Những người Sơn Tây
Hai mươi dặm về phía tây bắc Hà Nội là đất Sơn Tây, nơi có con sông Đáy, có núi Ba Vì. Cũng tại đất Sơn Tây, cùng thời với chúng tôi có chàng thi sĩ, có anh nhạc sĩ, có vị tướng công và có ông chính khách. Nhà thơ Quang Dũng, người viết nhạc Phạm Đình Chương, thiếu tướng Lê Nguyên Vỹ và chính khách Nguyễn Cao Kỳ. Những nghệ sĩ làm cuộc sống thăng hoa, tướng công làm ta hãnh diện và chính khách làm ta xấu hổ. Họ đều là những người Sơn Tây.

Đôi mắt người Sơn Tây

Đêm hôm đó là một buổi tối mà cả phòng trà ai cũng muốn được là người đất Sơn Tây. Phòng trà Đêm Mầu Hồng, Saigon có chương trình ca nhạc phổ thơ Quang Dũng nên đầy khán giả. Ban hợp ca Thăng Long gần đủ mặt. Hoài Trung lên nói về thi sĩ Quang Dũng, người cán bộ tuyên huấn của trung đoàn Tây Tiến, sinh năm 1921 đã có những vần thơ trác tuyệt. Quang Dũng vốn là nhà thơ của đất Sơn Tây. Người đã đưa Sơn Tây qua đất Lào, lên Việt Bắc, về Hà Nội, vào Saigon và giờ đây thơ của ông được phổ nhạc gửi đi khắp bốn phương. “Đôi mắt người Sơn Tây, u uẩn chiều luân lạc, buồn viễn xứ khôn khuây”. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh năm 1929 khi phổ nhạc thơ Quang Dũng, cũng nhân danh là người con của Sơn Tây. Quê ngoại.

Hoài Bắc Phạm Đình Chương

Tay cầm ly rượu, tay cầm micro Hoài Bắc Phạm Đình Chương hát những bài ông phổ thơ Quang Dũng. Nhạc sĩ hát để tặng cho một người.

Đó là người hùng Sơn Tây, Nguyễn Cao Kỳ cùng với vợ mới cưới ngồi trong số những khán giả hiện diện. Ông đang là tư lệnh không quân, Tư lệnh đi phòng trà, lính gác từ trong ra ngoài. Khán giả may mắn vào được Đêm màu Hồng ngay từ buổi chiều, mê Sơn Tây quá nên ai cũng muốn là người đất Sơn Tây. Khổ cho tôi chưa, lúc đó còn là một sĩ quan vô danh ngồi một góc, tôi cũng ao ước trở thành người hùng đất Sơn Tây như Kỳ. Bụng bảo dạ, thằng cha này chỉ hơn mình có mấy tuổi mà sao ngon lành quá thể.

Cùng lúc đó, giữa biên giới gần Tây Ninh, có một chàng trai Sơn Tây khác, chưa bao giờ nếm mùi trà đình tửu điếm Saigon. Trung tá Lê Nguyên Vỹ sinh năm 1933 trung đoàn trưởng bộ binh đang dò bản đồ, gọi máy xem các đơn vị đã vào được vị trí chưa. Đất Sơn Tây, cùng một lúc sinh ra những người con khác biệt biết chừng nào.

Giữa chàng thi sĩ, nhạc sĩ và người chiến sĩ thì anh chàng lãng tử giang hồ Nguyễn Cao Kỳ lại là người nổi nhất.

Thiếu Tá Ngọc của San Jose là người thân thiết với ông Kỳ từ ngày ở Hà Nội, rồi đến Saigon và ngay bây giờ tại Hoa Kỳ.

Anh em ngồi bên cạnh Ngọc “Toét” và Hùng “Xùi” thì chuyện ông  Kỳ kể hàng năm không hết. Cùng với anh Kỳ, chúng tôi xuất thân là dân Càn khu Chả cá, Hà Nội. Ông Ngọc nói như thế. Bây giờ cuộc sống vô thường. Đời là một sân khấu. Ngọc Toét của tôi buông nhẹ câu triết lý.

Quả thực như thế, cùng khóa tư với Hùng Xùi và Ngô Quang Trưởng lại thân thiết với Nguyễn Cao Kỳ mà khi qua Mỹ ông Ngọc vẫn giữ lon thiếu tá, cũng là chuyện lạ.

Quả thực cuộc đời là một hý trường, dù hay dù dở, dù xấu dù tốt, Kỳ vẫn luôn luôn là một ngôi sao sáng lên mọc từ đất Sơn Tây.

Sinh năm 1930 thuở nhỏ theo kháng chiến rồi về Thành. Động viên vào lớp sĩ quan Nam Định, sang Pháp học bay. Về nước ông lần lượt bước dần lên bực thang danh vọng. Giữa cơn binh biến từ 63 đến 65, Nguyễn Cao Kỳ trở thành người hùng trong quân đội với chức tư lệnh không quân VNCH. Từ 65 đến 67. Từ giã quân đội, Nguyễn Cao Kỳ trở thành thủ tướng và sau cùng là phó tổng thống của đệ nhị Cộng Hòa.

