Cuộc điều tra về đại dịch làm đảo lộn toàn cầu suốt hơn năm qua vẫn chưa ra đâu vào đâu, mặc dù mọi người đều biết xuất phát điểm là từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Trong cuộc truy tìm nguồn gốc của dịch Covid-19, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) xác nhận Trung Quốc đã xác định được chuỗi cung ứng những động vật bày bán ở Vũ Hán. Đây là động thái dựa trên quan điểm rằng động vật hoang dã được bày bán ở chợ là các cá thể đầu tiên nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên, xác định mạng lưới cung cấp động vật chỉ là bước đầu tiên. Tiếp theo, nhà chức trách phải xét nghiệm toàn diện và có chủ đích trên động vật và những người có liên quan để xem con đường lây nhiễm của virus trước khi dịch bệnh bùng phát hơn 12 tháng trước. Tuy nhiên, cơ quan chức năng của Trung Quốc dường không làm những xét nghiệm này. Điều đó khiến các chuyên gia nước ngoài bối rối.
Báo cáo chính thức sau khi đoàn chuyên gia của WHO đến Vũ Hán điều tra nguồn gốc đại dịch trong 28 ngày vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, các thành viên nhóm này nói quá trình xét nghiệm sẽ là “bước tiếp theo” trong cuộc điều tra. “Một số lần truy vết dẫn đến các trang trại hoặc những người buôn bán ở các khu vực nuôi nhốt dơi mang virus có liên quan với loại virus gây ra đại dịch COVID-19,” nhà virus học Marion Koopmans nói với SCMP tại Vũ Hán sau khi kết thúc sứ mệnh của WHO vào ngày 9-02 vừa qua. “Vì vậy, việc xem xét động vật trong các trang trại thực sự là điểm bắt đầu của nhiệm vụ tiếp theo”. Tuy nhiên, điều này không nằm trong lịch trình làm việc của nhóm chuyên gia WHO. “Chưa ai đến đó để xét nghiệm trên động vật,” ông Peter Daszak, nhà sinh thái học, cũng là tha2nhv iên của nhóm, nói với CNN. Các chuyên gia khác không tham gia sứ mệnh của WHO ngạc nhiên khi biết Trung Quốc không thực hiện các xét nghiệm có chủ đích trên động vật.
“Tôi hơi ngạc nhiên khi công việc mà đáng lẽ đã xong lại không được thực hiện, đặc biệt là khi Trung Quốc có một số nhà khoa học và nhà dịch tễ học rất giỏi,” Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu y tế công của Tổ Chức Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại ở New York, cho biết. Ông Huang cũng nhắc đến nỗ lực truy vết của Trung Quốc trong các làn sóng lây nhiễm gần đây ở thủ đô Bắc Kinh và thành phố Shijiazhuang thuộc tỉnh Hà Bắc. “Họ đã quyết liệt khi truy tìm nguồn gốc của những làn sóng lây nhiễm đó. Điều này khiến bạn tự hỏi vì sao họ không hăng hái như vậy trong việc điều tra nguồn gốc của đại dịch,” ông Huang nói.
Daniel Lucey, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại Học Georgetown ở Washington, cũng ngạc nhiên, không hiểu tại sao khi Trung Quốc vẫn chưa làm các xét nghiệm đó. “Không thể tin được!” ông Lucey thốt lên. “Vì sao họ không làm điều đó? Đây là công việc cần thiết, vì nền khoa học của Trung Quốc, vì sức khỏe cộng đồng và vì an ninh quốc gia.”
Chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán là nơi phát hiện những ca bệnh đầu tiên. Trước khi dịch bệnh bùng phát, hoạt động chăn nuôi một số động vật hoang dã lấy thịt là hợp pháp ở Trung Quốc. Các nhà khoa học nói xét nhiệm có mục tiêu sẽ là hoạt động điển hình trong việc điều tra nơi có lịch sử dịch tễ như Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. “Động vật sống trong chợ và dễ nhiễm coronavirus sẽ là nơi đầu tiên bạn phải xem xét,” nhà sinh học tiến hóa Eddie Holmes của Đại Học Sydney ở Australia nói. “Họ chắc chắn cần phải làm điều đó”. Đặc biệt, các trang trại nuôi động vật có vú cùng họ như chồn sương, lửng và chồn hương sẽ chắc chắn cần phải xét nghiệm thêm,” ông Holmes cho biết.
Mặc dù rất khó để kết luận nếu không phân tích đầy đủ thông tin thu thập được, Wanda Markotter, giám đốc Trung Tâm Viral Zoonoses của Đại Học Pretoria, Nam Phi, nói chiến lược xét nghiệm của Trung Quốc quá rộng. “Trong trường hợp này, tôi sẽ chọn cách tiếp cận cụ thể hơn, nếu có thông tin,” bà Markotter nói. Chuyên gia này đề cập đến việc xét nghiệm toàn diện ở các trang trại cung cấp động vật cho chợ. Những nơi chăn nuôi loại động vật dễ nhiễm virus cũng cần được xét nghiệm. Tuy nhiên, việc các trang trại phải đóng cửa theo lệnh cấm nuôi động vật hoang dã làm thực phẩm mà chính phủ Trung Quốc ban hành hồi Tháng 2, 2020, có thể gây khó khăn cho việc điều tra.