, các tranh chấp ở vùng biển Đông Nam Á và biên giới xảy ra chủ yếu giữa Trung Cộng với Việt Cộng và ảnh hưởng như nước thủy triều gắn kết với tình hình ở Kampuchea. Khi Trung Cộng thấy Việt Cộng bướng bỉnh về vấn đề Kampuchea liền gia tăng áp lực khiêu khích, xâm lấn ở biên giới phía Bắc và quần đảo Trường Sa (Spratly). Khi khối Xô Viết suy yếu và tách rời khỏi Việt Cộng, thì cả Trung Cộng và Việt Cộng bắt đầu gia tăng số lượng các vị trí chiếm giữ và quân số đồn trú các đảo. Cuối thập niên 80, khi Việt Cộng bị cô độc do khối Xô Viết sụp đổ và Mỹ duy trì cấm vận, Trung Cộng tranh thủ thời cơ triệt để sử dụng ưu thế sức mạnh để trong tháng 3-1988 đánh bại Việt Cộng ở gần bãi đá ngầm Fiery Cross (Đá Chữ Thập) rồi chiếm từ tay Việt Cộng 7 đảo đá trong quần đảo Trường Sa.

26- Việt Cộng tuyên bố chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (7-8-1979)

Ngày 7-8-1979 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Cộng ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Nội dung bản tuyên bố như sau:

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa.

Vào ngày 30-7-1979, Trung Quốc đã công khai công bố tại Bắc Kinh một số tài liệu với ý định để minh chứng cho việc tuyên bố chủ quyền của họ trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố:

  1. Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Các vua chúa Việt Nam đã là những người đầu tiên trong lịch sử đến chiếm đóng, tổ chức, kiểm soát và khai phá các quần đảo này trong chức năng của họ như là các lãnh chúa. Quyền sở hữu này có hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi có đầy đủ các tài liệu lịch sử và luật pháp để chứng minh chủ quyền tuyệt đối trên hai quần đảo này.
  2. Sự diễn giải của Trung Quốc về văn bản ngày 14-9-1958 của Thủ tướng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa như một sự công nhận chủ quyền của phía Trung Quốc trên các quần đảo là một sự xuyên tạc trắng trợn khi tinh thần và ý nghĩa của bản văn chỉ có ý định công nhận giới hạn 12 hải lý của lãnh hải Trung Quốc.
  3. Năm 1965, Hoa Kỳ gia tăng cuộc chiến tranh xâm lược tại miền Nam Việt Nam và phát động một cuộc chiến hủy diệt bằng không quân và hải quân chống lại miền Bắc Việt Nam. Họ đã tuyên bố rằng khu vực chiến trường của quân đội Hoa Kỳ bao gồm Việt Nam và vùng lân cận của khu vực khoảng 100 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam. Vào lúc đó, trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, nhân dân Việt Nam đã phải chiến đấu trong mọi tình huống để bảo vệ chủ quyền đất nước. Thêm nữa, Việt Nam và Trung Quốc lúc đó vẫn duy trì quan hệ hữu nghị. Bản tuyên bố ngày 9-5-1965 của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã đưa ra lý do để tồn tại chỉ với quá trình lịch sử này.
  4. Từ năm 1972, theo sau Bản Thông cáo chung Thượng Hải, những kẻ cai trị Trung Quốc đã âm mưu với bọn hiếu chiến Mỹ để phản bội nhân dân Việt Nam, gây ra biết bao nhiêu trở ngại cho cuộc chiến tranh tự vệ của Việt Nam. Ðầu Tháng Giêng 1974, chỉ trước khi nhân dân Việt Nam toàn thắng vào mùa Xuân 1975, Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp quân sự, lúc đó vẫn dưới sự quản lý của chính quyền Sài Gòn.

Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã tuyên bố rõ ràng cương vị của họ như sau đây:

– Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những câu hỏi thiêng liêng cho tất cả mọi quốc gia.

– Những khó khăn về biên giới lãnh thổ, thường tồn tại trong các cuộc tranh chấp giữa các nước láng giềng do lịch sử để lại, có thể vô cùng rắc rối và nên được nghiên cứu kỹ càng.

– Các quốc gia quan tâm nên cứu xét vấn đề này trong tinh thần công bằng, tôn trọng lẫn nhau, hòa nhã, láng giềng tốt và giải quyết vấn đề bằng sự thương lượng.

  1. Tại các cuộc thảo luận tổ chức vào ngày 24-9-1975 với phái đoàn Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong chuyến thăm viếng Trung Quốc, phó thủ tướng Ðặng Tiểu Bình đã thú nhận rằng có sự tranh chấp giữa hai bên về vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và hai bên sau đó nên bàn thảo với nhau để giải quyết vấn đề.
  2. Chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa một cách bất hợp pháp bằng quân sự, Trung Quốc đã xâm phạm vào sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và dẫm chân lên làm cản trở tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc kêu gọi giải quyết tất cả các tranh chấp bằng thương lượng hòa bình. Sau khi phát động một cuộc chiến xâm lược Việt Nam với tầm vóc to lớn, phía Trung Quốc lại nêu ra vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi tạo ra một tình trạng càng ngày càng căng thẳng dọc theo biên giới Việt Nam và từ chối việc thảo luận những giải pháp cấp thiết để bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực biên giới giữa hai nước. Ðiều rõ ràng là những kẻ cai trị Trung Quốc vẫn không từ bỏ ý định tấn công Việt Nam một lần nữa. Hành động của họ là một sự đe doạ nghiêm trọng cho hòa bình và ổn định trong vùng Ðông Nam Á và làm lộ rõ hơn tham vọng bành trướng, với bản chất bá quyền hiếu chiến của một nước lớn, bộ mặt xảo trá lật lọng và phản bội của họ.

 Bản Anh ngữ

On July 30, 1979, China made public in Peking some documents in an attempt to justify its claim of sovereignty over the Paracels and Spratly archipelagoes.

As regards this issue, the Ministry of Foreign Affairs of the Socialist Republic of Viet Nam declares:

  1. The Hoang Sa and Truong Sa archipelagoes are part of Vietnamese territory. The Vietnamese feudal states were the first in history to occupy, organize, control and exploit these archipelagoes in their capacities as Statees. This ownership is effective and in conformity with international law. We have sufficient historical and legal documents proving Viet Nam’s indisputable sovereignty over these two archipelagoes.
  2. The Chinese interpretation of the September 14, 1958 note by the Prime Minister of the Democratic Republic of Viet Nam as recognition of China’s ownership over the archipelagoes is a gross distortion since the spirit and letter of the note o­nly mean the recognition of a 12 -mile limit for Chinese territorial waters.
  3. In 1965, the United States intensified its war of aggression in South Viet Nam and launched a war of destruction by air and naval forces against North Viet Nam. It declared that the combat zone of the U.S. armed forces included Viet Nam and an adjacent zone of about 100 nautical miles from Viet Nam’s coast line. At that time. in their anti-U.S. struggle for national salvation the Vietnamese people had to carry out their fight in all forms to defend. their territorial integrity. Moreover, Viet Nam and China then maintained friendly relations. The May 9, 1965 Statement by the Government of the Democratic Republic of Viet Nam had its raison d’être o­nly with this historical background.
  4. Since 1972, following the Shanghai Joint Communiqué, the Chinese rulers have colluded with the U.S. aggressors and betrayed the Vietnamese people, causing more and more obstacles to the war of resistance of Viet Nam. Early in January 1974. just before the Vietnamese people won complete victory in Spring 1975, China occupied by armed forces the Hoang Sa archipelago then administered by the Saigon administration.

The Republic of South Viet Nam then clearly stated its position as follows:

– Sovereignty and territorial integrity are questions sacred to every nation.

– As regards territorial border questions, there often exist between neighboring countries disputes left by history, which may extremely complicated and should be thoroughly studied.

– The countries concerned should consider this question in the spirit of equality, mutual respect, friendship and good neighborliness and settle it by negotiations.

