Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ
     Các chuyên mục 

Tin tức - Sự kiện
» Tin quốc tế
» Tin Việt Nam
» Cộng đồng VN hải ngoại
» Cộng đồng VN tại Canada
» Khu phố VN Montréal
» Kinh tế Tài chánh
» Y Khoa, Sinh lý, Dinh Dưỡng
» Canh nông
» Thể thao - Võ thuật
» Rao vặt - Việc làm

Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca
» Cần mời nhiều thương gia VN từ khắp hoàn cầu để phát triễn khu phố VN Montréal

Bản sắc Việt
» Lịch sử - Văn hóa
» Kết bạn, tìm người
» Phụ Nữ, Thẩm Mỹ, Gia Chánh
» Cải thiện dân tộc
» Phong trào Thịnh Vượng, Kinh Doanh
» Du Lịch, Thắng Cảnh
» Du học, Di trú Canada,USA...
» Cứu trợ nhân đạo
» Gỡ rối tơ lòng
» Chat

Văn hóa - Giải trí
» Thơ & Ngâm Thơ
» Nhạc
» Truyện ngắn
» Học Anh Văn phương pháp mới Tân Văn
» TV VN và thế giới
» Tự học khiêu vũ bằng video
» Giáo dục

Khoa học kỹ thuật
» Website VN trên thế giói

Góc thư giãn
» Chuyện vui
» Chuyện lạ bốn phương
» Tử vi - Huyền Bí

Web links

Vietnam News in English
» Tự điển Dictionary
» OREC- Tố Chức Các Quốc Gia Xuất Cảng Gạo

Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng

Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP



     Xem bài theo ngày 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
   

     Thống kê website 
 Trực tuyến: 14
 Lượt truy cập: 24897013

 
Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng 01.05.2024 17:21
Tuổi già tại Canada
25.02.2014 06:02

Lâm Văn Bé – Tuổi già chúng ta

Khi xưa, Nguyễn Công Trứ lúc 73 tuổi cưới người vợ lẻ thứ mười. Trong đêm tân hôn người vợ thỏ thẻ :

Tân nhân dục vấn  Lang niên kỷ?  Nàng muốn hỏi anh bao nhiêu tuổi ?


Nguyễn Công Trứ dí dỏm trả lời :

Ngũ thập niên tiền nhị thập tam  –    Năm mươi năm trước mới hăm ba

Tết năm nay, vợ một người  Việt di tản hỏi chồng :

Năm nay anh bao nhiêu tuổi?

Chàng trả lời : Ba mươi hai năm trước anh ba mươi lăm.

Cả hai đồng buột miệng, chúng ta đã già rồi !!

Bao nhiêu tuổi gọi là già ?

Cho đến nay, đa số các quốc gia kỹ nghệ ấn định 65 tuổi là tuổi già. Một số nhà lão học (gérontologue), căn cứ vào tình trạng y tế và sinh hoạt kinh tế của con người lại phân chia  thêm trong số tuổi già có ba cấp bậc : tuổi thứ ba (troisième âge) gồm những người từ 65 đến 74 tuổi, tuổi thứ tư (quatrième âge) gồm những người từ 75 đến 84 tuổi và tuổi thứ năm (cinquième âge),  những người từ 85 tuổi trở lên. Đa số người tuổi già thứ ba còn có sức khoẻ tốt, sinh hoạt kinh tế bán thời nhưng từ tuổi thứ tư những triệu chứng bịnh tật, ốm yếu xuất hiện và trầm trọng ở tuổi thứ năm (Helen Bee. Les âges de la vie. 2è éd. Montréal : ERPI, 2003, p.413)

Cái con số khắc nghiệt 65 tuổi qui định một cách máy móc  như trên thực ra dựa vào một yếu tố lich sử. Người ta thường gán ghép tuổi già với tuổi hưu trí. Năm 1889, thủ tướng Đế Chế Đức là Otto von Bismarck thiết lập lần đầu tiên chế độ hưu bổng bằng cách ấn định tuổi về hưu là 65 tuổi [1]. Cần lưu ý là  vào thời nầy rất ít người sống đến tuổi 65 bởi tuổi thọ trung bình của người  Đức lúc ấy chỉ có 37 tuổi. Tuổi về hưu của dân Đức năm  1884  đã được thế giới áp dụng  từ lúc ấy đến nay dù rằng tuổi thọ của người dân càng lúc càng dài thêm. Để tận dụng tối đa sức lao động của con người, Bismarck đã đưa tuổi về hưu đến một  tuổi  mà ít có người dân Đức còn sống được, trong khi thế giới cận đại, khoa học đã giúp con người sống lâu hơn và hưởng thụ nhiều hơn. ( [1]: Theo sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 tại Cộng Hòa Liên Bang Đức)

Tuổi già hôm nay do đó không được tính  bằng  số năm sau ngày sanh, mà  bằng số năm trước ngày tử, tính từ tuổi 65

Theo Viện Thống Kê Québec, một người dân Québécois 65 tuổi  có thể sống thêm 15,5 năm (nam) hay 20 năm (nữ) nữa. Tuy nhiên, trong quảng đời « sống thêm » nầy, phân nửa thời gian đầu, người già có sức khoẻ bình thường, nhưng phân nửa thời gian sau, người già bắt đầu suy yếu, bất lực nhẹ, và đến những năm cuối cùng người già bất  lực nhiều hay mang nhiều tật bịnh.

Bảng 1 : Tuổi thọ người Québécois sau 65 tuổi

Nam8,4 năm                3 năm                 4,1 nămthêm 15,5 năm sau 65 tuổi
Nữ9,5 năm                3,7 năm              6,8 nămthêm 20 năm sau 65 tuổi

Chú thích : trạng thái sức khỏe

        bình thường         bất lực nhẹ            bất lực trung bình hay nặng

( Source :Un portrait de la santé des Québécois de 65 ans et plus. Québec : Institut    national de santé publique du Québec, 2003, p.2-3).

Một cách cụ thể, chúng ta có thể « ước định » tuổi thọ của chúng ta dựa vào bảng xác xuất sau đây căn cứ vào sự ước lượng của một chuyên viên tài chánh của Banque Nationale dựa vào Statistique Canada.

Bảng 2 : Sác xuất tuổi thọ của người Québécois

 

Nam

 

Sác xuất sống đến tuổi nầy

 

Tuổi hiện tại80 tuổi85 tuổi90 tuổi95 tuổi100 tuổi

 

60 tuổi56%39%22%9%2%
65 tuổi60%41%24%10%3%
70 tuổi67%46%26%11%3%
 

Nữ

 

 
60 tuổi75%61%44%27%12%
65 tuổi77%63%46%28%12%
70 tuổi81%66%48%29%13%

Source : Daniel Laverdière. Planification financière, Banque Nationale-Statistique Canada,  citée par La Presse Affaires, 21 octobre 2007, p. 3

Những bảng thống kê trên, tuy phát xuất từ các cơ quan nghiên cứu ở Canada, và  đối tượng nghiên cứu là người Canadiens, nhưng bởi lẽ tình trạng y học và đời sống kinh tế xã hội tại các nước Tây Phương và Bắc Mỹ tương đối giống nhau, những kết quả nầy vẫn có thể có một giá trị phổ quát tại các quốc gia nầy.

Viết về tuổi già người Việt, chúng ta không thể không đề cập đến tuổi già của người dân bản địa, bởi lẽ ngoài đặc tính nhân chủng riêng biệt của chúng ta, cuộc sống hội nhập đã buộc chúng ta sống với nền văn hóa và các định chế của quốc gia nầy. Dù muốn, dù không, tâm tình và tâm tính của chúng ta đã phần nào biến đổi để thích nghi với môi trường sống mới.

