| Hàn Mặc Tử khi ở Quy Nhơn |
Ngoài căn bệnh phong đã ảnh hưởng đến thơ của thi sĩ họ Hàn, bật ra thành những lời gào thét uất hận, thì trong thơ Tử còn có những hình ảnh thật kỳ dị khó hiểu có thể liên quan đến một nguyên nhân khác. Chính người em ruột của ông đã đặt vấn đề về căn bệnh tâm thần mà ông mắc phải... Trong thơ Tử có những hình ảnh thật kỳ dị, đôi lúc ma quái rùng rợn. Đến nỗi Hoài Thanh đã phải công nhận là: "Chính như lời Hàn Mặc Tử nói trong bài Thơ điên, vườn thơ của người rộng thinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh".
Quả đúng như thế. Đọc thơ của chàng đôi lúc thấy sởn da gà: "Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ Tiếng rú ban đêm rạng bóng mờ! Tiếng rú lòng tôi xô vỡ sóng Rung tầng không khí, bạt vi lô Ai đi lẳng lặng trên làn nước Với lại ai ngồi khít cạnh tôi? Mà sao ngậm cứng Thơ đầy miệng Không nói không rằng nín cả hơi", "Lụa trời ai dệt với ai căng? Ai thả chim bay đến Quảng Hằng? Và ai gánh máu đi trên tuyết Mảnh áo da cừu ngắm nở nang", "Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm Cho trăng ngập, trăng dồn lên tới ngực Cho hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức Rồi bay lên cho tới một hành tinh Cùng ngả nghiêng lăn lộn với muôn hình Để gào thét một hơi cho rởn ốc". Quách Tấn đã nghe Hàn Mặc Tử kể lại những câu chuyện liên quan đến hình ảnh người gánh máu đi trên tuyết như sau: "Đêm ấy, vì tiết sắp sang đông nên bãi biển không một bóng người qua lại, mặc dù trời không lạnh và trăng sáng như ban ngày. Đêm tạnh hết sức, tạnh đến nỗi nghe cả tiếng chiêm bao! Cảnh trời thật mênh mông bát ngát. Lòng tôi lại mênh mông bát ngát bằng hai... Thân tôi chìm trong không gian vô tận và hồn tôi chìm trong cõi lòng rộng vô biên. Tôi có một cảm giác ngờm ngợp... Chợt nhìn lên trời thấy bóng trăng đã đứng đầu, và nhìn bên cạnh thấy một bóng người ngồi sát. Liền đó từ trong bóng người ngồi cạnh tôi, bước ra một bóng người thứ hai, đi từ từ ra biển và bước lững thững trên mặt nước... Rồi hai bóng đều biến mất và mặt biển đông lại thành tuyết sáng ngời dưới bóng trăng khuya. Thoạt hiện ra một người, thân vóc nở nang, mình khoác chiếc áo lông, vai khoác hai thùng thiếc đựng đầy nước óng ánh. Người ấy bước đi thì nước trong thùng tung ra và hóa thành huyết đổ lã chã trên tuyết. Người gánh máu đi lần vào bờ... Tôi khiếp quá hét lên thành tiếng, vụt đứng dậy, chạy một mạch về nhà. Vừa đến nhà, mệt quá, té nằm trước thềm, ngút hơi... Từ ấy cảnh tượng kia ám ảnh tôi mãi...". Đó là những trạng thái "xuất thần" mà hàng mấy chục năm, tất cả những người nghiên cứu về thơ Hàn Mặc Tử không ai lý giải được nguyên nhân, kể cả Quách Tấn. Người ta chỉ cho rằng nó bật ra từ sự đau khổ nung nấu mà Tử phải gánh chịu mà thôi. Người em kế của Tử, sau nhiều năm lặng lẽ chiêm nghiệm, đã công bố một kết luận vào năm 1991: "Trong quá trình chung sống bên anh, tôi ghi nhận anh có hiện tượng suy nhược tâm thần. Bệnh đó đã được nhiều người bạn tôi, chuyên khoa tâm lý sau này xác nhận là hiện tượng "névrose", một chứng rối loạn thần kinh nào đó, mà con người vẫn còn sáng suốt và rung cảm bén nhạy, vẫn làm chủ được trí óc mình". Nguyễn Bá Tín cho biết, có một tai nạn đã xảy ra đối với Tử vào lúc nhỏ, có thể ảnh hưởng đến tâm thần chàng về sau. Đó là lúc chàng khoảng 17-18 tuổi, suýt bị chết đuối ở biển Quy Nhơn. Sau khi thoát chết, Tử trở nên hoảng loạn khác thường. Từ đó, chàng bỏ luôn thói quen tắm biển, sợ nước, ít hoạt động, hình thể gày nhỏ đi. Nhiều biểu hiện làm cho gia đình sợ rằng Tử bị tâm thần, nhưng sau đó thấy chàng bình thường, thậm chí còn tập làm thơ nên cũng quên đi