  1. At the talks held o­n September 24, 1975 with the Vietnamese Party and Government Delegation o­n a visit to China, Chinese Vice-Premier Deng Xiaoping admitted that there were disputes between the two sides o­n the problem of the Paracels and Spratly archipelagoes and that the two sides should later discuss with each other to settle the problem.
  2. By illegally occupying the Hoang Sa archipelago by military force, China has encroached upon the territorial integrity of Viet Nam and trampled underfoot the principles of the United Nations Charter which calls for settlement of all disputes by peaceful negotiations. After launching a large-scale war of aggression against Viet Nam, the Chinese side again raised the question of the Hoang Sa and Truong Sa archipelagoes while creating an increasingly tense situation along the Vietnamese border and refusing to discuss urgent measures to ensure peace and stability in border areas of the two countries. It is clear that the Chinese rulers have not given up their attempt to attack Viet Nam o­nce again. Their actions pose a serious threat to peace and stability in Southeast Asia and expose more clearly their expansionist ambitions, big-nation hegemonism. bellicose nature, their volte-face and their traitorous character…

27- Việt Cộng công bố sách trắng về Hoàng Sa và Trường Sa (28-9-1979)

Ngày 28-9-1979, Bộ Ngoại giao Việt Cộng công bố sách trắng ‘Về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa (tức Paracel) và Trường Sa (tức Spratly)’, giới thiệu thêm 19 tư liệu chứng minh chủ quyền có từ lâu đời của Việt Nam với hai quần đảo này.

28- Malaysia đòi chủ quyền các đảo thuộc quần đảo Spratly (1979)

Năm 1979, Malaysia xuất bản bản đồ vùng thềm lục địa, trong đó bao gồm 3 đảo của quần đảoSpratly (Trường Sa) mà Việt Cộng đang trấn giữ là Swallow Reef (Đá Hoa Lau), Mariveles Reef (Bãi Kỳ Vân) và Ardasier Reef (Bãi Kiệu Ngựa). Anh thay mặt cho Brunei ra tuyên bố phản đối việc Malaysia đưa đảo Louisa Reef vào bản đồ thềm lục địa.

29- Việt Cộng công bố sách trắng đả kích Trung Cộng (4-10-1979)

Ngày 4-10-1979, Bộ Ngoại giao Việt Cộng công bố ‘Sách trắng Sự thật về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc 30 năm qua’. Sách trắng đả kích thậm tệ Trung Cộng một cách có hệ thống về ‘những dã tâm bành trướng bá quyền Đại Hán’ từ 1931 đến 1979 và ‘những hành vi xấu’ đối với Việt Cộng suốt từ 1954 đến 1979.

30- Malaysia tuyên bố chủ quyền phía nam quần đảo Spratly (21-12-1979)

Ngày 21-12-1979, Chánh phủ Malaysia công bố một bản đồ mới, qui định ranh giới thềm lục địa và vùng biển của mình, trong đó, có một vùng rộng lớn phía Nam quần đảo Spratly (Trường Sa).

31- Trung Cộng tiếp tục tuyên bố chủ quyền Tây Sa và Nam Sa (30-1-1980)

Ngày 30-1-1980, Bộ Ngoại giao Trung Cộng công bố sách trắng lần thứ hai, trong đó đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa và Trường Sa), và thay đổi lập luận cho rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chỉ là những đảo ven bờ của Việt Nam, không phải là Tây Sa và Nam Sa của Trung Cộng.

Ngày 5-2-1980, Bộ Ngoại giao Việt Cộng ra tuyên bố bác bỏ văn kiện này của Trung Cộng.

32- Philippines tổ chức bầu cử trên quần đảo Spratly (30-1-1980)

Để củng cố yêu sách chủ quyền của mình đối với khu vực Kalayaan ở quần đảo Spratly, Philippines đã tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên ở Kalayaan vào ngày 30-1-1980. Aloner M. Heraldo được bầu làm thị trưởng đầu tiên. Tính đến năm 1980, Philippines đã tiến hành chiếm thêm một số đảo, bãi đá ngầm.

33- Ngày 28-7-1980, Philippines chiếm đảo đá Công Đo (28-7-1980)

Ngày 28-7-1980, Philippines chiếm thêm đảo đá Công Đo (Condor) trong quần đảo Trường Sa và đặt tên là Rizal.

Ngày 11-8-1980, Việt Cộng gửi công hàm phản đối việc này.

34- Tình hình chiếm đóng của Philippines tại quần đảo Spratly (đến 28-7-1980)

Theo học giả Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (2011), thì tính đến 28-7-1980, Philippines đang chiếm ít nhất là 11 đảo, đảo thấp hoặc bãi đá trong quần đảo Spratly (Trường Sa) là: 1- Ayungin, hay Second Thomas Shoal (Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây); 2- Balagtas, hay Irving Reef (đảo Cá Nhám); 3- Kota, hay Loaita Island (đảo Loại Ta); 4- Lawak, hay Nansham Island (đảo Vĩnh Viễn); 5- Likas, hay West York Island (đảo Bến Lạc, đảo Dừa); 6- Panata, hay Lamkiam Cay (Cồn san hô Lan Can, cồn An Nhơn); 7- Pag-asa, hay Thitu Island (đảo Thị Tứ); 8- Parola, hay North East Cay (đảo Song Tử Đông); 9- Patag, hay Flat (đảo Bình Nguyên); 10- Rizal, hay Commodore Reef (đá Công Đo); 11- Shira Islet (đảo nhỏ).

Tính về diện tích thì có 5 đảo rộng hơn 5 hecta: đảo Thị Tứ 37,2 ha; đảo Dừa 18,6 ha; đảo Song Tử Đông 12,7 ha; đảo Vĩnh Viễn 7,93 ha và đảo Loại Ta 6,45 ha. Tất cả 7 các đảo đều sự hiện diện của các loại cây và sinh vật biển, có các công trình quân sự và dân sự. Đặc biệt, đảo Thị Tứ là đảo lớn nhất trong tất cả các đảo mà Philippines chiếm đóng, và là đảo lớn thứ hai ở quần đảo Trường Sa, đã trở thành thủ phủ của quần đảo Kalayaan, có khá đông cư dân sinh sống. Hai bãi đá ngầm và một đảo nhỏ còn lại mặc dù không có cây cối nhưng đều có sự hiện diện về quân sự của Philippines.

Ngoài ra, Philippines dù không có hiện diện quân sự nhưng vẫn đang kiểm soát một số bãi đá ngầm và bãi cát ngầm ở quần đảo Trường Sa, cụ thể là: Bombay Shoal, Boxall Reef, Brown Reef, Carnadic Shoal, Glasgow Bank, Half Moon Shoal, Hardy Reef, Hopkins Reef, Investigator Northeast Shoal, Iroquois Reef, Leslie Bank, Lord Auckland Shoal, Lord Auckland Shoal, Pensylvania South Reef, Reed Tablemount, Royal Captain Shoal, Sandy Shoal, Seahorse Shoal và Templar Bank.

35- Trung Cộng khẳng định Việt Cộng từng ủng hộ chủ quyền Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc 18-2-1980)

Ngày 18-2-1980, Bộ Ngoại giao Trung Cộng công bố tài liệu nhan đề ‘ Chủ quyền tuyệt đối của Trung Quốc trên quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa‘ (Beijing Review), trong đó khẳng định:

– Vào tháng 6-1956, hai năm sau ngày Chính phủ Hồ Chí Minh đã tái lập tại Hà Nội, thứ trưởng Ngoại giao Bắc Việt Ung Văn Khiêm đã nói với Li Zhi Min, đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Bắc Việt, rằng ‘theo những dữ kiện của Việt Nam, hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa là môt bộ phận lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc’.

– Ngày 4-9-1958, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố bề rộng của lãnh hải Trung quốc là 12 hải lý, được áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ‘bao gồm …quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa …’. Mười ngày sau đó, Phạm Văn Đồng đã ghi rõ trong bản công hàm gởi cho Châu Ân Lai, rằng ‘Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về vấn đề lãnh hải’.