Viết về tuổi già người Việt, chúng ta cũng không thế nào thấu hiểu hết các trạng huống  của người Việt, bởi lẽ ngoài cái đời sống phong phú nhưng dị biệt của từng người, lịch sử di dân của chúng ta là lịch sử của những mãnh đời. Nói đến cái nhận định tổng quát chưa hẳn đúng với từng hoàn cảnh riêng, và nói đến phương thức chung có thể chỉ là lời nói gió thoảng mây bay, chẳng ứng dụng gì được cho mọi  trường hợp.

Với những nhận định trên, bài viết không phải là một nghiên cứu xã hội khoa học, càng không phải là mô hình cho tuổi già mà chỉ là góp nhặt đó đây  những  mẫu tin vắn hay dài để chúng ta cùng tản mạn về tuổi già của chúng ta.

Những băn khoăn của tuổi già

Một tuổi già bình an, hạnh phúc là một tuổi già không bị stress. Các nhà nghiên cứu về lão học  nhận định có ba loại căng thẳng thần kinh (stress) mà tuổi già thường gặp.

1- Không như Hồ Xuân Hương khi xưa lúc 40 tuổi đã thảng thốt : Cái già xồng xộc nó thì theo sau  hay như Nguyễn Khuyến lúc 50 tuổi đã than van : Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay, chúng ta bắt đầu cảm thấy già khi những dấu hiệu sinh học bắt đầu suy thoái, thường từ tuổi 60. Chúng ta chậm chạp hơn, hay quên, nghe thấy ít rõ hơn và  như Trịnh Công Sơn đã khéo mô tả :

Chợt một chiều tóc trắng như vôi  (Cát bụi). Biến thoái sinh học trong cơ thể làm chúng ta đôi khi hốt  hoảng khi chúng ta lâm vào một tật bịnh, tuy chúng ta hiểu rằng y học cận đại và điều kiện an sinh  giúp chúng ta trong nhiều trường hợp thoát khỏi hiểm nguy.

Sức khỏe như vậy là mối băn khoăn hàng đầu của tuổi già chúng ta.

Sống lâu và sống bình an là niềm hạnh phúc, nhưng ai cho ta cái diễm phúc nầy. Tuy tôn giáo và đức tin ủy thác cho định mệnh, nhưng y học và cách sống của chúng ta chính là những yếu tố giúp chúng ta sống lâu và sống khỏe. Tuy chúng ta vẫn tin các lý thuyết  trước đây về  bản chất di truyền liên hệ đến tuổi thọ và một số bịnh tật, nhưng những khám phá mới nhất về gènes đã xác quyết giá trị tương đối của lý thuyết nầy.

James W. Vaupel. Giám đốc Laboratory of Survival and Longevity thuộc Viện Nghiên Cứu Max Planck for Demographic Research ở Rostock (Đức) đã tuyên bố như sau : Chiều cao của con người  tùy thuộc đến 80 – 90%  chiều cao của cha mẹ, nhưng tuổi thọ của cha mẹ  chỉ có khoảng 3% ảnh hưởng đến tuổi thọ của chúng ta.

Và ngay cho những căn bịnh có bản chất di truyền như cancer, tiểu đường, bác sĩ Paul Lichteinstein và các đồng nghiệp của ông ở Karolinska Institute ở Stockholm, sau khi phân tích tỉ lệ cancer trên 44 788 người sinh đôi cho thấy chỉ có cancer vú, prostate và colorectal là có yếu tố di truyền, nhưng không lắm quan trọng.

Để kết luận, con người có thể quyết định được tuổi thọ bằng cách sống (mode de vie) và hai yếu tố giúp cho  tuổi già là sự dinh dưỡng và thể dục.

(Le mystère de la longévité, dans Le Devoir, 18 novembre 2006, p. A1)

Theo cuộc điều tra  y tế năm 2001, người dân ở Québec từ 65 tuổi  mang các tật bịnh sau đây :  Huyết áp cao: 37%; Viêm khớp xương ( Arthrite ou rhumatisme): 35% ; bịnh tim : 20%; tiểu đường : 13%; bịnh về tuyến giáp (thyroïde) : 12%; bịnh suyễn : 8%; bịnh đường tiểu, viêm phế quản : 7%; dị ứng thực phẩm : 6%; tăng nhãn áp (glaucome) : 5%; cancer : 4%.

Ngoài ra, bịnh mất trí nhớ (maladie d’Alzheimer)  của người già cao niên là một vấn đề trọng đại cho xã hội  trong những thập niên sắp đến. Năm 2001, Québec với một dân số 8 triệu người  đã có 85 050 người mắc bịnh nầy, và đến năm 2006 tỉ lệ người già bị mất trí  nhớ tăng thêm 8,5% so với 5 năm trước và ước lượng có độ 300 000 người vào năm 2050.

Tuy tuổi già của chúng ta mang những tật bịnh như những người dân bản địa, nhưng các thống kê y tế lại báo động một số tật bịnh đặc biệt đối với người da vàng để chúng ta sớm phòng bị :  đó là bịnh tiểu đường và cao máu là hai bịnh có thể tạo nên nhiều biến trạng nguy hiểm

( Source : Un portrait de la santé des Québécois de 65 ans et plus. Québec : Institut national de santé publique, 2003, p.9)

So với người dân bản địa, người già dân nhập cư, nói chung có sức khỏe kém hơn người già dân bản địa.

Bảng 3 : Tình trạng sức khỏe của người già nhập cư so với người già dân bản địa Canada (2003) – tính theo tỉ lệ

 Già nhập cưGià bản địaNhận xét
 

Những tật bịnh

- Viêm khớp xương

- Đau lưng

- Bịnh tim

- Bịnh tuyến giáp

- Tiểu đường

- Cataracte

 

 

36,1

19,3

13,1

  8,9

15,2

24,9

 

 

 

47,8

23,7

20,7

13,9

13,6

20,8

 

Người già nhập cư ít bịnh về xương, đau lưng, bịnh tim, nhưng bịnh nhiều về tiểu đường và cataracte

Số lần viếng bác sĩ trong một năm

- 0 lần

- 1-2 lần

- 3-5 lần

- 6-11 lần

- 12 lần và hơn

 

6

17,4

35,7

23,7

17,1

 

10

27,6

31,3

18

13,2

 

Số lần viếng bác sĩ của người già dân nhập cư nhiều hơn dân bản địa tăng gia theo số lần, như vậy người già dân nhập cư bịnh nhiều và nặng hơn dân bản địa

Nhận định cá nhân về tình trạng sức khoẻ

Rất tốt/Tốt

- Trung bình

- Kém

 

28,1

40,6

31,3

 

38,1

36,8

25,1

 

28% người già nhập cư nhận định rằng sức khỏe rất tốt so với 38% người già bản địa, và ngược lại 31% người nhập cư cho là sức khỏe kém so với 25% dân bản địa

Source : Portrait des  aînés du Canada, p. 312,313

2- Lợi tức xuống thấp lúc tuổi già nhưng nhu cầu về sức khoẻ và giải trí trong tuổi về chiều lại gia tăng, stress về tài chánh là  ưu tư thứ haikhông kém quan trọng so với nỗi ưu tư về sức khỏe.

Khi chúng ta gặp tai biến hay lúc trà dư tửu hậu, chúng ta hay có lối nói thời thượng hay triết lý là tiền bạc không đem lại hạnh phúc, nhưng thực tế, tiền bạc là phương tiện thiết yếu  để đảm bảo một  đời sống bình thường, nhứt là vào cuối đời người.

Trái với tổ chức xã hội  Đông phương theo đó người già trông cậy vào sự trợ giúp  của gia đình, người già tại các quốc gia Tây phương phải tự túc, nếu không nhờ chánh phủ.

So với các quốc gia phát triển G8, Canada có chánh sách đãi ngộ người già tương đối tốt và quân  bình bởi lẽ đa số người già sống nhờ vào quỹ hưu bổng hay trợ cấp của chánh phủ, lợi tức của người già do đó không cách biệt nhiều lắm.