Sau 4 năm của nhiệm kỳ đầu, bị ông Thiệu bỏ rơi, Kỳ về làm nông trại tại Khánh Dương. Cùng thời đó ngoài Bắc thi sĩ Quang Dũng đất Sơn Tây đã chịu biết bao nhiêu trầm luân gian khổ từ sau vụ Nhân văn Giai phẩm.

Thiếu Tướng Lê Nguyên Vỹ

Tháng 4-1975 người chiến sĩ xuất thân đất Sơn Tây là Thiếu Tướng Lê Nguyên Vỹ tự tử tại tổng hành dinh Sư đoàn 5 Bộ binh. Bài vị được đem về thờ tại làng cũ đất Sơn Tây ghi danh là tư lệnh binh đoàn Lai Khê. Khi Sài Gòn có lệnh đầu hàng, ông bình tĩnh ăn ba chén cơm. Nói anh em liệu tìm đường thoát thân. Trung tá Đỗ Đình Vượng còn nhìn thấy nụ cười của tư lệnh trước khi ông quay vào phòng nổ súng.

Còn người hùng không quân đất Sơn Tây nói chuyện quyết tâm chiến đấu cứ như đinh đóng cột tại trường Chỉ huy Tham mưu Long Bình. Anh em sĩ quan cao cấp trong khóa học lòng dạ đang tan nát vì gia đình bị kẹt ở miền Trung, bỗng tưởng như thấy lại trời xanh. Ông Kỳ lại tiếp tục hô hào thêm một lần nữa tại họ đạo Tân Sa Châu. Dân di cư công giáo nghĩ rằng phen này gặp được người anh hùng xoay lại thời thế.

Nhưng sau cùng, nhạc sĩ Phạm Đình Chương và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ cùng sống những ngày còn lại tại Hoa Kỳ. Nhạc sĩ tiếp tục phổ thơ, những tác phẩm bất hủ kể lể nỗi niềm về Đêm nhớ Trăng Saigon.

Ông thiếu tướng cũng di tản kịp thời qua Mỹ và tiếp tục là người tạo  tin tức thời sự trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

Những chàng trai đất Sơn Tây lần lượt ra đi. Từ chiến sĩ Lê Nguyên Vỹ tự sát 1975 trong Nam, thi sĩ Quang Dũng chết trong hiu quạnh 1988 ngoài Bắc, đến nhạc sĩ Phạm Đình Chương qua đời trong thương tiếc năm 1991 tại Hoa Kỳ. Bây giờ đến lượt nhà chính khách ồn ào Nguyễn Cao Kỳ người đất Sơn Tây ra đi sau cùng 2011.

Định mệnh đã có những cơ duyên lạ lùng. Người đất Sơn Tây chết tại Hà Nội, chết tại Saigon, chết tại Hoa Kỳ. Riêng mình ông sống không giống ai, đến khi ông chết tang lễ cử hành tại Mã Lai.

Nguyễn Cao Kỳ dưới mắt Hoa Kỳ

Tờ New York Time số vừa qua viết về ông cựu phó tổng thống miền Nam có thể được coi là phản ảnh dư luận Mỹ.

Ký giả Mỹ viết rằng từ một tay chơi ông Kỳ trở thành tư lệnh không quân miền Nam và thủ tướng tại Saigon thời kỳ 65-67.

Cháu của ông là Peter Phan nói với AP là ông Kỳ qua đời tuần vừa qua tại Kuala Lumpur, Mã Lai hưởng thọ 81 tuổi. Dựa theo hồi ký của  chính ông Kỳ, báo Mỹ viết rằng Kỳ đã từng phục vụ cho cộng sản và quân đội thực dân Pháp. Trên thực tế thời toàn quốc kháng chiến ông Kỳ mới là một thiếu niên cho đến khi trưởng thành bị động viên vào khóa sĩ quan tại Nam Định. Tuổi trẻ chưa hề có ý niệm gì về quốc cộng và hoàn toàn bị lôi cuốn vào dòng đời theo hoàn cảnh.

Dưới mắt báo chí Hoa Kỳ, vị thủ tướng Việt Nam một thời đóng vai chính khách huê dạng, ông làm chính trường thành kịch trường và tự biến mình thành một kép hát. Cả 2 vợ chồng đều mặc đồ bay, áo liền quần màu đen, khăn tím, kính dâm, tóc dài. Tướng Kỳ đeo súng lục xệ bên hông.

Trong sách Stanley Karnow tả ông Kỳ như là một tay thổi kèn saxophone ở hộp đêm hạng nhì. Chính ông Kỳ cũng nhắc lại như vậy. Ông tự xưng là con Phật đứng lên chiến đấu để cứu Việt Nam.