36- Malaysia tuyên bố khu EEZ (15-5-1980)

Ngày 15-5-1980, Chánh phủ Malaysia tuyên bố về chủ quyền khu EEZ rộng 200 hải lý và đề nghị giải quyết các vùng phân định phạm vi quyền tài phán chồng lên bằng các biện pháp hòa bình với các lân quốc.

Theo đó, ranh giới ngoài của thềm lục địa của Malaysia bao gồm một phần phía Nam của quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có các đảo Pulau Amboyna Kecil (An Bang), Terumbu Perahu (Thuyền Chài) đang do Việt Nam trấn giữ và Terumbu Laksamana (Đá Công Đo) do Philippines chiếm đóng (và gọi là Rizal). Đây được xem là yêu sách chánh thức đầu tiên của Malaysia tranh chấp với Việt Nam.

37- Việt Cộng và Trung Cộng tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa (tháng 6 và 7-1980) 

Tháng 6-1980, tại Hội nghị Khí tượng Khu vực Châu Á II họp tại Genève, đại biểu Việt Cộng tuyên bố trạm khí tượng của Trung Cộng tại San Hu Dao (San Hô Đảo, tức đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là bất hợp pháp. Kết quả là trạm Hoàng Sa của Việt Nam được giữ nguyên trạng trong danh sách các trạm thuộc hệ thống quốc tế như cũ. Ngày 13-6-1980, đại diện Việt Cộng yêu cầu OMM (Tổ chức Khí tượng Thế giới) đăng ký trạm khí tượng Trường Sa vào mạng lưới OMM.

Tháng 7-1980, tại kỳ họp thứ 26 Hội Địa chất quốc tế ở Paris, đoàn đại biểu Trung Cộng báo cáo và cho lưu hành tài liệu địa chất về các bể dầu khí, trong đó có đoạn nói hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa là phần kéo dài của lục địa Trung Quốc.

38- Philippines chiếm thêm đảo ở quần đảo Spratly (tháng 7-1980)

Tháng 7-1980, Hải quân Philippines mở cuộc hành quân Polaris-I chiếm đóng thêm một đảo ở phía nam quần đảo Spratly (Trường Sa) là đảo Công Đo (Commodore Reef), mà Philippines gọi là đảo Rizal, nằm cách hòn đảo gần nhất mà họ chiếm đóng từ Việt Cộng trước đây 150 hải lý.

Ngày 26-7 và 11-8-1980, Bộ Ngoại giao Việt Cộng gửi công hàm phản đối hành động nói trên của Philippines.

39- Việt Cộng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa (tháng 12-1981) 

Tháng 12-1981, Bộ Ngoại giao Việt Cộng công bố sách trắng có tựa đề ‘Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam‘.

Cũng trong tháng 12-1981, Tổng cục Bưu điện Việt Cộng điện cho chủ tịch Ủy ban Đăng ký tần số tại Genève, phản đối việc Trung Cộng vừa được cấp phát một số tần số trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

40- Các nước ASEAN đối phó với Việt Cộng (năm 1982)

Lo ngại trước họa xâm lược từ Việt Cộng, các nước ASEAN đều tăng cường binh lực, tiến hành kế hoạch hợp tác bảo vệ biên giới và tập trận chung. Nếu từ năm 1972 đến 1974, chỉ có các cuộc tập trận chung về hải quân, năm 1975 có tập trận chung về lục quân, năm 1981 có tập trận chung về cảnh sát thì đến năm 1982, các nước ASEAN tập trận chung hỗn hợp hải lục không quân. Các nước ASEAN tăng cường tuần tra và phòng thủ trên biển để bảo vệ và khai thác khu kinh tế 200 hải lý. Từ năm 1979 đến 1982, ngân sách quốc phòng các nước ASEAN tăng nhanh, Malaysia tăng 200%, Indonésia tăng 500%, ngân sách quốc phòng Thái Lan chiếm 20% tổng ngân sách quốc gia. Các nước ASEAN thống nhất đòi Việt Cộng phải rút quân khỏi Cambodia.

41- Tướng Dương Đắc Chí thị sát biển Nam Hải (1982)

Năm 1982, tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Cộng Dương Đắc Chí thị sát quần đảo Tây Sa (tức Paracel hay Hoàng Sa) và một số đảo ở quần đảo Nam Sa (tức Spratly hay Trường Sa) để lập kế hoạch chuẩn bị tiến xuống làm chủ vùng biển Nam Hải (tức biển Đông Nam Á).

Tháng 6-1982, Tân Hoa Xã của Trung Cộng loan tin Trung Cộng vừa xây dựng một hải cảng lớn tại San Hu Dao (San Hô Đảo, mà Việt Nam gọi là đảo Hoàng Sa).

42- Thủ tướng Philippines thị sát Đặc khu Kalayaan (25-4-1982)

Ngày 25-4-1982, thủ tướng Philippines Cesar Virata đi cùng một số quan chức cao cấp ra thăm cụm đảo mà họ gọi là Đặc khu Kalayaan trên quần đảo Spratly (Trường Sa). Chuyến đi này được đưa tin công khai ở Philippines nhằm ‘củng cố yêu sách về chủ quyền của Philippines’ đối với quần đảo này.

Tại đây, Virata tuyên bố: ‘Do những hành động vừa qua, chúng ta có thể tiến một cách hòa bình tới vùng lãnh hải rộng lớn chung quanh Philippines để xác dịnh những tài nguyên thiên nhiên có thể có ở đáy biển, nhằm phục vụ cuộc phát triển đất nước của chúng ta‘.

43- Đài Loan đòi chủ quyền Tây Sa và Nam Sa (1982)

Năm 1982, Đài Loan công khai quyết định đặt quần đảo Tây Sa (tức Paracel hay Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Spratly hay Trường Sa) thuộc quyền tài phán của mình. Đồng thời chính quyền thành phố Cao Hùng thông qua kế hoạch ba năm xây dựng các cảng và khu định cư tại Taiping Dao (Thái Bình Đảo, mà Việt Nam gọi là đảo Ba Bình).

44- Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Kampuchea (7-7-1982)

Ngày 7-7-1982 tại Sài Gòn (TPHCM), Chính phủ Việt Cộng và Chính phủ Kampuchea đã ký Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Kampuchea. Nội dung hiệp định, bản Việt ngữ như sau:

Hiệp định về Vùng nước lịch sử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia.

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Campuchia,

Với lòng mong muốn không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Campuchia, theo tinh thần Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Campuchia ký ngày 18-2-1979,

Căn cứ thực tế là vùng biển nằm giữa bờ biển tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc đến quần đảo Thổ Chu của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bờ biển tỉnh Kampot đến nhóm đảo Poulo Wai của Cộng hòa nhân dân Campuchia, gồm những vùng biển từ lâu thuộc nước Việt Nam và nước Campuchia do những điều kiện địa lý đặc biệt của nó và ý nghĩa quan trọng của nó đối với quốc phòng và kinh tế của mỗi nước,

Đã thỏa thuận những điều sau đây:

Điều 1- Vùng nước nằm giữa bờ biển tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc đến quần đảo Thổ Chu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bờ biển tỉnh Kampot đến nhóm đảo Poulo Wai của nước Cộng hòa nhân dân Campuchia là vùng nước lịch sử của hai nước theo chế độ nội thủy, được giới hạn (theo kinh tuyến Greenwich Đông):

Về phía Tây Bắc bởi đường thẳng nối liền các tọa độ 9054.2′ Bắc – 102055.2′ Đông và 9054.5′ Bắc – 102057.0′ Đông ở đảo Poulo Wai (Campuchia) đến tọa độ 10024.1′ Bắc – 103048.0′ Đông và 10025.6′ Bắc – 103049.2′ Đông ở đảo Koh Sès (Campuchia) đến tọa độ 10030.0′ Bắc – 103047.4′ Đông ở đảo Koh Thmei (Campuchia) kéo đến tọa độ 10032.4′ Bắc – 103048.2′ Đông trên bờ biển tỉnh Kampot (Campuchia).