Các bảng thống kê sau đây cho chúng ta một ý niệm về lợi tức của người Québécois 65 tuổi trở lên.

Năm 2001,  Lợi tức đồng niên trung bình của người Québécois 65 tuổi trở lên là 20 558$ (đàn ông : 26 537$, đàn bà ít hơn chỉ có 16 153$). So với các tỉnh bang khác của Canada, lợi tức trung bình của người già Québécois chỉ bằng các tỉnh bang vùng Atlantique, thua xa o­ntario và các tỉnh miền Tây.

Lợi tức trung bình người già Québécois gốc Việt ít hơn người già Québécois pure laine độ 8000$.

Bàng 4 : Lợi tức trung bình đồng niên của người từ 65 tuổi trở lên theo tỉnh (năm 2001)

TỉnhLợi tức trung bình đồng niên
Québec20 558$
Vùng Atlantique20 542$
Vùng Tây24 512$
Ontario25 190$

Năm 2001, 44% người già Québécois sống dưới mức lợi tức tối thiểu (* xem chú thích),  do đó một số khá lớn người hưởng hưu bổng Canada (pension de la sécurité de vieillesse=PSV) phải dựa vào phụ trội hưu bổng(Supplément de revenu garanti = SRG), trong đó có 7% nhận tiền phụ trội tối đa.  Tuổi càng cao, người già càng lệ thuộc nhiều vào SRG. Ở Québec, thống kê năm 2001 cho biết tỉ lệ người từ 65-74 tuổi nhận SRG là 44%, gia tăng đến 52% đối với lớp người từ 75 tuổi trở lên.

* Chú thích : Trái với nhiều quốc gia trên thế giới ấn định ngưỡng nghèo hay lợi tức tối thiểu (seuil de la pauvreté), Canada thay thế bằng danh từ ngưỡng lợi tức thấp (seuil de faible revenu) theo đó phân chia tùy theo nơi cư trú (thôn quê, thành phố đông dân, ít dân bởi lẽ giá đắc đỏ khác nhau).

Ngưỡng lợi tức thấp ở Québec (trung bình) năm 2002 sau khi trừ thuế                         

                                               độc thân (16 tuổi và hơn) : 12 614$,

vợ chồng  không con : 17 660$,

vợ chồng 1 con : 21 444$, 2 con : 25 228$, 3 con : 29012$ .

Source : La réalité des aînés québécois, 3è éd., 2007, p. 200

                                  

Bảng 5 :Lợi tức đồng niên người Québécois từ 65 tuổi  tính theo tỉ  lệ (năm 2001)

Lợi tứcTỉ lệ
dưới 15 000$44%
từ 15 000 đến 24 999$32%
từ 25 000 đến 34 999$10%
từ 35 000 đến 49 999$  8%
trên 50 000$  5%

 

Bảng 6 : Tỉ lệ người  Québécois từ 65 tuổi hưởng phụ trội hưu bổng SRG (năm 2001)

TuổiTỉ lệPhụ trội trung

bình đồng niên

65- 69342836$
70-74442899$
75 +523411$

 

Bảng 7 : Các nguồn lợi tức của người Québécois từ 65 tuổi tính theo tỉ lệ (năm 2001)

Lợi tức(PSV)SRG

 

RRQQuỹ tưTiết kiệm LươngLợi  tức

khác

dưới 15 000$4520182582
15 000-24 999$3053020825
25 000-34 999$18 22451023
35 000-49 999$10 20501523
trên 50 000$2 105016202

 

Chú thích

PSV : Pension de sécurité de la vieillesse : hưu bổng Canada

SRG : Supplément du revenu garanti : phụ trội  hưu bổng Canada

RRQ : Régime de rentes du Québec : hưu bổng Québec

(Source : bảng 7-10 : Régie de rentes du Québec.Le revenu des personnes retraitées )

Theo các bảng thống kê trên, 75% người Québécois trên 65 tuổi có lợi tức đồng niên dưới 25 000$. Họ lệ thuộc phần lớn vào các hưu bổng và  trợ cấp của chính phủ, nhất là lớp người có lợi tức dưới 15 0000$ (85% lợi tức).  Với lớp người có lợi tức từ 15 000 đến 25 000$, hưu bổng của  Canada và Québec  chiếm ngang nhau trong số 60% lợi tức. Chỉ lớp người có lợi tức cao hơn  25 000 $, các quỹ hưu trí tư của các xí nghiệp, công sở vượt qua các hưu bổng  của chánh phủ. Đặc biệt với  lớp người có lợi tức cao hơn 50 000$, ngoài các quỹ hưu trí tư, còn có tiền lời của các quỹ tiết kiệm và tiền lương, bởi lẽ đa số lớp người nầy còn tiếp tục làm việc toàn thời hay bán thời.

Cácbảng thống kê trên là lợi tức của người Québécois có nhiều nguồn lợi tức khác nhau khi tuổi già. Đối với người « vô sản » chỉ dựa vào chánh phủ, lợi tức tuy có ít hơn nhưng mức chênh lệch thực ra không quá lớn so với các lớp người già khác, bởi ngoài tiền hưu bổng và phụ trội, họ còn được hưởng miễn phí hay giảm phí một số dịch vụ khác của chính phủ.

    Bảng 8 : Hưu bổng và trợ cấp của chính phủ cho người già Québécois năm 2007

Loại hưu bổngNgười thụ hưởngHưu bổng tối đa mỗi thángLợi tức tối đa

đồng niên

Canada-Hưu bổng

(PSV)

65 tuổi trở lên497,83 $     (1)63 511$

( 2)

Phụ trội Supplément de Revenu garanti (SRG) (3)độc thân628,36$15 096$
 Hôn phối người đã hưởng tiền già414,96$19 920$
 Hôn phối người chưa hưởng tiền già628,36$36 192$
 Hôn phối người đã hưởng trợ cấp414,96$36 192$
Trợ cấp (Allocation )Chú thích 4912,79$27 888$
Trợ cấp cho người goáChú thích 51011,80$20 304$
Québec 

Hưu bổng RRQ

Chú thích 6863,75$ 

Chú thích :

(1)   : đối với dân nhập cư, phải đến Canada trước ngày 1 tháng 7 năm 1977 mới được hưởng tối đa. Nếu đến sau ngày nầy, tính theo tỉ lệ số năm từ lúc định cư đến 65 tuổi chia cho 40 (497,83 X số năm định cư) :40

(2)   Những người có lợi tức đồng niên trên 63 511$ sẽ bị giảm bớt hưu bổng dần dần cho đến 103 101$ thì không được hưởng PSV. Tỉ lệ cắt giảm là 15%.

Thí du một người già có lợi tức là 80 000$ sẽ bị giảm bớt :

(80 000$- 63 511$) X15% = 2473$ (năm) hay 206$ (tháng)

(3)   Điều kiện để hưởng Supplément de revenu garanti (SRG): người già 65 tuổi có lợi tức cá nhân hay gia đình thấp

(4)    Điều kiện để hưởng trợ cấp (Allocation) : người hôn phối từ 60-64 tuổi của người đã hưởng tiền già Supplément de revenu garanti. Người Việt thường gọi nôm na là « ăn theo »

(5)   Cho người hôn phối từ 60-64 tuổi của người đã hường PSV và SRG tạ thế. Trợ cấp nầy sẽ chấm dứt khi người thụ hưởng đến 65 tuổi.

(6)   Công nhân có đóng cho quỹ RRQ ít nhất một năm. Thông thường được hưởng lúc 65 tuổi, số tiền Rentes du Québec bằng 25% tổng số tiền đã đóng cho quỹ, nhung có thể được huởng lúc 60 tuổi nếu ngưng làm việc (nhưng bị trừ 6% mỗi năm trên số tiền trên nguyên tắc sẽ lảnh được lúc 65 tuổi). Thí dụ với tiền hưu là 863$ lảnh lúc 65 tuổi, nếu lảnh lúc 60 tuổi  sẽ bị trừ 30% , chỉ còn 604$ cho đến chết.