Thời kỳ ông thủ tướng “cao bồi” của Việt Nam cầm quyền, đến dự lễ duyệt binh với phu nhân Tuyết Mai, cả khán đài quan khách Việt-Mỹ đứng lên đón chào theo lời của xướng ngôn viên buổi lễ. Anh hùng và giai nhân cặp kè như các diễn viên trên sân khấu. Quan khách ngoại quốc và ngoại giao đoàn mở to mắt nhìn hoạt cảnh có một không hai trên chính trường miền Nam.

Đứng bên cạnh khán đài, đại úy tùy viên của tướng Westmoreland nói nhỏ với tôi. Ông Kỳ là chủ nhân của Saigon hoa lệ và cũng là chủ nhân của bông hoa đẹp nhất Saigon. Tôi cũng không biết là anh này nói thực lòng hay mỉa mai.

Không ngồi trên khán đài, đại tá Loan, xếp xòng an ninh của ông Kỳ chân đi dép, áo trận bỏ ngoài quần, đầu không đội mũ, bên hông đeo súng lục, lẹp xẹp đi tới đi lui, đích thân kiểm soát an ninh tại khán đài.

Với những hình ảnh đó, Hà Nội luôn luôn tuyên truyền rằng chính phủ miền Nam là bù nhìn của Mỹ, và là những con rối tệ hại nhất.

Danh tiếng kỳ cục

Cuộc đời của ông Kỳ là một chuỗi dài những tin tức, những danh tiếng ồn ào và kỳ cục. Ông là tay ăn chơi ngông nghênh nhất hạng. Lấy vợ, bỏ vợ, rồi lấy vợ, rồi bỏ vợ. Một thời nổi danh là Lady Killer. Ông theo Mỹ rồi chống Mỹ. Ông quyết liệt chống cộng rồi lại lên tiếng bênh vực chính quyền Hà Nội.

Ông từ chối ra đi, kêu gọi mọi người ở lại chiến đấu, nhưng sau cùng ông lại ra đi.

Ông tham gia các phong trào vận động phục quốc, nhưng đánh trống bỏ dùi, ông quay lại hô hào hòa giải dân tộc. Ông có khả năng hùng biện và luôn luôn nói lời tâm huyết, vì nước vì dân. Ông tự coi là người yêu nước chân thực và nồng nàn. Nhưng thực sự Nguyễn Cao Kỳ không hề yêu ai cả. Ông chỉ yêu có Nguyễn Cao Kỳ. Từ trong nước ra đến hải ngoại, trong hay ngoài quân đội, trước hay sau 75, ông luôn leo lên đầu lên cổ anh em để múa gậy vườn hoang. Ông dậy dỗ hải ngoại đoàn kết dân tộc. Ông dậy dỗ trong nước chống Mỹ, chống Tàu.

Từ khi xuất thân là dân càn Hà Nội, cậu Kỳ chỉ muốn chơi trội. Cậu chỉ muốn suốt đời là cái đinh của vũ trụ, cái rốn của địa cầu. Dù trái hay phải, dù xấu hay tốt, dù xuôi chiều hay ngược lối, dù lẫm liệt hay cúi đầu nhục nhã, dù đóng vai chính nhân hay phản diện, luôn luôn cậu phải là ngôi sao sáng của chính trường. Cậu là con cầu tự. Con Trời con Phật. Thiên hạ phải đứng chung quanh vỗ tay.

Nhà Thơ Quang Dũng

Nhưng đau thương là ở phần chúng ta, bởi vì chúng ta không phải là khán giả của một vở kịch đời, xem qua rồi bỏ. Chúng ta là dân của một nước đã mất vì người lãnh đạo một thời được so sánh với anh thổi kèn saxophone cho một phòng trà hạng bét. Người ta nói rằng, dân tộc thời nào thì có lãnh đạo thời đó. Khổ thân tôi chưa. Tôi lại chính là người dân Việt Nam của thời kỳ đó.

Bây giờ còn biết nói năng chi

Dù hết sức kính trọng tướng Lê Nguyên Vỹ, dù cảm phục tài hoa thi sĩ Quang Dũng, dù rất say mê nhạc Phạm Đình Chương, nhưng tôi không còn tha thiết ước mong là người Sơn Tây như thủa xưa ngồi ở Đêm Mầu Hồng. Ước mơ gì kỳ cục. Tôi xin trở về làm dân Nam Định hiền lành như mọi người.

Ngưòi chính khách cuối cùng đã đi rồi, đem theo cả tiếng bấc tiếng chì. Dân Càn chả cá Hà Nội bây giờ chẳng còn ai. Ngọc Ghẻ chết từ khuya, chỉ còn bác Ngọc Toét ngồi cười ruồi với bác Hùng Xùi ở San Jose. Hai bác đang bàn nhau xuôi Nam đón tro cốt anh Kỳ.

Nghĩa tử vẫn là nghĩa sau cùng.

Giao Chỉ