Về phía Bắc bởi đường bờ biển tỉnh Kampot từ tọa độ 10032.4′ Bắc – 103048.2′ Đông đến điểm mút trên bờ biển của đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Về phía Đông Nam bởi đường nối liền từ điểm mút trên bờ biển của đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia đến tọa độ 10004.2′ Bắc – 104002.3′ Đông ở mũi An Yên đảo Phú Quốc (Việt Nam) vòng theo bờ Bắc đảo đến mũi Đất Đỏ ở tọa độ 10002.8′ Bắc – 103059.1′ Đông kéo qua tọa độ 9018.1′ Bắc – 103026.4′ Đông ở đảo Thổ Chu (Việt Nam) đến tọa độ 9015.0′ Bắc – 103027.0′ Đông ở đảo Hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu (Việt Nam) .

Về phía Tây Nam bởi đường thẳng kéo tà tọa độ 9055.0′ Bắc – 102053.5′ Đông ở đảo Poulo Wai đến toạ độ 9015.0′ Bắc – 103027.0′ Đông ở đảo Hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ Chu (Việt Nam).

Điều 2- Hai bên sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp trên tinh thần bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau để hoạch định đường biên giới trên biển  giữa hai nước trong vùng nước lịch sử nói ở điềm 1.

Điều 3- Trong khi chờ đợi giải quyết đường biên giới trên biển giữa hai nước trong vùng nước lịch sử nói ở Điều 1: Điểm tiếp giáp 0 của hai đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi nước nằm giữa biển trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Chu và đảo Poulo Wai và sẽ do hai bên thỏa thuận xác định sau.

– Hai bên vẫn lấy đường gọi là đường Brévié được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia đảo trong khu vực này.

– Việc tuẫn tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử này do cả hai bên cùng tiến hành;

– Việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong vùng này vẫn tiếp tục theo tập quán làm ăn từ trước tới nay. Đối với việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên trong khu vực đó, hai bên sẽ cùng nhau thỏa thuận.

Hiệp định này làm tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 7 tháng 7 năm 1982, thành hai bản bằng tiếng Việt Nam và tiếng Khơ-me, cả hai văn bản đều có giá trị ngang nhau.

Thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Campuchia, Hun Xen, bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

H41

H42

45- Việt Cộng yêu cầu giữ nguyên chế độ phát sóng trên biển (tháng 10-1982)

Tháng 10-1982, tại Hội nghị Toàn quyền của Hiệp hội Quốc tế Vô tuyến Viễn thông (UIT), đại diện Việt Cộng tuyên bố không chấp nhận việc thay đổi chế độ phát sóng trên biển Đông Nam Á đã được phân chia năm 1978 tại Genève.

46- Chính phủ Việt Cộng ra tuyên bố về đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải (12-11-1982)

Năm 1982, trước khi tham gia ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Chính phủ Việt Cộng ra tuyên bố ngày 12-11-1982 ấn định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.

Cùng ngày, Chính phủ Việt Cộng cũng chánh thức tuyên bố với cộng đồng quốc tế xác nhận giá trị pháp lý của Công ước 1887 giữa Pháp đại diện cho Việt Nam và Thanh triều Trung Hoa, cũng như xác định biên giới lãnh hải (maritime frontier) của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ theo Công ước Pháp – Thanh 1887, tức là 63% diện tích vịnh. (Statement of 12 November 1982 by the Government of the Socialist Republic of Vietnam o­n the territorial Sea Baseline of Vietnam: …3 – The maritime frontier in the gulf between Vietnam and China is delineated according to the 26 June 1887 Convention of frontier boundary signed between France and the Qing Dynasty of China. The part of the gulf appertaining to Vietnam constitutes the historic waters and is subjected to the juridical regime of internal waters of the Socialist Republic of Vietnam).

Trong khi đó, Chánh phủ Trung Cộng nhiều lần tuyên bố là Công ước 1887 không dàn xếp biên giới lãnh hải giữa hai nước, nhưng lại liên tục sử dụng các văn bản này như văn bản pháp lý (official documents) để chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Nội dung tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam ngày 12-11-1982:

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam như sau: Thực hiện Điểm 1 trong Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chuẩn y. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam như sau:

  1. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gẫy khúc nối liền các điểm có tọa độ ghi trong phụ lục đính theo Tuyên bố này.
  2. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam từ điểm tiếp giáp 0 của hai đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia nằm giữa biển, trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Chu và Poulo Wai, đến đảo Cồn Cỏ theo các tọa độ ghi trong phụ lục nói trên được vạch trên các bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Hải quân nhân dân Việt Nam xuất bản đến 1979.
  3. Vịnh Bắc Bộ là vịnh nằm giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc do Pháp và nhà Thanh ký ngày 26 tháng 6 năm 1887.

Phần vịnh thuộc phía Việt Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến cửa vịnh sẽ được công bố sau khi vấn đề đường cửa vịnh được giải quyết.

  1. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được quy định cụ thể trong một văn kiện tiếp theo phù hợp với điểm 5 của bản Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  2. Vùng nước phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển, hải đảo của Việt Nam là nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  3. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề bất đồng về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên.

Tọa độ các điểm chuẩn đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam (Đính theo Tuyên bố ngày 12 tháng 11 năm 1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)

H43

H44

47- Tài liệu của Trung Cộng về Tây Sa và Nam Sa công bố năm 1982

Cuối năm 1982, chính quyền Trung Cộng tập trung gần 400 học giả Trung Quốc tại Bắc Kinh, ngày đêm nghiên cứu, thảo luận trong suốt mười năm để tìm mọi cách chứng minh rằng Nam Hải là biển lịch sử của Trung Hoa từ thời Hán Võ Đế. Theo đó, Trung Quốc có vùng biển lịch sử hay Lưỡi Bò Trung Quốc, chạy từ Đông Hưng xuyên tâm vịnh Bắc Bộ đến cách bờ biển tỉnh Quảng Ngãi 40 hải lý, cách bờ biển Indonesia 30 hải lý, cách bờ biển Malaysia và Philippines 25 hải lý, bao gồm gần trọn vùng biển Nam Hải, kể cả các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và ba túi dầu khí đang khai thác là khu Tư Chính (Vanguard) của Việt Nam, khu Natuna của Indonesia và khu Cỏ Rong (Reed Bank) đang do Philippines chiếm đóng.

Cũng theo tài liệu của Trung Cộng mới công bố năm 1982 thì

– Tác giả Yang Fu thời Tây Hán (23-220 AD) đã nhắc đến quần đảo Nansha.

– Sách của tướng Kang Tai thời Đông Ngô (220-280 AD) có nói đến hai đảo Tây Sa và Nam Sa.

– Nhiều sách thời Đường, Tống, Nguyên cũng nhắc đến và cho biết người Trung Hoa đã đánh cá ở đó.

– Thời Đại Đường (785-805 AD) lúc đô hộ Việt Nam đã ghi Nam Sa vào bản đồ Trung Hoa.

– Bản đồ ấn bản thời Đại Minh có vẽ tên Shitang (Thạch Đường), Changsa (Trường Sa).

– Năm 1710, Triều Thanh đã xác định chủ quyền ở hai hòn đảo cực Bắc khu Trường Sa và cho dựng một cái miếu trên đảo Song Tử Đông (Northearth Clay, đang do Philippines chiếm đóng).

– Năm 1909, tổng đốc Lưỡng Quảng ra lệnh thám thính đảo Hoàng Sa đang do Pháp – Việt trấn giữ.

– Năm 1912, một người Nhật tên Okura Unosuke trong quyển Stormy Islands viết: tôi thấy ba người từ Haikou khi tôi tới đảo Beizi (tức Northearth Clay hay đảo Song Tử).

– Năm 1943, Trung Hoa Dân Quốc, Mỹ, Anh trong tuyên bố Cairo đồng ý cho Trung Quốc thu hồi đất đai của Trung Quốc do Nhật chiếm. Như vậy là Trung Cộng tự cho có quyền thâu Nansha và được thế giới ủng hộ. Bộ Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố: Thật vậy, Mỹ đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Nansha trong một loạt các hội nghị quốc tế và thực tiễn quốc tế.