Nếu sau 65 tuổi còn tiếp tục làm việc thì phải đóng cho tới 70 năm, tiền hưu bổng sẽ   tăng theo tỉ lệ đã đóng thêm.

Vì lẽ số người già gia tăng  trong các thập niên sắp đến, ngân sách về y tế và phụ cấp cho người già là một thách thức lớn đối với Canada. Hiện nay, hưu bổng Canada và phụ cấp SRG đã chiếm 17% ngân sách liên bang, và theo nhà kinh tế nổi tiếng William Robson của Viện nghiên cứu C.D.Howe, chỉ riêng mục chi tiêu này, chánh phủ phải trả 130 tỉ hàng năm cho người già không kể  120 tỉ chi phí y tế hàng năm trong vòng 50 năm tới (10% lợi tức quốc gia = PIB)

(Source : Claude Picher, La Presse 6 octobre 2006, cahier La Presse Affaires)

Nếu người già thường chỉ trích chánh phủ hạn chế lợi tức của họ qua các chánh sách thuế khóa, họ cũng phải công nhận  rằng Canada là một quốc gia có một hệ thống y tế công cộng tốt, đặc biệt với sức khỏe của người già. Năm 2000, ngân sách y tế của Canada lên đến 95 tỉ, trong đó 43% dành cho người già. Và cũng phải hiểu thêm là chi phí y tế cho người 85 tuổi trở lên gấp 4 lần so với người từ 65 đến 74 tuổi, và số người ở tuổi thứ 5 nầy có khuynh hướng gia tăng nhiều không những ở Canada mà cả Bắc Mỹ (Les âges de la vie, p.413)

Năm 2003, người già từ 65 tuổi phải chi tiêu trung  bình hàng năm cho nhu cầu sức khỏe như sau :

- độc thân nam giới   :   996$  (3,9% lợi tức)

- độc thân nữ giới     : 1025$  (4,7% lợi tức)

-  vợ chồng              : 2205$  (5,2% lợi tức)

(Source : Les aînés au Canada- Bulletin 2006)

Ngoài việc tài trợ y tế, chánh phủ còn phải cung ứng một số dịch vụ khác cho người già, nhất là đối với người có lợi tức thấp. Năm 2000, chánh phủ Canada phải tài trợ 639 000 đơn vị gia cư xã hội (logement social) trong đó 30% dành cho người già.

(Vieillir au Canada- Rapport préparé par Santé Canada, 2002)

Nói tóm lại, chánh phủ phải vay tiền để tài trợ các chương trình, người dân phải vay tiền để tiêu xài và để trả nợ  công và  tư, Canada đang trực diện với những thách thức lớn .

 

Đối với người VN, một số người già  tìm lối thoát về tài chánh qua chữ hiếu của con cái.

Chỗ tôi làm việc là chỗ ông đi qua bà đi lại, tôi được các bạn độc giả đồng hương, phần lớn cùng thế hệ dừng bước để kể chuyện vui lẫn chuyện buồn, chuyện mình, chuyện người. Hai mươi năm trước các ông bà khoe con học các ngành sĩ, ngành sư, sau đó mươi năm là chuyện đám cưới to, đám cưới có lọng, và vài năm gần đây là than trách con cháu bất hiếu. Những chuyện ngộ nghĩnh, nhiều chuyện thương tâm và nếu phải ghi lại, tôi có cả cái kho tàng hỉ nộ ái ố.

Tôi bất lực khi bị làm trọng tài, tôi chỉ biết rằng đó là nỗi xâu xé của hai hệ thống giá trị khó có thể gặp nhau. Đối với luân lý hay khế ước xã hội Á Đông, cha mẹ phải nuôi dưỡng con cái khi thơ ấu và ngược lại con cái phải phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Đó là một chuỗi quyền lợi và bổn phận liên tục trong một xã hội nông nghiệp và công nghiệp, khi chế độ đại gia đình ba bốn thế hệ sống chung nhau dưới quyền sinh sát của một tộc trưởng, phù hợp với tổ chức kinh tế, xã hội và tư tưởng Khỗng Mạnh. Đem cái hệ thống giá trị nầy áp dụng cứng nhắt vào văn hóa và kinh tế Tây phương, lòng hiếu thảo là lý do của bao thảm trạng gia đình người Việt.

Phải hiểu rằng con chúng ta đâu còn sống chung với chúng ta để có những ràng buộc chặt chẽ về kinh tế và tình cảm như  thế hệ chúng ta hay ông cha chúng ta. Kể từ thế hệ con cháu chúng ta, bổn phận chỉ có một chiều, nuôi con là bổn phận của cha mẹ và hệ thống kinh tế cũng như văn hóa mà chúng đang sống khiến chúng không có khả năng cùng một lúc làm chủ kinh tế và tình cảm cho hai gia đình, gia đình của chúng và của cha mẹ chúng.

Cái thảm trạng không phải vì con chúng ta lạnh lùng thiếu bổn phận với chúng ta mà đôi khi chúng ta kết tội  bất hiếu, cũng chẳng phải lỗi của chúng ta đòi hỏi tình cảm và tiền bạc mà chúng ta đôi khi bị giới trẻ trách móc chúng ta lợi dụng.

Cái thảm trạng là chúng ta và con chúng ta cùng sống trong môt cảnh đổi đời, đổi hệ thống giá tri. Chắc hẳn đến thế hệ cháu chúng ta sẽ không còn có cái thảm cảnh chữ hiếu ! Chúng tôi được nghe những hoàn cảnh trái ngang, đại loại đứa con trai, làm lương tối thiểu chỉ vì chữ hiếu phải cung phụng cho cha mẹ về VN  mỗi năm ít nhất một lần để gia đình đứa con phải tan nát,  hay  cảnh  quan tài người cha nằm lạnh lẽo trong nhà quàn với mấy vòng hoa và nén hương đã tắt khi con cháu viện dẫn phải đi cày để không  bị  mất job. Dĩ nhiên đó là  chuyện cùng cực, nhưng còn chuyện sứt mẻ vì chữ hiếu thì  rất nhiều.

Cái ngang trái của chữ hiếu đã được dựng thành một phim tài liệu có giá trị được xướng danh nhiều giải thưởng năm 2002. Cuốn phim tựa là A daughter from Danang, kể chuyện một người con gái lai Mỹ, rời Đà Nẳng năm 7 tuổi trong Operation Babylift năm 1975. Sau 22 năm, năm 1997, cô Mỷ lai Heidi trở về Đà Nẳng thăm bà mẹ là Mai thị Kim. Cảnh trùng phùng mẹ con vô cùng cảm động, nhưng chỉ vài ngày sau, cảnh đoàn tụ trở thành cảnh bẽ bàng. Mẹ Heidi muốn Heidi rước qua Mỹ để bỏ đi những ngày gian khổ, ông anh trai cùng cha khác mẹ cho biết bây giờ là lúc Heidi phải lo cho cả đại gia đình. Heidi từ chối bởi lẽ cô cảm thấy không trách nhiệm gì cả với cái nghèo khó của gia đình mẹ. Đành rằng cô khá giả hơn, nhưng cô phải đối phó với những chi tiêu bắt buộc cho cô, cho hai con và chồng cô. Dĩ nhiên, nỗi thất vọng và đau đớn của bà mẹ nghèo VN trước sự từ chối lạnh lùng của đứa con mà xã hội VN cho là bất hiếu làm  người xem thương cảm. Heidi  trở về Mỹ trong nỗi bàng hoàng, vui mừng gặp lại chồng con và cô muốn quên đi  chuyện VN.