nỗi lo lắng. Tuy nhiên với Tử thì khác. Chàng quả quyết rằng trong cơn nguy biến đó, chàng đã được tận mắt thấy Đức Mẹ hiện ra. Đó là giây phút mà chàng run sợ đến ớn lạnh toàn thân. Sau này Tử đã sáng tác bài Ave Maria: "Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ Giòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ". Chi tiết này càng củng cố cho nhận định của Nguyễn Bá Tín là đúng. (Theo Thanh Niên) CHÙM THƠ HÀN MẶC TỬ Đêm Không Ngủ Non sông bốn mặt ngủ mơ màng Thức chỉ mình ta dạ chẳng an Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối Gió thu lọt cửa cọ mài chăn Khóc dùm thân thế hoa rơi lệ Buồn giúp công danh dế dạo đàn Chuỗi dậy nôm na vài điệu cũ Năm canh tâm sư. vẫn chưa tàn. Âm Thầm Từ gió xuân đi gió hạ về, Anh thường gởi gắm mối tình quê Bên em, mỗi lúc trên đường cái, Hóng mát cho lòng được thỏa thuê. Em có ngờ đâu trong những đêm Trăng ngà giải bóng, mặt hồ êm, Anh đi thơ thẩn như ngây dại, Hứng lấy hương nồng trong áo em... Bên khóm thùy dương em thướt tha. Bên này bờ liễu anh trông qua, Say mơ vướng phải mùi hương ướp, Yêu cái môi hường chẳng nói ra ... Độ ấy xuân về em lớn lên, Thấy anh em đã biết làm duyên. Nhưng thời gian vẫn trôi đi mãi, Yêu dấu lòng anh ôm hận riêng
Chuyến Đò Ngang Chẳng hẹn hò sao gặp gỡ đây Người thời như tỉnh kẻ như say Trong veo làn nước soi đôi mặt Xa tít quê nhà trỏ một tay Tâm sự mới trao bờ đã đến Nỗi niềm chưa cạn khách về ngay Ba sinh duyên nợ âu là thế Một chuyến đò đưa nghĩa một ngày Đàn Nguyệt Hỏi chơ mấy tuổi ? Đáp mười lăm Non nước từng phen nổi tiếng tăm Bạc mạng đàn chơi đau nửa kiếp Đồng tâm tơ buộc chặt quanh năm Chường mình trước án trông đầy đặn Nép mặt trông hoa nói thì thầm Mười khúc đoạn trường say chửa tỉnh Thuyền ai thấp thỏm muốn ôm cầm Đời Phiêu Lãng (Gởi một gái quê làng tôi) Mây trắng ngang trời bay vẩn vơ Đời anh lưu lạc tự bao giờ Đi đi... đi mãi nơi vô định Tìm cái phi thường cái ước mơ. Ở chốn xa xôi em có hay Nắng mưa đã trải biết bao ngày Nụ cười ý vị như mai mỉa Mỉa cái nhân tình lúc đổi thay. Trên đời gió bụi, anh lang thang Bụng đói như cào lạnh khớp răng Không có nhà ai cho nghỉ bước Vì anh là kẻ chẳng giàu sang Ban đêm anh ngủ túp lều tranh Chỗ tạm dừng chân khách bộ hành Đến sáng hôm sau anh cất bước Ra đi với cái mộng chưa thành. Gái Quê Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự Tôi đều nhận thấy trên môi em Làn môi mong mỏng tươi như máu Đã khiến môi tôi mấp máy thèm. Từ lúc tóc em bỏ trái đào Tới chừng cặp má đỏ au au Tôi đều nhận thấy trong con mắt Một vẻ ngây thơ và ước ao. Lớn lên, em đã biết làm duyên, Mỗi lúc gặp tôi che nón nghiêng Nghe nói ba em chưa chịu nhận Cau trầu của khách láng giềng bên Hãy Đón Hồn Anh Dưới túp lều tranh, trên võng tre Tứ bề cửa khép với phên che Kép mền ủ kín toàn thân lại Để thả hồn bay, gửi mộng về
Thực hư chuyện tình Mộng Cầm - Hàn Mặc Tử | Mối tình Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử đã được tái hiện qua phim. |
Hàn Mặc Tử quen Mộng Cầm trong thời gian phụ trách trang văn chương cho tờ "Trong Khuê Phòng". Mộng Cầm là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu, vì "lây nhiễm tinh thần thơ văn" của ông cậu trẻ tuổi nên cũng tập tành làm thơ gửi đăng báo. Hàn Mặc Tử đã nhận một số bài thơ như thế của Mộng Cầm gửi đến và từ đó họ làm quen với nhau. Hai mươi năm sau ngày mất, vào năm 1961, nhà thơ Nguyễn Vỹ, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Phổ Thông đã cử ông Châu Mộng Kỳ tìm gặp Mộng Cầm để thực hiện bài phỏng vấn về mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm. Nhờ mối quan hệ đặc biệt, ông Châu Mộng Kỳ là thày dạy con riêng của chồng Mộng Cầm, nên bài phỏng vấn mới thực hiện được. Trước đó nhiều nhà báo đã bị từ chối. Trong bài trả lời phỏng vấn đăng ở tạp chí Phổ Thông số 63, ra ngày 15/8/1961, Mộng Cầm đã phủ nhận hoàn toàn chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mặc Tử: "Một dịp thứ bảy đi chơi lầu Ông Hoàng, anh thổ lộ mối tình với tôi. Tôi có trả lời anh: Chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng. Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau, nhưng thật ra vì biết Hàn Mặc Tử mang chứng bệnh hiểm nghèo, không thể sống lâu được, ý tôi muốn một người chồng mạnh khỏe, tráng kiện... Tuy vậy chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật một hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều lần, Hàn Mặc Tử năn nỉ tôi dẫn về Quảng Ngãi thăm nhà và trong nhiều bức thư, anh đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi vẫn trả lời, nhưng luôn luôn ngụy biện để từ chối: Em thiết nghĩ chúng ta sống như thế này thanh cao hơn, tôn giáo bất đồng, chữ hiếu bắt buộc em phải nghe lời thân mẫu". Bài phỏng vấn này đăng lên, Nguyễn Vỹ cho biết Mộng Cầm đã đọc và không có điều chi thắc mắc và ông kết luận "đã giải đáp dứt khoát một nghi vấn thường bị nhiều người xuyên tạc". Tuy nhiên với độc giả, bài trả lời phỏng vấn của Mộng Cầm đã gây sốc. Bởi mối tình Mộng Cầm - Hàn Mặc Tử đã được người đời nâng lên thành huyền thoại. Ngay cả Ngọc Sương, dì ruột của Mộng Cầm, cũng phản đối. Rồi đến Quách Tấn, người đã ủng hộ việc Mộng Cầm đi lấy chồng khi hay tin Hàn Mặc Tử bị bệnh nan y, cũng giận dữ trước lời phát biểu này. Quách Tấn viết: "Cuộc tình duyên giữa Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm, tôi biết rõ lắm. Nhưng tôi chỉ nói những gì có thể nói được, nói những gì có thể giúp bạn đọc hiểu thêm tâm hồn Tử, văn chương Tử mà thôi". Mộng Cầm đã nói thật hay nói dối? Vì sao nàng lại phủ nhận mối tình này? Thật ra, trong thời gian quen biết với Mộng Cầm, căn bệnh phong của chàng chưa bột phát. Ngay cả chàng cũng không hề "cảm thấy", làm sao Mộng Cầm có thể "nhận ra". Rất dễ thấy rằng đó là những lời nói dối của một người con gái muốn quên quá khứ để bảo vệ hạnh phúc hiện tại. Một lý do rất thường tình và đáng thông cảm. Mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm đã được rất nhiều người gần gũi xác nhận. Trần Thanh Mại, một người bạn của chàng, đã công bố những chi tiết của mối tình này trong cuốn sách Hàn Mặc Tử xuất bản năm 1942. "Ấy là câu chuyện một đôi trai tài gái sắc yêu nhau, câu chuyện muôn đời ấy mà! Người con trai là Hàn Mặc Tử, người con gái, ta cứ theo nhà thi sĩ mà gọi là Mộng Cầm đi, mặc cái tên thực của họ. Hai bên đã thề nguyền những lời mà ta hiểu là thiết tha đằm thắm lắm. Thường thường thì họ hay gặp nhau ở hai tỉnh: Quy Nhơn và Phan Thiết. Họ đưa nhau đi chơi bờ bể, họ đi viếng các danh lam thắng cảnh, nhất là lầu Ông Hoàng. Rồi họ xa nhau. Họ nhớ nhau, và tặng ảnh cho nhau. Họ coi như một cặp vợ chồng chưa cưới". Hàn Mặc Tử đã sáng tác nhiều bài thơ đầy nước mắt về mối tình này. Trong bài Muôn năm sầu thảm, chàng đã kêu tên nàng một cách thảm thiết: "Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm/ Nhớ thương còn một nắm xương thôi". Bài Phan Thiết Phan Thiết, chàng nhắc tới những kỷ niệm xưa về lầu Ông Hoàng, nơi chàng và Mộng Cầm từng dạo chơi thuở nào: "Ta lang thang tìm tới chốn lầu Trăng/Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang/Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết/Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết!/Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi". (Theo Thanh Niên) |