– Trung Cộng chứng minh chính quyền Hà Nội đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc: Theo tài liệu Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được tạp chí Beijing Review in lại trong số ra ngày 18-2-1980 thì Hà Nội đã thỏa hiệp với Bắc Kinh trong quá khứ về vấn đề này như sau:

1- Vào ngày 15-6-1956, bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam (Hà Nội) Ung Văn Khiêm đã nói với tham tán sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội Li Zhimin rằng: Theo dữ liệu của Việt Nam thì đảo Tây Sa và đảo Nansha là một phần của Trung Quốc theo lịch sử. Việt Nam dân chủ cộng hòa nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa.

2- Ngày 4-9-1959, Trung Cộng tuyên bố hải phận Trung Quốc bao gồm 12 hải lý từ bất kỳ mốc lãnh thổ nào của Trung Quốc, trong đó tính gồm các đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa. Ngày 14-9-1958, thủ tướng Việt Cộng Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho thủ tướng Trung Cộng Châu Ân Lai chấp nhận điều đó. Năm 1977, Đồng giải thích về công hàm này như sau: Đó là thời chiến và tôi phải nói như vậy thôi. Để biện minh cho lập trường của Chính phủ Việt Cộng nói trên, sau khi Trung Cộng tiến chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào tháng 3-1988, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong số ra ngày 26-4-1988 đã viết: Trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược thì Việt Nam phải tranh thủ sự ủng hộ, gắn bó của Trung Quốc, và ngăn chặn Hoa Kỳ sử dụng hai quần đảo nói trên.

3- Vào tháng 5-1976, báo Sài Gòn Giải Phóng của Thành ủy cộng sản TPHCM trong bài bình luận việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 đã viết: Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí, mà còn là người thầy tin cẩn đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay. Vì vậy chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam hay thuộc Trung Quốc cũng vậy thôi.

Ngày 11-12-2007, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Tần Cương tuyên bố: Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử đã có những quan điểm khác nhau về vấn đề chủ quyền này và Trung Quốc hiểu rõ chuyện đó.

48- Việt Cộng thành lập hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa (9-12-1982)

Ngày 9-12-1982 Hội đồng Bộ trưởng Việt Cộng ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và tổ chức quần đảo Trường Sa thành huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Đồng Nai.

Ngày 28-12-1982, trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 7 Việt Cộng đã ra Nghị quyết tách huyện đảo Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai để sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh.

49- Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (10-12-1982)

Công ước 1982 của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) được thông qua tại Hội nghị quốc tế lần 3 về biển ngày 10-12-1982. Đây được xem là một bản hiến pháp quốc tế về biển, có nội dung đồ sộ với 17 phần, 320 điều, 9 phụ lục.

Công ước luật biển 1982 chánh thức có hiệu lực từ ngày 16-11-1994, tức là sau 12 tháng kể từ ngày quốc gia thứ 60 (là Guyana) phê chuẩn Công ước vào ngày 16-11-1993. Tính đến tháng 11-1966, UNCLOS đã có 108 nước phê chuẩn.

Chính phủ Việt Cộng cũng đã ký tham gia và phê chuẩn UNCLOS, xác định biên giới lãnh hải gồm 12 hải lý (Article 3) và vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone) 200 hải lý (Article 55-75), cùng những chủ quyền kinh tế trên bề rộng thềm lục địa (continental shelf) (Article 76-77) của Việt Nam.

Công ước Về Luật Biển 1982 về đại thể qui định:

– Mỗi quốc gia được phép thiết lập lãnh hải không quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở (Điều 3).

– Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể được dùng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (Điều 7).

– Quốc gia ven biển không được cản trở việc đi qua không gây hại của các tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải, ngoài những trường hợp mà Công ước đã trù định (Điều 24).

– Quốc gia ven biển có thể lập một vùng giáp lãnh hải, không rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải (Điều 33).

– Một quốc gia quần đảo có thể kẻ những đường thẳng để xác định phạm vi lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước so với đất kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ số 1/1 và 9/1. Chiều dài của các đường cơ sở này không được vượt quá 100 hải lý, có thể có tối đa là 3% tổng số các đường cơ sở bao quanh một quần đảo nào đó có một chiều dài lớn hơn nhưng cũng không quá 125 hải lý (Điều 47 và Điều 48).

– Chủ quyền của quốc gia quần đảo mở rộng ra vùng nước ở phía trong đường cơ sở quần đảo được vạch ra theo đúng Điều 47 được gọi là vùng nước quần đảo, bất kể chiều sâu và khoảng cách xa bờ của vùng nước đó như thế nào (Điều 49).

– Quốc gia có bờ biển được phép có vùng đặc quyền ‘Vùng đặc quyền về kinh tế không mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải’ (Điều 57).

– Vấn đề thềm lục địa, theo Công ước 1982 đã chấp thuận cách định nghĩa mới và xác định giới hạn 200 hải lý thay cho tiêu chuẩn 200 m độ sâu. Hiện nay, qui mô của thềm lục địa tương đương với qui mô của EEZ. Người ta qui định rằng thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của nước này cho đến mép ngoài của rìa lục địa hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi mép ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn (Điều 76.1).

– Nếu rìa ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, công ước qui định rằng có hai cách giới hạn phạm vi của thềm lục địa. Một là mở rộng đến 350 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng vùng lãnh hải. Hai là mở rộng không quá 100 hải lý tính từ đẳng sâu (150 bath) 2.500 mét, là đường nối liền các điểm có chiều sâu 2.500 mét (Điều 76.5).

– v.v…

Công ước 1982 cũng cho phép các đảo có quyền có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giống như lãnh thổ trên đất liền. Tuy phủ nhận quyền có thềm lục địa và EEZ đối với những đá không thể nuôi sống con người hoặc không có cuộc sống kinh tế riêng, song rõ ràng công ước đã làm cho sự tranh chấp trở nên phức tạp khi xảy ra đầy rẫy những yêu sách chồng lấn về quyền tài phán quốc gia trong phạm vi cách nhau 400 hải lý.

50- Brunei ban hành đạo luật đánh cá (1-1-1983)

Năm 1982, Vương quốc Brunei ban hành đạo luật đánh cá rộng 200 hải lý, có hiệu lực từ ngày 1-1-1983. Vùng này chồng lấn với các vùng đặc quyền về kinh tế mà các nước láng giềng nhận chủ quyền ở phía nam quần đảo Spratly (Trường Sa).

Cộng hòa Indonésia cũng tuyên bố nhận vùng EEZ rộng 200 hải lý tháng 3-1988, song không có sự tranh chấp nào liên quan đến quần đảo Trường Sa.

51- Tranh chấp của Việt Cộng và Trung Cộng về vùng biển Đông Nam Á (tháng 1-1983)

Tháng 1-1983, Hội nghị Hành chánh thế giới về thông tin vô tuyến cho biết đã đồng ý sẽ xem xét đề nghị của Việt Cộng về việc phát sóng trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa tại hội nghị sắp tới.

Cũng trong tháng 1-1983 tại Hội nghị lần 2 về Hàng không Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương họp ở Singapore, đại diện Trung Cộng đưa ra hai tấm bản đồ vẽ đường ranh giới thông báo bay trên biển bao quanh gần hết biển Đông Nam Á, đồng thời yêu cầu được mở rộng vùng thông báo bay (FIR) Quảng Châu lấn vào FIR Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng Hội nghị quyết định duy trì nguyên trạng.

Cũng trong tháng 1-1983 tại Hội nghị Tổ chức Thông tin Vũ trụ Quốc Tế (INTU SAT) lần thứ 13 họp tại Bangkok, đại biểu Việt Cộng đã phản đối việc Trung Cộng sử dụng và phổ biến những bản đồ ghi tên quần đảo Tây Sa, Nam Sa với chú thích ‘là lãnh thổ Trung Quốc’.

52- Malaysia yêu sách chủ quyền các đảo (23-2-1983)

Ngày 23-2-1983, Bộ Ngoại giao Malaysia gửi công hàm, đưa ra vấn đề chủ quyền của họ đối với 3 hòn đảo trong quần đảo Trường Sa, gồm có ba đảo Pulau Amboyna Kecil (An Bang), Terumbu Layang-Layang (Hoa Lau), Terumbu Perahu (Thuyền Chài), đang do Việt Nam trấn giữ và Terumbu Laksamana (Đá Công Đo) do Philippines chiếm đóng (và gọi là Rizal).