Cuốn phim phơi bày một thảm trạng về sự xung đột giữa hai nền văn hóa Đông và Tây đưa tuổi già và tuổi trẻ vào cơn lốc.

Đó là chuyện phim ảnh và bên Mỹ,  tôi muốn kể một chuyện thực và ở Montréal. Cách đây không lâu, tôi tình cờ gặp lại bà cụ làm bánh cam ở khu Barclay mà những năm đầu tiên ở xứ người ai cũng có dịp đến nhà bà để đặt mua. Sau gần ba mươi năm, lưng bà đã còng nhiều, nhưng bà vẫn tiếp tục đem bỏ mối bánh cam của bà trong các bọc nylon cho các tiệm thực phẩm VN.

Một người quen cũ hỏi bà :

-         Con gái cụ bây giờ làm bác sĩ mà cụ vẫn làm bánh cam sao?

-         Ơ nầy, con tôi làm bác sĩ chứ có phải tôi làm bác sĩ đâu ! Nó có cuộc sống của nó, tôi có cuộc sống của tôi.

Tôi nghĩ chắc bà hạnh phúc, tuy bà vẫn biết Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra  hay  Trẻ cậy cha, già cậy con.

Bà là hiện thân của tình mẫu tữ chân chất, của Tình mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào. Cũng một  cảnh ngộ, bà Mai Thị Kim ở VN bị dày vò vì con không giúp đỡ mẹ và mất tình mẫu tử, bà cụ bán bánh cam ở Montréal sống một tuổi già hạnh phúc và tôi nghĩ là con bà cũng hạnh phúc. Phải chăng, đó chỉ là quan niệm khác nhau về chữ hiếu ?

Thủ phạm của chuyện phong hóa suy đồi, con cái bất hiếu với cha mẹ già nua là cái văn hóa cá nhân chủ nghĩa của Âu Mỹ.

Thực ra, tình trạng người già ở cái xã hội phát xuất nền đạo lý nầy vẫn bi đát vì hiện nay người già Trung Quốc bị con cái bỏ rơi đến đổi chánh quyền nhiều địa phương phải dùng biện pháp cứng rắn để trừng phạt những đứa con mà luật pháp và xã hội kết tội là bất hiếu như sau :

-         Bị niêm yết trên các bảng cáo thị công cộng tên tuổi những đứa con  không về thăm cha mẹ ít nhất một lần trong vòng ba tháng.

-         Bị phạt một số tiền tương đương với 5 mỹ kim nếu không về thăm cha mẹ nhân ngày Tết

-         Bị bỏ tù có thể đến 5 năm nếu bỏ bê không săn sóc cha mẹ

(theo báo Los Angeles Times ngày 15-4-2006 viện dẫn bởi Huy Phương trên khoahoc.net ngày 24-08-2006)

Khảo sát người già ở VN do Viện Xã hội học  VN  thực hiện năm 1996 (lần đầu có cuộc khảo sát nầy) cũng có ấn tượng như người già ở hải ngoại.

Bảng kết quả tỉ lệ (%) người già nhận sự giúp đỡ và chăm sóc của  con cháu cho thấy như sau :

                                 Bảng 9 : Người già ở Việt Nam

Hình thức giúp đỡKhông cóThỉnh thoảngThường xuyên
Tiền/Vật dụng lớn65,2%32,3%2,5%
Thức ăn/Vật dụng nhỏ13,6%61,6%24,8%
Thăm nom0,3%26,1%73,3%
Sinh hoạt hằng ngày72,1%17,1%10,8%

(Bùi Thế Cường. Nghiên cứu về tuổi già VN. Hanoi  : NXB Đại hoc Quốc Gia, 2005, tr.182)

Bảng thống kê trên cho thấy tuổi già ở VN hôm nay đa số vẫn phải tự lập về tài chánh. Đã qua rồi cái cảnh phụng dưỡng cha mẹ theo  kiểu Nhị Thập tứ hiếu. Con cái hôm nay chỉ có thể giúp ngặt chớ không thể giúp nghèo cho cha mẹ. Chỉ có điều khác biệt với tuổi già chúng ta ở đây là con cái ở VN còn thường xuyên thăm nom cha mẹ (73, 3%) không như chúng ta ở đây, muốn chúng về thăm chúng ta thì phải làm cơm mời chúng về ăn, muốn chúng mang cháu về thì phải chờ lúc cháu bịnh vì nhà giữ trẻ từ chối.

 

3- Ngoài  những nỗi băn khoăn hay thực sự khó khăn về sức khỏe và tài chánh, tâm trạng cô đơn, hụt hẫng khi con cháu đã tung cánh, cái mặc cảm bớt hữu dụng hay vô dụng vì hình hài thay đổi, tim óc cằn cỗi là những nỗi đau tâm lý của tuổi già .

Theo các nhà lão học, những nỗi đau tâm lý của tuổi già gồm chính yếu là: sự bất bình, sự buồn thảm, sự thất vọng, sự mất thể diện.

Tuy nhiên, nếu về phương diện thể chất, người già sắc tộc yếu đưối, bịnh tật nhiều hơn người già dân bản địa, thì ngược lại về tinh thần, người già sắc tộc tỏ ra rắn rỏi hơn.

Statistique Canada đã cho biết theo cuộc điều tra năm 2003, mức độ ưu phiền tâm lý của người già dân nhập cư mới ít hơn người dân nhập cư cũ và người bản địa theo bảng đo sau đây :

- Người già dân nhập cư mới (đến Canada sau 1981 ) : 3,5

- Người già dân nhập cư cũ (đến Canada trước 1981 ) : 3,8

- Người già dân bản địa : 4,4

( Chú thích : số càng nhỏ, càng ít bị stress)

Source : Portrait des aînés du Canada, p. 298.

Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau là sự thần thánh hóa tuổi già của Trịnh Công Sơn trong Hạ Trắng, nhưng thực tế văn hóa Âu Mỹ vứt bỏ, ruồng rẫy áo đã nhàu, tóc đã bạc. Những định kiến tiêu cực về tuổi già hằn sâu trong xã hội, tuổi già một là gánh nặng kinh tế cho quốc gia và gia đình, ngăn chặn bước tiến của xã hội.

Trong một nghiên cứu mới nhất về tuổi già, Denise Dubé đã liệt kê 14 khuôn đúc (stéréotypes) về tuổi già , trong đó nhiều định kiến tiêu cực (từ số 6 đến 14) chuyên chở những hình ảnh bất an, yếu kém, lệ thuộc và cô lập của người già. Các bạn xem trong bảng phong thần nầy, các bạn rơi vào những trường hợp nào:

1-     Thích giao tế (sociable) và hợp bạn

2-     Thích cười đùa

3-     Thích bài bạc và các trò chơi cùng loại

4-     Rất yếu ớt để tập thể dục

5-     Không quan tâm đến sắc dục

6-     Sợ tương lai

7-     Thích kể chuyện người khác và chuyện mình

8-     Nói lải nhải chuyện lẩm cẩm (radoter)

9-     Thích lệ thuộc con cháu

10- Hay bịnh và tiêu thụ thuốc nhiều

11- Tương đối sạch ( hiểu nghĩa : không sạch lắm) và lơ đểnh vóc dáng

12- Rất tin tưởng tôn giáo và luôn cầu khẩn

13- Rất nhạy cảm và lo âu

14- Nghèo, túng thiếu.

(Denise Dubé. Humaniser la vieillesse. Montréal : Éditions Multimondes, 2006.p. 11)

Tuổi già không có giá trong xã hội và ngay cả trong ngành y học. Người già càng lúc càng đông nhưng ngành lão y chỉ bắt đầu là một chuyên ngành ở Québec từ 1987. Sinh viên ít chọn, càng ít hơn với y tá. Bác sĩ  Michel Dugas, trong hội nghị quốc tế lần thứ 7 về lão học (gérontologie) và lão y (gériatrie) họp tại Québec năm 2006 đã nói : « Những đồng nghiệp của tôi cười mũi khi biết tôi là bác sĩ chuyên khoa về lão y, nhưng họ là người đầu tiên kêu tôi để chăm sóc mẹ của họ » (Le Soleil, 3-10-2006).