Ngày 25-3-1983, Bộ Ngoại giao Việt Cộng bác bỏ đòi hỏi của Malaysia đối với các đảo trên.

53- Malaysia chiếm đảo Hoa Lau (12-6-1983)

Ngày 12-6-1983, Malaysia đưa quân chiếm đảo Hoa Lau đang do Việt Cộng trấn giữ, đặt tên theo chữ Malay là Terumbu Layang-Layang, và bắt đầu xây dựng những công trình phòng thủ trên đảo.

54- Phát biểu của tổng thư ký Hội nghị Khí tượng thế giới (tháng 5-1984)

Tháng 5-1984, trước sự phản đối liên tiếp của phía Việt Cộng, ông Wiin Nielson, tổng thư ký Hội nghị Khí tượng thế giới (OMM) đã trả lời phía Việt Cộng là: ‘Cái tên gọi được dùng trong công bố này và việc trình bày các số liệu ở trong đó không ràng buộc đối với tổng thư ký OMM về bất cứ việc đưa ra quan điểm nào có liên quan đến quy chế pháp lý của các nước, các lãnh thổ, các thành phố hoặc khu vực hay các hoạt động của họ, cũng không ràng buộc về việc vạch ra các đường biên giới hay giới hạn của các nước’.

55- Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines (21-5-1984)

Ngày 21-5-1984, Mỹ và Philippines ký Hiệp ước phòng thủ chung. Hiệp ước này nói rõ là không coi Nhóm đảo Kalayaan đang do Phipippines chiếm đóng trên quần đảo Spratly (Trường Sa) là bộ phận lãnh thổ Philippines, và do đó không được Hiệp ước này can dự đến.

56- Trung Cộng thành lập khu hành chánh Hải Nam (1-6-1984)

Tháng 4-1983, Uỷ ban Địa danh của Trung Cộng đã đặt tên cho các đảo, bãi, đá trong biển Đông Nam Á và đưa ra yêu sách đổi tên quần đảo Paracel thành quần đảo Tây Sa, quần đảo Spratly thành quần đảo Nam Sa.

Ngày 1-6-1984, Hội nghị lần 2 Quốc vụ viện Trung Cộng khóa 6 đã phê chuẩn việc thành lập khu hành chánh Hải Nam thuộc tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Ngày 4-6, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Cộng tuyên bố phản đối việc này.

57- Chính phủ Việt Cộng ra tuyên bố về vùng trời (5-6-1984)

Ngày 5-6-1984, Hội đồng Bộ trưởng Việt Cộng ra tuyên bố về vùng trời: Khoảng không gian ở trên đất liền, nội thuỷ, lãnh hải và các hải đảo Việt Nam và thuộc chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

58- Tướng Văn Tiến Dũng thị sát quần đảo Trường Sa (4-1985)

Tháng 4-1985, đại tướng bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Cộng Văn Tiến Dũng ra thăm quần đảo Trường Sa để lập kế hoạch phòng thủ và khai thác quần đảo.

59- Trung Cộng tăng cường xâm nhập vùng biển quần đảo Trường Sa (1986)

Từ giữa năm 1986, Trung Cộng liên tục cho hàng ngàn tàu đánh cá, tàu không số gia tăng hoạt động ở phía nam Biển Đông, trong khu vực quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 12-1986, nhiều máy bay và tàu chiến Trung Cộng đã thực hiện các hoạt động tuần tra, trinh sát từ đảo Song Tử Tây đến khu vực đảo Thuyền Chài, thuộc quần đảo Trường Sa.

60- Malaysia chiếm các đảo Kiệu Ngựa, Kỳ Vân (tháng 12-1986)

Tháng 12-1986, Malaysia đưa quân chiếm đóng các đảo Kiệu Ngựa, Kỳ Vân ở phía nam quần đảo Spratly (Trường Sa) đang do Việt Cộng trấn giữ, đặt tên theo chữ Malay là Terumbu Mantanani (Kỳ Vân), Terumbu Ubi (Kiệu Ngựa), và bắt đầu xây dựng những công trình phòng thủ trên đảo.

61- Quan hệ Việt Cộng – Trung Cộng

Ngày 13-1-1987, Chính quyền Việt Cộng ra quyết định trao trả một số người Trung Quốc xâm nhập trái phép lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 16-4-1987, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Cộng ra tuyên bố bác bỏ ‘luận điệu không căn cứ của Trung Quốc về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam’.

Trong năm 1987, Chính phủ Việt Cộng nhiều lần công khai tuyên bố: ‘Phía Trung Quốc đã dời 100 cột mốc biên giới vào sâu trong nội địa Việt Nam sau cuộc xâm chiếm biên giới năm 1979 và vẫn còn chiếm đóng nhiều vùng điểm cao biên giới’.

62- Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần ba (1987)

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ ba (1987) tổ chức tại Manila, thủ đô của Philippines, từ 14 đến 15-12-1987, để kỷ niệm 20 thành lập ASEAN và thông qua các văn kiện và quyết định quan trọng như: Tuyên bố Manila 1987 bày tỏ quyết tâm thúc đẩy và củng cố sự đoàn kết, hòa bình và hợp tác trong khu vực; Nghị định thư sửa đổi Hiệp ước Bali 1987 cho phép các nước ngoài khu vực tham gia Hiệp ước Bali; Hiệp ước khuyến khích và bảo đảm đầu tư ASEAN; Nghị định thư mở rộng danh mục thuế ưu đãi theo thỏa thuận ưu đãi buôn bán ASEAN (PTA); Quyết định thành lập cơ chế Hội nghị Liên bộ trưởng (Joint Ministerial Meeting – JMM) và thể chế hóa cuộc họp Các quan chức kinh tế cao cấp (Senior Economic Official Meeting – SEOM).

63- Tổng bí thư Trung Cộng thị sát quần đảo Hoàng Sa – Trung Cộng tập trận (1987)

Năm 1987, tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang ra thị sát quần đảo Hoàng Sa, mà họ gọi là Tây Sa,  để lập kế hoạch phòng thủ và khai thác quần đảo.

Từ 16-5 đến tháng 10-1987, Hải quân Trung Cộng liên tục diễn tập quân sự tại vùng nam Biển Đông Nam Á và tây Thái Bình Dương. Ngày 10-11-1987, Hải quân Trung Cộng đổ bộ lên bãi đá Louisa.

64- Brunei yêu sách chủ quyền đảo đá Louisa Reef (1987)

Năm 1987, Vương quốc Brunei xuất bản một bản đồ xác định ranh giới của vùng đánh cá và thềm lục địa của nước mình, trong đó có đảo đá Louisa Reef ở phía Nam quần đảo Spratly (Trường Sa).

Ngày 10-11-1987, Hải quân Trung Cộng đổ bộ lên chiếm bãi đá Louisa Reef. Chánh phủ Brunei kịch liệt phản đối việc này.

65- Malaysia chiếm hai đảo Kỳ Vân và Kiệu Ngựa (12-1987)

Tháng 12-1987, Malaysia đánh chiếm thêm hai đảo Mariveles Reef (Kỳ Vân) và Ardasier Reef (Kiệu Ngựa) thuộc quần đảo Spratly (tức Trường Sa) đang do Hải quân Việt Cộng trấn giữ.

66- Việt Cộng phản đối Trung Cộng khiêu khích ở quần đảo Trường Sa (20-2-1988)

Tháng 1-1988, Trung Cộng tiếp tục và liên tục đưa một lực lượng lớn tàu chiến, có nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa, xuất phát từ đảo Hải Nam xuống quần đảo Trường Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động của các tàu vận tải Việt Cộng trong khu vực bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên. Quân lính Trung Cộng cắm cờ trên hai bãi đá trên, đồng thời cho tàu chiến thường xuyên ngăn cản, khiêu khích các tàu vận tải Việt Cộng đang tiến hành những hoạt động tiếp tế giữa các đảo do Hải quân Việt Cộng bảo vệ.

Ngày 20-2-1988, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Cộng Hồ Thể Lan tuyên bố phản đối việc Hải quân Trung Cộng khiêu khích trong vùng biển Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Ngày 1-3-1988, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra tuyên bố phản đối Trung Cộng đưa lực lượng quân sự xâm phạm vùng quần đảo Trường Sa.

67- Chiến dịch Nam Sa (14-3 đến 6-8-1988)

Ngày 28-2-1988, Hải quân Trung Cộng huy động một tàu chiến đánh chiếm bãi Đá Tư Nghĩa (tức Đá Huy Gơ, Hughes Reef, Hugh Reef, hay Dong Mén Jiao, Đông Môn Tiêu). Đây là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Đá chỉ nổi khỏi mặt nước khi thủy triều xuống và trước đây được tàu Hải quân Việt Cộng từ đảo Sinh Tồn liên tục tuần tra kiểm soát. Sau đó, Trung Cộng xây dựng một tòa nhà hai tầng cùng với công sự kiến cố phòng thủ tại đây.

Đầu tháng 3-1988, Trung Cộng đưa hai hải đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu chiến hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 tàu đến 12 tàu gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ và một số tàu hỗ trợ khác như 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông-tông lớn.

Thấy Việt Cộng không có phản ứng chống trả, ngày 14-3-1988, Hải quân Trung Cộng huy động nhiều tàu chiến mở Chiến dịch Nam Sa, tấn công đánh chiếm các đảo Châu Viên, Cô Lin, Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, đang do một số đơn vị thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân Việt Cộng trấn giữ. Lực lượng Trung Cộng gồm sáu tàu chiến, trong đó có ba tàu hộ vệ số 502, 509 và 531, trang bị hỏa tiễn và hải pháo cỡ 100mm, tấn công bắn chìm ba tàu vận tải Việt Cộng đang làm nhiệm vụ tiếp tế ở các bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa. Phía Việt Cộng chết tại chỗ 8 người, bị thương 12 người, mất tích xem như chết 56 người, chìm hai tàu 604, 605.

Ngày 15-3-1988, Bộ Ngoại giao Việt Cộng gửi công hàm phản đối Trung Cộng ‘cho tàu chiến bắn vào tàu vận tải’ Việt Cộng. Vào các ngày 16, 17, 23-3-1988, Việt Cộng lại tiếp tục gửi công hàm cho Trung Cộng đề nghị hai bên thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp, nhưng Trung Cộng bác bỏ việc thương lượng. Ngày 24-3-1988, Bộ Ngoại giao Việt Cộng lại gửi công hàm cho Trung Cộng đề nghị ‘hai bên không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp về quần đảo Trường Sa’. Ngày 24-3-1988, Bộ Ngoại giao Việt Cộng yêu cầu ‘Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ can thiệp để Trung Quốc không được ngăn cản để tàu cứu hộ và thủy thủ Việt Nam bị nạn’.

Ngày 24-3-1988, bắt đầu cuộc đàm phán Việt Cộng – Trung Cộng về phân định vịnh Bắc Bộ tại Bắc Kinh. Ngày 25-3-1988, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Cộng Hồ Thể Lan tuyên bố ‘cực lực lên án và tố cáo tội ác mới của nhà cầm quyền Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam’.

Chiến dịch Nam Sa kéo dài đến ngày 6-4-1988 thì kết thúc, với việc Trung Cộng chiếm 8 nhóm đảo và đá ngầm gồm: Bãi Loại Ta (Loaita Cay, hay Sha Zhou), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef, hay Hua Yang Jiao), Đá Chữ Thập (bãi đá ngầm Fiery Cross, hay Yung Shu Jiao), Đá Ga Ven (Gaven Reef, hay Nan Xun Jiao), Đá Gạc Ma (Johson Reef, hay Chi Gua Jiao), Đá Ken Nam (Kennan Reef, hay Xi Men Jiao), Đá Subi (Subi Reef, hay Zhu Bi Dao), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef, Hugh Reef, hay Dong Mén Jiao, Đông Môn Tiêu).

Từ ngày 1-10-2014, trên trang Youtube xuất hiện một đoạn video clip. Trong đó, thiếu tướng Lê Mã Lương, anh hùng lực lượng vũ trang Việt Cộng, phát biểu rằng: …thủ phạm đã tiếp tay cho Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam chính là một ‘đồng chí lãnh đạo cấp cao’. Theo tướng Lương, trước khi xảy ra trận Hải chiến Trường Sa năm 1988, quân đội Việt Nam đã phải phải nhận lệnh ‘không được nổ súng’ trong trường hợp Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma hay bất kỳ một đảo nào ở Trường Sa.

(https://www.youtube.com/watch?v=uS5fmvKoCeg)

H45Tàu vận tải HQ-604 bị tàu chiến Trung Cộng bắn chìm (sáng 14-3-1988)

H46Căn cứ quân sự Trung Cộng trên đảo Chữ Thập (Fiery Cross) sau khi chiếm từ Việt Cộng tháng 3-1988

68- Trung Cộng tiếp tục tung hoành trên biển Đông Nam Á (cuối tháng 4-1988)

Ngày 13-4-1988, Quốc hội Trung Cộng thông qua nghị quyết tách đặc khu Hải Nam khỏi tỉnh Quảng Đông để thành lập tỉnh mới Hải Nam, trong đó có hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa, Trường Sa). Ngày 14-4-1988, Việt Cộng tuyên bố phản đối điều này.

Ngày 15-4-1988, Bộ Ngoại giao Việt Cộng ra tuyên bố về việc Trung Cộng ‘dự định đưa một nhóm nghiên cứu hải dương học tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam’.

Ngày 24-4-1988, lại xảy ra giao tranh tại khu vực quần đảo Trường Sa giữa Hải quân Trung Cộng và Việt Cộng.

Ngày 25-4-1988, Bộ Ngoại giao Việt Cộng họp báo công bố sách trắng mới về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ngày 12-5-1988, Bộ Ngoại giao Việt Cộng gửi công hàm cho Trung Cộng đề nghị đàm phán về biên giới trên bộ.

69- Tranh chấp hải phận giữa Malaysia và Philippines (4-1988)

Tháng 4-1988, tàu tuần tra Malaysia bắt giữ một số tàu cá chở 49 ngư dân Philippines với cáo buộc xâm phạm hải phận đánh cá trái phép. Phi phản đối kịch liệt và sau đó hai bên cùng tranh giành vùng biển đảo chồng lấn ở phía nam quần đảo Spratly (Trường Sa).

Sau sự kiện tranh chấp này, Philippines đã không ngừng tăng cường lực lượng ở các đảo và bãi đã chiếm đóng, đồng thời xây dựng thêm cơ sở hạ tầng ở một số đảo trên quần đảo Spratly (Trường Sa).

70- Malaysia giải thích chủ quyền các đảo chiếm đóng ở Trường Sa (1988)

Năm 1988, thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Malaysia Toh Muda đưa ra lập luận: ‘Các đảo và đá san hô thuộc chủ quyền của Malaysia và Malaysia trong quá khứ đã khẳng định quyền tài phán của chúng… Chúng nằm trong vùng thềm lục địa của Malaysia và chủ quyền của Malaysia trên các đảo đá đó đã được tuyên bố chính thức qua tấm bản đồ mới của Malaysia và công bố ngày 21-12-1979. …Yêu sách này là phù hợp với Công ước Genève năm 1958 về ranh giới lãnh hải và thềm lục địa và Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982, cũng như thực tiễn quốc tế khác‘. (New Straits Times, 23-1985).

‘Các đảo và đá san hô được giải thích thêm gồm các đảo Swallow Reef (Đá Hoa Lau), Mariveles Reef (Đá Kỳ Vân), Ardasier Reef (Bãi Kiệu Ngựa), Louisa Reef…

71- Tình hình các nước kiểm soát các đảo trên quần đảo Trường Sa đến cuối năm 1988

Tình hình các nước kiểm soát các đảo, đá, bãi… trên quần đảo Trường Sa đến cuối năm 1988:

Việt Nam kiểm soát:

– Cụm Song Tử: Đá Nam, Đảo Song Tử Tây.