Nếu tuổi già không có giá trong gia đình Tây phương cận đại là chuyện thường tình, hiện tượng  tuổi già bị  mất uy quyền, mất sự kính trọng trong gia đình Việt Nam là một xúc phạm lớn, là điều mà các bậc cha mẹ VN chưa dễ dàng chấp nhận. Đây là một góc cạnh khác của thảm trạng gia đình VN.

Pearl Buck trong tiểu thuyết The mother kể chuyện một bà mẹ Trung hoa, nhai cơm, đút cơm cho con. Khi đứa con du học trở thành bác sĩ, cưới vợ Mỹ trở về nước tỏ ra ghê tởm mẹ, xem mẹ thiếu vệ sinh.

Chuyện một người di tản làm thợ sửa nhà ngày đêm để có đủ tiền gởi cho con học ở Brébeuf, một trường tư thục nổi tiếng và học phí cao. Khi có chuyện xung đột, đứa con mạt sát cha là không lương thiện, trốn thuế vì người cha đã làm chui.

Có gì đau đớn hơn nỗi hi sinh nhục nhằn của cha mẹ biến thành một sai trái, tội lỗi. Tuổi trẻ VN đã vong ân, vong bản hay tuổi già VN bảo thủ, độc tài. Con người, dù cho già trẻ, đen đỏ đều có khối óc để suy xét và trái tim để thương yêu. Phải hiểu rằng những trạng huống trên là đoạn kết của những giằng co, xô xát dữ dội mà cả hai phía già trẻ đều vướng mắt vì sự khác biệt trong nhận thức và nhân sinh quan.

Có những cha mẹ lo lắng săn sóc con cái khi chúng đã trưởng thành y như thuở chúng còn trẻ thơ. Họ áp đặt hành động và suy nghĩ của họ trên con cái với một số giáo điều mà họ quên rằng mớ kiến thức của họ nhiều khi chẳng ứng dụng được gì trong một nền văn hóa và kỹ thuật khác với điều họ đã học hỏi từ trường học hay trường đời của họ. Nhân danh tình thương, họ sợ xa con họ, sợ kẻ khác chia sẻ tình thương và quyền lợi của con họ và có khi không ngần ngại những mưu chước để thỏa mãn lòng ích kỷ của họ. Những thảm kịch tan nát gia đình vì chữ hiếu áp đặt hay mù quáng là những điều nên tránh của những cha mẹ có lương tri.

Có những đứa con đã thành danh, hoặc nhờ sự bảo bọc thương yêu của cha mẹ, hoặc do chính sự cố gắng của chính họ nhưng chóng quên gốc nguồn, đạo lý. Họ quên rằng nền văn hóa nào cũng đề cao  trật tự, thành tín và tương quan. Họ bất kính với cha mẹ, lánh xa cha mẹ và thâm chí có kẻ sợ sự hàn vi của cha mẹ thiệt hại đến vị trí của họ trong xã hội. Họ phải hiểu rằng cha mẹ họ đã hi sinh cả sự sống để đem lại sự sống cho họTrong bất bình xung đột, họ phải cố gắng thấu hiểu nổi thống khổ của cha mẹ họ trên quê hương và ngoài quê hương để cùng cha mẹ  hóa giải những dị biệt, giúp cha mẹ  dễ dàng sống với tuổi già.

Một tuổi già hạnh phúc là tuổi già có những  giao hảo tốt đẹp với con cháu và bạn hữu

Trong một cuộc  điều tra rộng lớn ở Hoa Kỳ với 11 000 người hơn 65 tuổi, 63% cho biết gặp mặt con  ít nhất 1 lần trong tuần, 16% 3 lần trong một tháng và chỉ có 21% 1 lần một tháng hay ít hơn. Tuy những cuộc thăm viếng nầy đem lại nguồn vui cho tuổi già, nhưng những nghiên cứu khác cho thấy niềm vui của tuổi già còn thắm thiết hơn với bạn bè, tuy số bạn có khuynh hướng thu nhỏ lại  (Les âges de la vie, p.454-455).

Đem thống kê nầy áp dụng cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại, chúng tôi thật ái ngại về mức độ thăm viếng, săn sóc của con cái với cha mẹ.

Ông Nguyễn Hiến Lê, tuy không sống ở hải ngoại nhưng có rất nhiều bạn ở nước ngoài về kể và ông đã ghi lại :

Người Âu Mỹ lớn rồi thì ra ra riêng, có khi cả tháng, cả năm không lại thăm cha mẹ một lần. Cha mẹ già thì đưa vào nhà dưỡng lão. Một ông già nọ bước chân vào nhà dưỡng lão, quay lại nhìn đứa con trai, nghe nó dặn nhỏ : Ba đừng nói hở tên gia đình mình ra nhé!

Mỗi vụ hè có hàng ngàn người ở Paris đem cha mẹ lại gởi một bệnh viện rồi hết hè, họ « quên » không tới đón về, bỏ mặc cho chính phủ làm gì thì làm. Mấy ông bạn tôi ở Pháp đều phàn nàn về lòng bạc bẽo của con cái, nhất là những đứa con trai có vợ ngoại quốc. Mười đứa thì có tới chín đứa không nuôi cha mẹ. Tôi mới nghe nói vợ một học giả quá cố VN rất có tiếng tăm, chỉ có mỗi một con gái có chồng Pháp vào hạng khá giả , mà bị con gái hất hủi, cấm không cho vô nhà chỉ vì làm phiền vợ chồng nó thôi, và bà cụ đã gần 80 tuổi đành phải lại ở nhờ một người cháu, không biết được bao lâu và sẽ bị cháu đuổi nữa không ?

(Nguyễn Hiến Lê. Hồi ký tập 2, tr. 167).

Ông Nguyễn Hiến Lê kể chuyện bạc bẽo, thiếu kính trọng của giới trẻ ở nước ngoài. Ông biết đâu, chính trên đất nước ông đang sống, lối giáo dục phi nhân, tôn thở chủ nghĩa và chủ tịch cũng làm gia đình VN không khá gì hơn so với các gia đình VN ở hải ngoại.

Trong cuộc điều tra về sự kính trọng người già trong gia đình và xã hội, bản báo cáo đã viết :

62,6% người cao tuổi nói họ nhận thấy người già được kính trọng trong gia đình, có thể nói đây không phải là một tỷ lệ cao. Sự kính trọng người già ở bên ngoài gia đình còn đáng lo ngại hơn : chỉ có 38% cho rằng người già được kính trọng trong cộng đồng và xã hội nói chung. So với thời gian trước, 57,5% thanh niên ngày nay ít kính trọng người già.

(Bùi Thế Cường. Nghiên cứu về tuổi già VN. Hanoi : NXB Đại Học, 2005, tr. 34)

Phân loại người già

Viết về tuổi già là viết về vô hạn. Để có thể tổng thể, chúng tôi tổng hợp các hình loại tuổi già qua các công trình nghiên cứu để từ đó chúng ta tự trắc nghiệm và tự tìm một lối sống thích nghi có được tuổi già an lạc.

Tuổi già, nói chung có thể phân thành hai loại : tuổi già hạnh phúc, hòa hợp và tuổi già bất an, bất hạnh.

Người già hạnh phúc

-         Người già chín chắn ( les matures)

Là những người có phong cách dễ thương, hội nhập vào thế giới chung quanh, tự tin, tự chủ và tin tưởng tương lai. Họ có cử chỉ, hành động tự nhiên nhưng có suy xét, độc lập tư tưởng nhưng độ lượng, nói chung là người có trạng thái tâm thần quân bình nhứt.

Về sinh hoạt, họ có thể là những người tái tổ chức (les réorganisateurs), dấn thân vào một số dự án mới, hay những người tư duy (les réfléchis) chỉ hạn chế một số công việc, dành nhiều thì giờ cho giải trí và gia đình, hay những người giải ước (les désengagés), chấp nhận  rời bỏ hoàn toàn các trách vụ cũ để  thụ hưởng trọn vẹn tuổi già.

-         Người già ru rú xó nhà (les pantouffards)

Là những người hạnh phúc với tuổi già theo lối thụ động và lệ thuộc vào kẻ khác. Họ sung sướng khi không phải đảm nhiệm một trách nhiệm gì, chấp nhận vui vẻ sự giúp đỡ người khác tuy không nhất thiết đòi hỏi, ít giao tiếp với thế giới bên ngoài, bằng lòng với quá khứ. Đó là những người già  thích đong đưa trên ghế, và do đó thường hay bị các bịnh về cơ thể vì kém năng động

Tùy mức độ lệ thuộc và thụ động, họ có thể là  những người già lệ thuộc vào kẻ khác (les dépendants) chỉ thấy hạnh phúc khi có sự giúp đỡ và những  người thụ động (les apathiques) chỉ thấy hạnh phúc khi có người quyết định thay thế.

-         Người già cứng rắn (les endurcis)

Là những người quyết tâm không biểu hiện tuổi già bằng các sinh hoạt năng động, phát triển các tâm thức cứng rắn để kềm giữ tình cảm, không hưởng thụ thú vui. Sự thành công về quyền lực và tài chánh trong quá khứ và hiện tại là lý tưởng, họ chỉ buông tay khi sức khỏe không cho phép.

Người già bất hạnh

-         Người bất mãn (les mécontents)

Là những người có thái độ  tiêu cực, cay đắng hằn học, đố kỵ kẻ khác. Họ luôn trách móc kẻ khác khi họ lầm lỗi hay không đạt được ý muốn, không chấp nhận  tuổi già của họ, khinh rẻ giới trẻ và  rất sợ chết.

-         Người trầm uất (les dépressifs)

Là những người mất niềm tin, tự trách mình, thương xót hay đau xót vì quá khứ. Họ cảm thấy đời sống vô vị và cái chết là một giải thoát.

 

Sống với tuổi già hạnh phúc

Hạnh phúc không có chỉ số, càng không có công thức. Đạt được hạnh phúc là một hành trình và đáp số cá nhân.

Sống trên đất mới, tuy chúng ta quây quần bên cạnh cộng đồng người Việt, chúng ta vẫn phải hội nhập với lối sống và suy tư của người dân đất mới. Trong viễn tượng ấy, chúng ta thử tìm trong các phương thức thực hiện một tuổi già hạnh phúc của người dân ở đây để rút tỉa được bài học nào khả dĩ bồi dưỡng tuổi già của chúng ta

Simone de Beauvoir trong tác phẩm nổi tiếng của  bà  La vieillesse (1970) nhận định rằng để cho tuổi già không là giai đọan của những cay đắng, thất vọng hay buồn chán, mỗi người già phải tìm cho mình một ý nghĩa của cuộc sống khơi dậy từ quá khứ, hiện tại hay trong đời sống tôn giáo tâm linh. Hôm qua, ta đã cống hiến mạng sống ta để bảo vệ tự do cho đất nước, cho sự tái xây dựng của gia đình, hôm nay ta có một đàn con cháu dễ thương, những người bạn chân tình, và ngay trong những trạng huống khổ đau, ta tìm giải thoát trong lời kinh tiếng kệ, đó là ý nghĩa cuộc sống của tuổi già.

Rokeach trong The nature of human values (1973) đề nghị một hệ thống giá trị gồm 4 cấp bậc.

Bậc thấp nhất là sự tìm kiếm tiện nghi, lạc thú; kế đó là phát triển đời sống tinh thần, sáng tạo. Từ bậc thứ ba, con người tìm ý nghĩa của cuộc sống trong các công tác cho tha nhân, cống hiến công sức cho xã hội, cộng đồng. Cuối cùng, con người hướng về đời sống tâm linh, tình yêu nhân loại, tình yêu Đấng tối cao.  Mỗi cấp bậc là sự tìm kiếm một loại hạnh phúc, nhưng càng đi xa, con người càng tìm thấy hạnh phúc bền vững hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Đem cái lý thuyết ấy áp dụng vào tuổi già, nhiều nhà lão học đề nghị ba đặc tính cần thiết để có một tuổi già hạnh phúc: sự dấn thân, tính lạc quan, và niềm tin tôn giáo.

Tùy theo cá tính và khả năng của từng người, sự dấn thân cho tha nhân thể hiện dưới nhiều hình thức sinh họat từ tinh thần đến vật chất, từ xã hội đến chính trị, từ việc nhỏ đến việc lớn. Công tác đòi hỏi sáng tạo, đem lại niềm vui tinh thần, là liều thuốc bổ của tuổi già. (Birren, J.E. Handbook of the psychology of aging. Boston : Englewood, 2006).

Tuy người Việt Nam chúng ta ít phát triển truyền thống làm việc thiện nguyện (bénévolat) so với người dân bản địa và một số sắc tộc khác (năm 2006,người  Québécois trên 65 tuổi cống hiến trung bình 266 giờ công tác thiện nguyện – Réalité des aînés québécois, p. 166), hình ảnh một  số người Việt  lớn tuổi âm thầm đóng góp các công tác xã hội, văn hóa, cộng đồng là một hình thức sống với tuổi già hạnh phúc cho mình và cho tha nhân cần được phát triển và đề cao..

Tính lạc quan giúp người già thích nghi và vui sống ngay khi gặp khó khăn, bất trắc. Wong đề nghị phát triển óc lạc quan bằng cách thực hiện hay tham dự những công tác thực tiển đại loại đọc một quyển sách hay (không phải đọc bất cứ cái gì ), thử viết về đời mình, tập vẽ, nghe nhạc, chơi nhạc, làm vườn, họp bạn, tạo nguồn vui cho mình và cho người…Tính lạc quan còn bao gồm cả niềm tin kẻ khác giúp đỡ mình, chia sẽ với mình những nhu cầu để cho cuộc đời còn lại có ý nghĩa.

Niềm tin tôn giáo là một sức mạnh tinh thần và cả vật chất giúp tuổi già vơi đi hay qua đi các nỗi khổ đau. Đó là kết luận của nhiều nghiên cứu ngay trong xã hội Mỹ

 

Kết luận

Để kết luận, chúng tôi mượn một đoạn văn của danh hào Lâm Ngữ Đường, tác phẩm Sống đẹp qua lời dịch của Nguyễn Hiến Lê:

Đời sống là một bài thơ. Nó có vận luật, tiết điệu, chu kỳ thịnh suy của nó. Mới đầu là tuổi nhỏ ngây thơ rồi tới tuổi xuân vụng về, ráng thích ứng với xã hội, nhiều nhiệt tình, nhiều tham vọng, dại dột mà có lý tưởng; tiếp đến một tuổi hoạt động kiệt liệt, rút được nhiều kinh nghiệm trong xã hội và bản chất con người; đến tuổi trung niên hoạt động giảm đi, tính tình dịu đi như một cây đang chín hoặc một thứ rượu ngon đã hết nồng, khoan dung hơn, ôn hòa hơn, nhưng cũng ngạo nghễ hơn; rồi tới khi bắt đầu xế bóng, các hạch nội tiết hoạt động giảm đi, chúng ta mới thấy được cái triết lý của tuổi già, cái tuổi hòa bình, ổn định, nhàn dật và mãn nguyện…Nếu hồi tráng niên mà không biết nhàn tản thì đã là một tật xấu rồi, tới tuổi già mà không biết nhàn tản thì quả là một tội lớn đối với bản tính con người.