– Cụm Nam Yết: Đá Lớn, Đá Núi Thị,  Đảo Nam Yết, Đảo Sơn Ca.

– Cụm Sinh Tồn: Đá Cô Lin, Đá Len Đao, Đảo Sinh Tồn, Đảo Sinh Tồn Đông.

– Cụm Trường Sa: Đá Đông, Đá Lát, Đá Núi Le, Đảo Phan Vinh (Hòn Sập), Đá Tây, Đá Tiên Nữ, Đá Tốc Tan, Đảo Trường Sa, Đảo Trường Sa Đông.

– Cụm Thám Hiểm: Đá/Bãi Thuyền Chài, Đảo An Bang.

Philippines kiểm soát:

– Cụm Song Tử: Đảo Song Tử Đông.

– Cụm Thị Tứ: Đảo Thị Tứ.

– Cụm Loại Ta: Đá An Nhơn, Đá Cá Nhám, Đảo Bến Lạc, Đảo Loại Ta.

– Cụm Thám Hiểm: Đá Công Đo.

– Cụm Bình Nguyên: Bãi Cỏ Mây, Đảo Bình Nguyên, Đảo Vĩnh Viễn.

Trung Cộng  kiểm soát:          

– Cụm Thị Tứ: Đá Xu Bi.

– Cụm Nam Yết: Đá Chữ Thập, Đá Ga Ven.

– Cụm Sinh Tồn: Đá Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa.

– Cụm Trường Sa: Đá Châu Viên.

– Cụm Bình Nguyên: Đá Vành Khăn.

Đài Loan kiểm soát: Cụm Nam Yết: Đảo Ba Bình.

Malaysia kiểm soát: Cụm Thám Hiểm: Bãi Thám Hiểm (Đá Gia Hội, Đá Gia Phú, Đá Sâu), Đá Én Ca, Đá Hoa Lau, Đá Kỳ Vân, Đá Sác Lốt, Đá Suối Cát, Đá Kiệu Ngựa. 

Chưa rõ nước nào kiểm soát:

– Cụm Song Tử: Bãi Đinh Ba, Bãi Núi Cầu, Đá Bắc.

– Cụm Thị Tứ: Đá Cái Vung, Đá Hoài Ân, Đá Trâm Đức, Đá Tri Lễ, Đá Vĩnh Hảo.

– Cụm Loại Ta: Bãi Đường, Bãi Loại Ta Nam, Đá An Lão, Đá An Nhơn Bắc, Đá An Nhơn Nam, Đá Sa Huỳnh, Đá Tân Châu, Đảo Loại Ta Tây.

– Cụm Nam Yết: Bãi/Đá Bàn Than, Đá Đền Cây Cỏ, Đá Én Đất, Đá Nhỏ.

– Cụm Sinh Tồn: Đá An Bình, Đá Ba Đầu, Đá Bãi Khung, Đá Bia, Đá Bình Khê, Đá Bình Sơn, Đá Đức Hòa, Đá Ken Nan, Đá Nghĩa Hành, Đá Nhạn Gia, Đá Ninh Hòa, Đá Phúc Sĩ, Đá Sơn Hà, Đá Tam Trung, Đá Trà Khúc, Đá Văn Nguyên, Đá Vị Khê,

– Cụm Trường Sa: Bãi ngầm Chim Biển, Bãi ngầm Mỹ Hải, Bãi ngầm Nguyệt Xương, Đá Núi Cô, Đá Núi Mon, Đá Núi Trời.

– Cụm Thám Hiểm: Bãi Phù Mỹ, Bãi Trăng Khuyết, Bãi ngầm Khánh Hội, Bãi ngầm Ngũ Phụng, Bãi ngầm Tam Thanh, Đá Long Hải, Đá Lục Giang, Đá Thanh Kỳ, Đá Vĩnh Tường.

– Cụm Bình Nguyên: Bãi Cái Mép, Bãi Cỏ Rong, Bãi Đồ Bàn, Bãi Đồi Mồi, Bãi Đồng Cam, Bãi Đồng Giữa, Bãi Hải Yến, Bãi Hữu Độ, Bãi Na Khoai, Bãi Ôn Thủy, Bãi Rạch Lấp, Bãi Rạch Vang, Bãi Sa Bin, Bãi Suối Ngà, Bãi Thạch Sa, Bãi Tổ Muỗi, Bãi Vĩnh Tuy, Cụm/bãi cạn Nam (Đá Chà Và, Đá Tây Nam), Cụm/Bãi Đá Bắc (Đá Cỏ My, Đá Gò Già), Cụm/Bãi Hải Sâm (Đá Định Tường, Đá Hoa, Đá Hội Đức, Đá Ninh Cơ, Đá Triêm Đức), Cụm Hồ Tràm (Đá Ba Cờ, Đá Hợp Kim, Đá Khúc Giác, Đá Mỏ Vịt, Đá Trung Lễ), Đá Bồ Đề, Đá Đồng Thạnh, Đá Long Điền, Đá Phật Tự, Đá Suối Ngọc, Đá Vĩnh Hợp.

H47Tình hình kiểm soát quần đảo Spratly (Trường Sa) đến cuối năm 1988

_____

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Trích: LÝ ĐĂNG THẠNH – LỊCH SỬ VIỆT NAM

– Tập 2: CÁC VƯƠNG QUỐC CAMPA (192-1832), KHMER (802-1863) VÀ LÀO (1353-1949)

– Tập 4: NƯỚC VIỆT THỜI TRỊNH-NGUYỄN PHÂN TRANH

– Tập 5: NƯỚC VIỆT NAM THỜI TRIỀU NGUYỄN TỰ CHỦ

– Tập 7: ĐÔNG DƯƠNG THUỘC PHÁP (1)

– Tập 9: CUỘC CHIẾN ĐÔNG DƯƠNG LẦN NHẤT

– Tập 11: NƯỚC VIỆT NAM CỘNG HÒA

– Tập 12, 13, 14: CUỘC CHIẾN ĐÔNG DƯƠNG LẦN HAI

– Tập 15: CUỘC CHIẾN ĐÔNG DƯƠNG LẦN BA VÀ THỜI SAU ĐÓ

– Tập 16: NƯỚC VIỆT NAM THUỘC CỘNG (1)

– Tập 22: THƯ MỤC THAM KHẢO VÀ CHỈ MỤC TRA CỨU




 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email  Thảo luận


Những nội dung khác:
Xxng đột Israel-Hamas [13.10.2023 21:10]




Lên đầu trang

     Tìm kiếm 

     Tin mới nhất 
Nhận được tin vui viện trợ Mỹ được Hạ Viện chấp thuận, quân Ukraine tổng phản công đánh bom tàu ​​cứu hộ lâu đời của Nga ở Crimea
Bí mật 30-4 chưa bao giờ tiết lộ : Quân đội Mỹ và VNCH suýt bắn nhau tan nát vào giờ chót Vì Bị Bỏ Rơi
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford!
Nhiều nước thế giới cấm công dân miền Bắc CHXHCNVN nhập cảnh!
Tưởng niệm tháng tư 75
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến
Tưởng niệm cuộc chiến với đại cường TQ anh em môi hở răng lạnh sông liến sông núi liền núi
Tỷ lệ dân số độc thân Việt Nam và Đông Nam Á

     Đọc nhiều nhất 
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin [Đã đọc: 659 lần]
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến [Đã đọc: 648 lần]
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt [Đã đọc: 635 lần]
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế [Đã đọc: 565 lần]
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ [Đã đọc: 531 lần]
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng [Đã đọc: 525 lần]
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học [Đã đọc: 517 lần]
Tưởng niệm tháng tư 75 [Đã đọc: 504 lần]
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford! [Đã đọc: 491 lần]
Nhiều nước thế giới cấm công dân miền Bắc CHXHCNVN nhập cảnh! [Đã đọc: 450 lần]

Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ

Bản quyền: Vietnamville
Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút: Tân Văn.