Cùng trong ý nghĩ ấy, Jacques Salomé trong Bonjour tendresse  đã nhấn mạnh : Il faut beaucoup d’amour et d’humour pour bien vieillir.

Cuối cùng, để tuổi trẻ và tuổi già gặp nhau, Raymond Radiguet đã nhận định :

Tout âge porte ses fruits, il faut savoir les cueillir

Tuổi nào cũng đơm hoa kết trái, Chỉ cần biết khéo hái mà thôi *

Hay như Victor Hugo

Et l’on voit de la flamme aux yeux des jeunes gens,

Mais, dans l’œil du vieillard, o­n voit de la lumière

Và ta thấy lửa bừng đôi mắt trẻ, Ánh mắt già chan chứa vẻ khôn ngoan * (*Trần Kim Vân dịch)

 Lâm Văn Bé

 

Phụ lục

Sau khi đã gởi bài đi, chúng tôi lại nhận được một bảng « danh sách 37 dấu hiệu để biết mình đã già » từ điện thư của một người bạn chuyển đến. Tuy tài liệu có chút dí dỏm và chắc chắn chưa đầy đủ nhưng mô tả được phần nào thực tế, và vì lẽ tài liệu luân lưu nên không thể nào biết được  tác giả, chúng tôi xin được phép đăng nguyên văn «bảng phong thần » nầy để xin quí độc giả tự kiểm điểm xem mình được bao nhiêu điểm. Điểm càng cao, chắc hẳn tuổi càng cao. Và biết đâu bảng danh sách nầy sẽ  gợi ý cho các bậc thức giả thiết lâp một danh sách dài hơn, đầy đủ hơn. LVB

 

37 dấu hiệu để biết mình đã già

1, Hay kể chuyện ngày xưa. 
2, Vặn Tivi lên để ngủ.
3, Thích ăn cơm nhão.
4, Điện thoại di động lúc nào cũng tắt cho đỡ tốn pin.
5, Chẳng biết SMS là cái gì. 
6, Ðoc Word file, luôn luôn View 150%. 
7, Ðến nhà bạn chơi, ngủ gật. 
8, Cả ngày đi tìm chìa khoá nhà, chìa khoá xe. 
9, Ngưng nhổ tóc bạc. 
10, Nếu là đàn bà, vứt hết mini-jupes. 
11, Ra bãi biển, trùm chăn. 
12, Ra đường “bị” gọi bằng cô, chú (đến giai đoạn bị lên chức bác, thì triệu chứng đã bắt        đầu trầm trọng). 
13, Lên xe buýt “bị” nhường chỗ (giai đoạn ultimo). 
14, Coi phim buồn hay không buồn gì cũng rươm rưóm nưóc mắt. 
15, Thích người khác để ý và săn sóc mình nhiều hơn xưa.. 
16, Rất là ghét nhìn những cặp “amoureux” khoảng 20 tuổi.. 
17, Rất thích nhìn mấy anh trẻ đẹp trai, hay mấy cô nàng tuổi giữa 20-30. 
18, Vẫn mê ăn phở, nhưng thích luộc bánh phở cho thật là mềm. 
19, Rất rất là thích những câu như “dạo này trông bạn trẻ hơn và ốm hơn năm trước”. 
20, Có đồ ăn ngon thì lấy đầy đĩa mà ăn không hết. 
21, Giấc ngủ trưa dài hơn. 
22, Ði đứng nằm ngồi chậm lại (chưa nói đến vấn đề sex!). 
23, Toàn dùng kem đánh răng loại “Extra-whitening”. 
24, Uống cà phê đen tối ngủ không được. 
25, Hay hỏi thăm tin tức các cụ cùng tuổi xem “còn khoẻ hay không”. 
26, Phone điện thoại di động reo lúng túng mãi mới bắt được thì phone đã tắt. 
27, Xài điện thoại di động loại cũ, không dám đổi loại hiện đại. 
28, Đi chơi, cho nhau số điện thoại rồi không mở điện thoại 
29, Gửi SMS 15′ mới đánh được một chữ. 
30, Đi chơi làm biếng lái xe đi xa. 
31, Thân hình có vòng thứ hai càng ngày càng to. 
32, Ngại lên xuống thang lầu vì sợ té. 
33, Cứ bốn, năm giờ sáng là đã thức dậy. 
34, Mở báo đọc hay tìm trang cáo phó đọc trước. 
35, Không muốn nhắc nhở đến ngày sinh nhật. 
36, Nhìn gương thường xuyên, để ý đến chân dung nhiều hơn. 
37, Nói chuyện hay kể chuyện bệnh và chỉ nhau thuốc trị bệnh.





 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email  Thảo luận


Những nội dung khác:




Lên đầu trang

     Tìm kiếm 

     Tin mới nhất 
Nhận được tin vui viện trợ Mỹ được Hạ Viện chấp thuận, quân Ukraine tổng phản công đánh bom tàu ​​cứu hộ lâu đời của Nga ở Crimea
Bí mật 30-4 chưa bao giờ tiết lộ : Quân đội Mỹ và VNCH suýt bắn nhau tan nát vào giờ chót Vì Bị Bỏ Rơi
Viết về ngày Quốc Hận, 30-4-1975
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford!
Nhiều nước thế giới cấm công dân miền Bắc CHXHCNVN nhập cảnh!
Tưởng niệm tháng tư 75
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến
Tưởng niệm cuộc chiến với đại cường TQ anh em môi hở răng lạnh sông liến sông núi liền núi
Tỷ lệ dân số độc thân Việt Nam và Đông Nam Á

     Đọc nhiều nhất 
Ảnh hưởng của Nga đối với phe Trump và đảng Cộng Hoà tại quốc hội làm ngăn chân gói viện trợ vũ khí cho Ukraine để vừa lòng Putin [Đã đọc: 647 lần]
Nhiều thanh niên Ấn, TQ và VN đang du học, lao động hoặc định cu bị Nga bắt lính đưa ra tiền tuyến [Đã đọc: 640 lần]
CSBK chứng tỏ tình yêu đối với Nga: đội mưa hiến máu cứu người - Phú Trọng tha thiết mời Putin thăm VN bảo đảm không bị bắt [Đã đọc: 625 lần]
Không khiếp nhược như CSVN,Philippines 'thách' Trung Quốc ra tòa quốc tế [Đã đọc: 555 lần]
Bấc Công Diệt Nam Cộng thu hết giang san vào tay BK độc quyền trị quốc bình thiên hạ [Đã đọc: 525 lần]
Nhân dân Pakistan chống Tàu cứu nước: Tấn công tự sát nhằm vào nhóm kỹ sư Trung Quốc, 6 người thiệt mạng [Đã đọc: 517 lần]
CHXHCNVN: Vô địch thế giới sinh viên đại học làm kinh tế: mãi dâm 4 lần được cho học [Đã đọc: 508 lần]
Tưởng niệm tháng tư 75 [Đã đọc: 495 lần]
Ukraine trước nguy cơ bị đảng Cộng Hòa của Trump bỏ rơi như VNCH thời TT Ford! [Đã đọc: 479 lần]
Nhiều nước thế giới cấm công dân miền Bắc CHXHCNVN nhập cảnh! [Đã đọc: 441 lần]

Trang chủ :: Tin tức - Sự kiện :: Website tiếng Việt lớn nhất Canada email: vietnamville@sympatico.ca :: Bản sắc Việt :: Văn hóa - Giải trí :: Khoa học kỹ thuật :: Góc thư giãn :: Web links :: Vietnam News in English :: Tài Chánh, Đầu Tư, Bảo Hiểm, Kinh Doanh, Phong Trào Thịnh Vượng :: Trang thơ- Hội Thi Nhân VN Quốc Tế - IAVP :: Liên hệ

Bản quyền: Vietnamville
Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút: Tân Văn.